Những điểm nóng của buổi ‘chung kết’ tranh luận Trump - Clinton

19/10/2016 21:40 GMT+7

Cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton đều đối diện với những câu hỏi hóc búa ngay trước buổi tranh luận trực tiếp lần 3 giữa hai người vào đêm 19.10 (giờ Mỹ).

Vào tối 19.10 (giờ Mỹ, tức khoảng 8 giờ sáng 20.10 giờ Việt Nam), hai ứng viên tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa) và Hillary Clinton (đảng Dân chủ) sẽ có buổi tranh luận trực tiếp lần 3. Sự kiện này diễn ra ở trường Đại học Nevada, thành phố Las Vegas (bang Nevada, Mỹ). Người dẫn chương trình sẽ là ông Chris Wallace của đài Fox News.

Đây sẽ là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên trước ngày 8.11, thời điểm diễn ra đợt bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ năm 2016. Trước trận “chung kết” này, cả hai ứng viên tổng thống đều đối diện với những câu hỏi khó về chuyện cá nhân, chính sách... và họ có 90 phút để thể hiện mình.

Khó trăm bề cho ông Trump

Tạp chí Time nhận xét ông Donald Trump sẽ đối diện với một thách thức vô cùng khó khăn, sau những sự kiện lùm xùm xảy ra thời gian gần đây. Đặc biệt, đây có thể là “cơ hội cuối cùng” của ông Trump để thuyết phục cử tri, trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy ông vẫn bị đối thủ Hillary Clinton dẫn trước về tỉ lệ ủng hộ.

Trong cuộc tranh luận với bà Clinton, ông Trump sẽ không thể thoát khỏi những câu hỏi về cáo buộc xúc phạm phụ nữ, những lời lẽ tục tĩu của ông bị ghi lại và công bố trong cả tuần qua.

Chi tiết ấy cũng ảnh hưởng nặng nề lên mối quan hệ giữa ông Trump và những chính trị gia của “đảng nhà” Cộng hòa. Ngày 18.10, đài ABC phát sóng đoạn phỏng vấn cho thấy ông Trump tiếp tục dùng lời lẽ không hay nhằm vào Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Nói cách khác, với cả dư luận trung lập lẫn người Cộng hòa, ông Trump đều “gây chiến”. Chưa kể gần như tất cả các báo lớn ở Mỹ đều không đứng về phía ông.

Truyền thông Mỹ đánh giá đây là cơ hội cuối cùng để ông Trump "lội ngược dòng" Reuters

Vậy, ngoài những câu chuyện cụ thể về chính sách, ông Trump sẽ còn lá bài nào cho cuộc tranh luận này? Đài CNN cho rằng tỉ phú bất động sản sẽ nhấn mạnh vào cụm từ “gian lận”. Đó là cáo buộc ông dành cho cuộc tranh luận năm nay, cũng là một vấn đề mà người chủ tọa - Chris Wallace không bỏ qua.

Người dẫn chương trình Chris Wallace sẽ chọn 6 chủ đề cho buổi tranh luận, bao gồm: Nợ và quyền lợi; nhập cư; kinh tế; Tòa án Tối cao; điểm nóng ở nước ngoài; điều kiện/sức khỏe để làm tổng thống

Ông Kellyanne Conway, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump nói với CNN hôm 17.9 rằng hai ứng viên tổng thống sẽ tránh lặp lại diễn biến bị cho là “xấu xí” của cuộc tranh luận trực tiếp lần hai diễn ra ngày 9.10. Thay vào đó, họ sẽ nói về dịch vụ y tế, chủ nghĩa khủng bố, kinh tế, thuế và tham nhũng, chính phủ... Tuy nhiên, CNN cho rằng ông Trump vẫn không cho thấy dấu hiệu về việc sẽ “dùng chiêu” bôi nhọ để dồn ép đối thủ. Tương tự, tờ The Los Angeles Times ngày 19.10 cũng có bài phân tích nói rằng ông Trump cần phải chuyển trọng tâm sang bà Clinton mới có cơ hội giành lợi thế.

Bà Clinton cần tỉnh táo và chứng tỏ sự trung thực

Trong khi ông Donald Trump có vẻ tự gặp rắc rối, bản thân bà Clinton cũng tồn tại nhiều vấn đề rất có thể bị đối thủ khai thác.

Trước cuộc tranh luận này, ông Trump được cho sẽ đưa anh trai của Tổng thống Barack Obama đến, nhằm chống lại đảng Dân chủ, vì người anh này đã ra mặt ủng hộ ông Trump. Thêm vào đó, ông Trump cũng có thể sẽ dùng bà Patricia Smith, mẹ của nạn nhân Sean Smith trong vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi (Libya) năm 2012. Đó là vụ việc khiến bà Clinton bị kiện vì cho rằng trên tư cách ngoại trường vào thời điểm ấy, bà cực kỳ vô tâm khi sử dụng email cá nhân trao đổi công việc.

Đó lại là một chi tiết liên quan tới vụ lùm xùm về email của bà Clinton. Ngày 14.10, tổ chức WikiLeaks được cho đã tiếp tục tung ra những nội dung trong hộp thư điện tử của bà Clinton. Dù thế nào đi nữa, bà Clinton cũng sẽ xem đây là một trong những điểm yếu để ông Donald Trump xoáy vào, nhất là khi vấn đề này gắn liền với chữ “trung thực”, điều đang đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục cử tri của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ.

Những email của WikiLeaks đưa ra, vấn đề TPP và vụ Benghazi nằm trong số những khó khăn bà Clinton phải đối mặt Reuters

Theo đó, nếu không bị cho là một “chính trị gia hai mặt” - trái ngược với nhận xét “thẳng thắn, trung thực” mà người ủng hộ ông Trump hay dành cho ông, bà Clinton cần phải thực sự tỉnh táo ở vấn đề kinh tế và các hiệp định tự do thương mại, theo USA Today. Trước đây khi còn làm việc cùng Tổng thống Obama, bà Clinton ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng trong chiến dịch tranh cử này bà bị phát hiện đã tỏ thái độ bác bỏ nó.

Trong hai lần tranh luận trước đây, bà Clinton được truyền thông Mỹ nhận xét đã thể hiện tốt, giữ được sự điềm tĩnh và đưa đối thủ Trump “sập bẫy”. Trong lần tranh luận cuối cùng này, với một Donald Trump “không còn gì để mất”, bà Hillary Clinton càng phải chứng tỏ sự điềm tĩnh ấy và không để chính mình biến thành tâm điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.