Những điểm nóng địa chính trị thế giới năm 2017

29/12/2017 15:26 GMT+7

Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông… là ba trong số những điểm nóng địa chính trị đáng chú ý trong năm 2017.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, CHDCND Triều Tiên đã 16 lần phóng thử tên lửa các loại, trong đó liên tiếp ba lần thử nghiệm gần nhất đều phóng ngang qua vùng trời của Nhật Bản. Nước này cũng đạt bước đột phá trong công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Hai thế hệ tên lửa đạn đạo Hwasong-14 và Hwasong-15 được cho là đã có thể bắn đến lục địa Mỹ.
Chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên cũng đạt bước tiến lớn với lần thử bom hạt nhân thứ 6 vào ngày 9.9 với sức công phá 140 kiloton, lớn nhất trong lịch sử phát triển hạt nhân nước này. Những động thái đó đã buộc cả Nga và Trung Quốc phải lên tiếng phản đối.
Triều Tiên liên tục thử hạt nhân, tên lửa trong năm 2017 Reuters

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và giới lãnh đạo tại Washington D.C liên tiếp đưa ra đe dọa hàm ý sẵn sàng dùng biện pháp quân sự để phi hạt nhân hóa bán đảo. Các cuộc tập trận quy mô lớn của liên quân Mỹ - Hàn diễn ra thường xuyên, kéo theo đó là mật độ dày đặc khí tài quân sự tối tân của Mỹ được bố trí dài hạn hoặc điều động luân phiên đến khu vực bán đảo Triều Tiên.

Từng có giai đoạn như tháng 4, Tổng thống Trump ra lệnh phóng 59 quả tên lửa vào Syria ngay lúc đang chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được cho là nhằm gửi thông điệp cho Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên; hoặc tháng 8, khi Triều Tiên công khai kế hoạch bắn ICBM đến đảo Guam, giới quan sát lo ngại chiến tranh có thể bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, sau một năm “căng như dây đàn”, tình hình bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu xuất hiện hy vọng cho năm 2018. Các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, Hàn Quốc và Nga đều lên tiếng mở cánh cửa đối thoại trực tiếp Washington – Bình Nhưỡng trong tương lai.
Ngoài chương trình ICBM và vũ khí hạt nhân, Triều Tiên cũng trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với nghi án cái chết của người được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia hồi tháng 2.
Biển Đông: “Điểm nóng bị lãng quên”
Đó là cách Đài CNN gọi vấn đề Biển Đông trong năm 2017 vừa qua. Sau khi tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, chính quyền Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte chọn một chiến lược đối ngoại khác. Vấn đề Biển Đông và phán quyết của PCA được hạn chế đề cập rõ rệt, Philippines thay vào đó đẩy mạnh đàm phán song phương với Trung Quốc, cải thiện mối quan hệ và tranh thủ hợp tác kinh tế.
Về bề mặt, tình hình Biển Đông khá lặng sóng, thậm chí đạt được bước tiến lớn với việc Trung Quốc – ASEAN thông qua Dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tuyên bố bắt đầu đối thoại với ASEAN về nội dung của COC. Kể từ khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump bắt đầu, hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông tăng về số lượng, nhưng số vụ va chạm có sự tham gia của lực lượng quân sự các nước trên thực địa gần như không xảy ra.
Trung Quốc âm thầm xây dựng phi pháp ở Biển Đông AMTI

Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông vẫn đang chứa đựng nguy cơ va chạm nguy hiểm và leo thang quân sự, xuất phát từ những hành động bất chấp luật pháp của Trung Quốc. Trong báo cáo cuối năm 2017, chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), ghi nhận Trung Quốc đã lợi dụng sự căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên để tiếp tục tiến hành cải tạo và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông.

Tổng cộng đã có 29 ha cơ sở hạ tầng được xây mới trên các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông. Các hoạt động này đe dọa việc đi lại và giao thương tự do trên không và trên biển tại khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc năm qua nhiều lần tiến hành tập trận, điều máy bay quân sự ra các đảo nhân tạo phi pháp.
Himalaya “kẹt” giữa hai cường quốc
Vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ ở khu vực Himalaya bất ngờ tăng nhiệt vào tháng 6 khi Bắc Kinh cho xây dựng con đường tại khu vực ngã ba biên giới Ấn Độ - Bhutan – Trung Quốc. Cả hai cường quốc đã triển khai quân đội đến khu vực và bố trí cách nhau chỉ vài trăm mét. Đụng độ thậm chí đã nổ ra nhưng chưa leo thang thành xung đột vũ trang.
Binh sĩ Ấn Độ gác tại biên giới với Trung Quốc AFP

Căng thẳng chỉ được giảm nhiệt ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) do Trung Quốc làm chủ nhà. Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý rút quân. Tuy nhiên đến gần cuối năm 2017, hai nước lại tiếp tục triển khai lực lượng biên phòng áp sát khu vực. Vấn đề tranh chấp trong năm qua để thể hiện phần nào cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc tại dãy Himalaya.

Trung Đông: Chưa yên đã loạn
Sức nóng xung đột tại vùng đất Trung Đông dường như không bao giờ giảm nhiệt. Mặc dù năm 2017 đã chứng kiến sự lụi tàn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, lò lửa Trung Đông vẫn tiếp tục căng thẳng với các điểm nóng ở Vùng Vịnh, thành phố Jerusalem, khu tự trị người Kurd phía bắc Iraq.
Nội bộ nhóm các quốc gia Vùng Vịnh trong năm qua đã chia rẽ nghiêm trọng bởi căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Qatar. Cáo buộc Qatar có lập trường ủng hộ Iran và hỗ trợ khủng bố, các nước Vùng Vịnh đã cấm vận và cô lập ngoại giao đối với Qatar. Căng thẳng Vùng Vịnh đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, các vùng đất từng bị chiếm đóng bởi IS ở Iraq và Syria lại trở thành chiến địa mới để các phe nhóm tranh giành quyền lực. Căng thẳng nhất là giữa chính quyền trung ương Iraq và chính quyền tự trị người Kurd ở khu vực phía bắc nước này đã leo thang thành xung đột vũ trang.
Vùng đất thánh Jerusalem Reuters

Năm 2017 của Trung Đông kết lại trong hỗn loạn với quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định gây tranh cãi đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ không chỉ cộng đồng Hồi giáo, mà cả đại đa số thành viên Liên Hiệp Quốc. Việc Tổng thống Trump đụng chạm đến địa điểm nhạy cảm tại Trung Đông khiến nhiều người lo sợ xung đột vũ trang có nguy cơ bùng nổ.

Catalonia và làn sóng ly khai
Bên cạnh các điểm nóng địa chiến trị “truyền thống” ở châu Á và Trung Đông, ngay cả châu Âu năm qua cũng đã xuất hiện căng thẳng tại Tây Ban Nha. Tư tưởng đòi tăng quyền tự trị đã phát triển đến đỉnh điểm tại vùng Catalonia. Chính quyền địa phương đứng đầu bởi Thủ hiến Carles Puigdemont đầu tháng 10 tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho vùng, bất chấp sự phản đối và nỗ lực ngăn cản của chính quyền trung ương tại Madrid.
Với chiến thắng của phe đòi ly khai, Catalonia đã tuyên bố độc lập thoát ly khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trong chưa đầy một ngày, chính quyền Mardid tuyên bố những động thái này là bất hợp pháp, vi hiến và nhanh chóng đình chỉ quyền tự trị của vùng này.
Đụng độ tại Catalonia AFP

Các lãnh đạo phe ly khai của Catalonia người bị bắt giam, người phải đào tẩu ra nước ngoài. Dẫu vậy, làn sóng ly khai vẫn không chấm dứt tại Catalonia. Trong cuộc bầu cử sớm tái thiết chính quyền địa phương, phe theo xu hướng ly khai lại tiếp tục giành chiến thắng tại Nghị viện Catalonia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.