Những điều các 'công bộc' của dân cần tâm niệm

12/05/2015 08:16 GMT+7

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, của Chính phủ và mỗi cán bộ, đảng viên trước công việc, trước nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, của Chính phủ và mỗi cán bộ, đảng viên trước công việc, trước nhân dân.

Những điều các 'công bộc' của dân cần tâm niệmBác Hồ nói chuyện với cán bộ trong một lần về thăm tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: Tư Liệu
Vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[i]. Cũng theo Hồ Chí Minh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[ii]. Cán bộ, đảng viên (phải) là những người có phẩm chất cách mạng cao đẹp, đạo đức trong sáng, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, “Việc gì có lợi cho dân phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Đảng là một bộ phận của nhân dân, phân biệt với bộ phận còn lại ở tính cách mạng, tính tiên phong, tính tổ chức của mình. Đảng là người lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành lấy những quyền lợi của mình và là người bảo vệ những lợi ích của nhân dân. Khi được nhân dân trao cho trách nhiệm, chức quyền, mọi cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước chỉ là người đại diện cho nhân dân, phải “như người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận”. Nhân dân là người có quyền lực cao nhất, là người có ý kiến tối hậu về hiệu quả mọi công tác của Chính phủ, phẩm chất của mọi cán bộ, đảng viên, công chức. Thậm chí “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[iii].
Nhìn lại nỗi đau đáu của Bác Hồ về vấn đề tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên có thể rút ra một hệ luận: Trên mỗi chặng đường cách mạng, nếu sao lãng việc rèn luyện tu dưỡng tất sẽ dẫn đến những suy thoái, biến chất (cả về con người và bộ máy), từ đó dẫn đến mọi suy thoái khác. Sau ngày thống nhất đất nước, khi đi sâu vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, chúng ta càng thấy ý nghĩa quan trọng của luận điểm đó của Hồ Chí Minh. Để bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, trước hết, phải làm cho Đảng thật sự tiên phong về chính trị, tư tưởng, trong sạch về đội ngũ, chống lại những biểu hiện suy thoái đạo đức, loại bỏ những “con sâu” đang làm tổn hại đến uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân.
[i] Di chúc - Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội tập 15, tr 611 - 612
[ii] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 9, tr 518
[iii] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 5, tr 75
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.