Tỷ lệ mắc bệnh này ở nước ta trong 10 năm gần đây tăng rất nhanh. Gout cũng là nỗi ám ảnh đối với nhiều người bệnh do những biến chứng khủng khiếp của nó như: đau, loét, suy thận... và những biến chứng khác do dùng thuốc gây nên.
Nhận biết và chẩn đoán bệnh
Gout là một bệnh viêm khớp được coi là dễ chẩn đoán và có thể kiểm soát bằng một chế ăn uống, thuốc men hợp lí; không quá tốn kém và phức tạp.
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ và có sự nhầm lẫn trong chẩn đoán cũng như điều trị đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc làm ảnh hưởng đến sức lao động, chất lượng sống và sức khỏe của người bệnh.
Trước tình hình đó, các nhà khoa học đã đưa ra một số tiêu chuẩn để chẩn đoán nhằm khắc phục các biến chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Bệnh khớp có thể được chẩn đoán sớm dựa vào:
- Giới: Nữ giới ít mắc bệnh này trong khi tới 90% người mắc bệnh là nam giới.
- Tuổi: Nam giới thường mắc bệnh lúc khoảng 40 tuổi, nữ vào độ tuổi mãn kinh.
- Vị trí khớp: Đa số bắt đầu ở khớp bàn ngón chân 1 (ngón cái) hoặc khớp cổ chân.
- Tính chất của cơn đau do viêm khớp gout: Đột ngột đau dữ dội kèm sưng tấy, nóng, đỏ, xung huyết ở một khớp, không đối xứng; thường xảy ra về đêm, thời gian đau kéo dài từ 3-10 ngày rồi có thể tự khỏi, không để lại dấu vết gì; xen kẽ là những giai đoạn hoàn toàn yên lặng.
- Điều kiện thuận lợi: Các cơn đau do gout cấp thường xảy ra sau khi ăn quá mức, uống nhiều rượu, căng thẳng, làm việc quá sức…
Khi một người mắc trên 6 trong số các triệu chứng dưới đây, cần phải nghĩ tới bệnh viêm khớp gout:
1/ Viêm khớp tiến triển tối đa trong vòng 1 ngày.
2/ Có hơn một cơn viêm khớp cấp.
3/ Đỏ vùng khớp.
4/ Sưng đau khớp bàn ngón chân 1 ở một bên.
5/ Viêm khớp bàn ngón chân 1 bên.
6/ Viêm khớp cổ chân 1 bên.
7/ Có hạt Trophi nhìn thấy.
8/ Sưng khớp không đối xứng.
Bệnh viêm khớp gout có thể nhầm với bệnh viêm khớp khác như: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm mô tế bào quanh khớp, chấn thương khớp, lao khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, vôi hóa sụn khớp…
Điều trị bệnh viêm khớp gout
Bệnh gout nói chung được coi là một bệnh lí viêm khớp có thể kiểm soát được bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt và thuốc men hợp lí, nhưng chế độ này phải được duy trì suốt đời.
1/ Khống chế các đợt viêm khớp cấp hay còn gọi là điều trị cắt cơn. Ở giai đoạn này, thuốc cần đạt theo nguyên tắc: nhanh, mạnh, sớm, ngắn ngày.
2/ Điều trị ngăn ngừa tái phát cơn gout cấp, tức là làm giảm và duy trì axit uric máu ở mức cho phép với nguyên tắc khởi đầu bằng liều thấp, tăng dần tới liều điều trị, sử dụng liên tục không ngắt quãng; trong thời kì đầu cần dùng kèm các thuốc để ngừa cơn gout cấp.
3/ Có chế độ ăn uống hợp lí và kiểm soát tốt các bệnh kèm theo:
- Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt như: không ăn quá mức, không uống rượu; tránh làm việc gắng sức, lạnh, chấn thương, stress…; giảm cân nặng, hạn chế các thức ăn có nhiều purin như tim, gan, thận, óc, hột vịt lộn, cá trích, cá đối, cá mòi, măng tây...
- Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như: tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
Bài, ảnh: BS Bạch Long
Bình luận (0)