Đối với lứa tuổi từ 12 đến 15, vắc xin Covid-19 chỉ mới được cấp Giấy phép Sử dụng khẩn cấp, dự kiến sẽ sớm nhận được sự chấp thuận hoàn toàn.
Ban cố vấn của FDA dự kiến sẽ họp để bàn về vắc xin này vào ngày 26.10, để đưa ra khuyến nghị. Sau đó, một hội đồng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ sẽ họp vào ngày 2 - 3.11, theo khuyến nghị này.
Đã có 13,4 triệu trẻ em Mỹ dưới 18 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc xin phòng Covid-19, chiếm 57% trẻ từ 12 đến 17 tuổi ở Mỹ.
Mỹ lên kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi |
Tại các quốc gia ở châu Âu, như Pháp, Ý và Tây Ban Nha, hơn 60% thanh thiếu niên đã được tiêm chủng an toàn.
Các hiệp hội nhi khoa trên toàn thế giới, bao gồm Học viện Nhi khoa Mỹ, Đại học Y khoa Hoàng gia Anh, đã thực hiện nghiên cứu và đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm chủng và đề nghị tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi.
Những điều cha mẹ cần biết về tiêm chủng phòng Covid-19 cho trẻ em |
Shutterstock |
Vắc xin giúp giảm nguy cơ tử vong ở trẻ em
Tuy rằng người lớn tuổi có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn, tuy nhiên, số liệu tử vong gần đây ở Mỹ cho thấy tất cả các nhóm tuổi đều đáng lo ngại.
Hệ thống Y tế Peterson-KFF đã báo cáo vào tháng 9.2021, Covid-19 là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm tuổi từ 35 đến 54, và là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở những người từ 25 đến 34 tuổi, theo sacoronavirus.co.za.
Mặc dù không có nguy cơ cao như người lớn, thanh thiếu niên cũng có thể tử vong do Covid-19 - bệnh này là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 ở những người từ 15 đến 24 tuổi và là nguyên nhân gây tử vong thứ 6 đối với trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.
Vắc xin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện, thở máy và phải hồi sức tích cực.
Các số liệu gần đây của Mỹ cho thấy tỷ lệ nhập viện ở thanh thiếu niên không được tiêm chủng từ 12-17 tuổi cao hơn gấp 10 lần so với trẻ đã tiêm chủng đầy đủ, theo sacoronavirus.co.za.
Đặc biệt, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em là một dạng nghiêm trọng của Covid-19 xảy ra ở thanh thiếu niên có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm chủng.
Hội chứng viêm đa hệ thống là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể bị nhiễm Covid-19, rồi tạo ra phản ứng miễn dịch với các mạch máu của chính mình.
Thế còn nguy cơ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim hay cơn đau tim ở trẻ em thì sao?
Các trường hợp viêm cơ tim xảy ra nhiều ở trẻ em nam, thường trong vòng vài ngày sau khi tiêm chủng và xảy ra nhiều hơn khi tiêm liều thứ 2 |
Shutterstock |
Đây là điều được rất nhiều người quan tâm và gây lo lắng cho các bậc phụ huynh, nhưng thực sự cần được nhìn nhận với sự hiểu biết và quan điểm đúng đắn, theo sacoronavirus.co.za.
Viêm cơ tim là tình trạng viêm lớp cơ bên trong của tim, rất hiếm gặp, thường do nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn. Có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc không đều và có thể khiến cơ tim suy yếu. Các triệu chứng bao gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, không đều và mệt mỏi. Viêm cơ tim cấp thường tự khỏi sau vài ngày, có thể được điều trị bằng thuốc, liệu pháp hỗ trợ và nghỉ ngơi.
Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm màng mỏng bao quanh tim, thường do nhiễm trùng, rối loạn tự miễn dịch hoặc chấn thương. Các triệu chứng bao gồm đau tức ngực, khó thở, sốt, suy nhược và tim đập nhanh.
Không có vắc xin hoặc loại thuốc nào là an toàn 100% và dữ liệu từ Mỹ cho thấy số lượng trẻ em bị ảnh hưởng là rất nhỏ.
Trong số 1 triệu trẻ em trai 12-17 tuổi tiêm vắc xin Pfizer liều thứ 2, thì có khoảng 60 người bị viêm cơ tim, so với 8 trên 1 triệu ở trẻ em gái. Tỷ lệ này ở nhóm tuổi 12-17 cao hơn so với những người lớn tuổi hơn - và đó là lý do tại sao hiện nước Anh khuyến nghị chỉ tiêm một liều cho trẻ 16 - 17 tuổi.
Nhưng các bậc cha mẹ cần lưu ý, nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy nhiễm Covid-19 có thể gây viêm cơ tim ở nam giới với tỷ lệ khoảng 450 trên 1 triệu trường hợp, cao gấp nhiều lần so với do tiêm vắc xin, theo sacoronavirus.co.za.
Các trường hợp viêm cơ tim xảy ra nhiều nhất ở trẻ em nam, thường trong vòng vài ngày sau khi tiêm chủng và xảy ra nhiều hơn khi tiêm liều thứ 2.
Nếu thấy trẻ bị đau ngực, khó thở hoặc tim đập nhanh hoặc đập yếu và không đều trong vòng 2 tuần sau khi tiêm vắc xin, cần liên hệ cơ quan y tế ngay.
Tuy nhiên, những tác động lâu dài của viêm cơ tim sau khi tiêm chủng và những tác hại đến sức khỏe rộng hơn do nhiễm Covid-19 ở trẻ em trong ngắn hạn và dài hạn vẫn chưa được biết đến.
Vắc xin có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và dậy thì của trẻ không?
Không có lý do hoặc bằng chứng sinh học nào cho thấy vắc xin phòng Covid-19 có thể cản trở quá trình dậy thì hoặc tăng trưởng của trẻ.
Vắc xin Pfizer không xâm nhập vào nhân tế bào nơi lưu giữ ADN, vì vậy không thể can thiệp vào sự phát triển của trẻ.
Số trẻ em nhiễm Covid-19 ở Anh tăng do tiêm vắc xin chậm |
Vắc xin gây ra những tác dụng phụ nào ở trẻ?
Các tác dụng phụ mà trẻ em gặp phải tương tự như ở người lớn, bao gồm đau, đỏ và sưng tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp, sốt, buồn nôn, chóng mặt và sưng dưới nách.
Các tác dụng phụ sẽ hết trong vòng vài ngày sau khi tiêm vắc xin.
Nếu trẻ gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào nên liên hệ bác sĩ ngay.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như phản vệ và viêm cơ tim có thể xảy ra nhưng cực kỳ hiếm.
Trẻ đã nhiễm Covid-19 có cần tiêm vắc xin nữa không?
Nghiên cứu đã xác nhận rằng, đối với trẻ đã bị nhiễm Covid-19, tiêm một liều vắc xin Pfizer sẽ cực kỳ hiệu quả trong việc tăng cường phản ứng miễn dịch.
Nên đợi ít nhất 30 ngày sau khi chữa khỏi Covid-19 nếu bị nhẹ hoặc 90 ngày nếu bị bệnh nặng - trước khi tiêm chủng, theo sacoronavirus.co.za.
Thông điệp cuối cùng là sự nguy hiểm do nhiễm Covid-19 là cao hơn nhiều so với nguy hiểm do tiêm chủng ở trẻ em.
Tiêm chủng vắc xin Covid-19 sớm giúp trẻ có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Bình luận (0)