(Tin Nóng) Ngày 26.5, chiếc tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9 thứ 4 của Việt Nam đã được hạ thuỷ tại Zelenodolsk, CH Tatarstan, Nga, sau chiếc thứ 3 khoảng 1 tháng. Xung quanh cặp tàu Gepard này có vài điều thú vị, theo diễn đàn bmpd (Nga).
Cặp tàu chiến Gepard 3.9 thứ 3 (trái) và 4 của Việt Nam tại vùng nước trước Nhà máy Gorky ở Zelenodolsk, CH tatarstan - Ảnh: TASS |
Diễn đàn quốc phòng bmpd (Nga) ngày 26.5 cho hay hai tàu Gepard thứ 3 và 4 này của Việt Nam đều đã vào âu thuyền để sẵn sàng hạ thuỷ cùng lúc. Tuy nhiên ngày 27.4 chỉ có chiếc thứ 3 là hạ thuỷ, còn chiếc thứ 4 vẫn ở trong âu thuyền, nước vẫn chưa được xả vào để tàu xuống nước. Mãi đến ngày 26.5 chiếc thứ 4 mới hạ thuỷ, và đậu cạnh chiếc thứ ba đang khẩn trương hoàn tất các công đoạn lắp ráp hoàn chỉnh phần tháp tàu.
Hai chiếc tàu Gepard 3.9 (dự án tàu 11661E) đầu tiên do Nhà máy Gorky đóng cho hải quân Việt Nam đã về nước trước đó là 011 Đinh Tiên Hoàng (số sản xuất 954, giao năm 2011) và 012 Lý Thái Tổ (số sản xuất 955, giao năm 2012). Hai tàu chiến này ký hợp đồng vào ngày 22.12.2006, tổng trị giá 350 triệu USD.
Đến ngày 17.10.2012, Việt Nam và Nga ký hợp đồng liên chính phủ về việc đóng tiếp 2 tàu Gepard 3.9, có thêm chức năng săn ngầm, tổng trị giá khoảng 700 triệu USD. Hai tàu này được gọi là lớp tàu Gepard 3.9 PLO (có chức năng săn tàu ngầm), số sản xuất lần lượt 956 và 957, bắt đầu đặt đóng từ ngày 24.9.2013 với động cơ turbin khí do Zorya – Mashproekt (Ukraine) cung cấp như 2 tàu đầu tiên.
Ban đầu theo hợp đồng, tàu Gepard thứ 3 sẽ bàn giao vào tháng 11.2016 và chiếc thứ 4 là tháng 3.2017; đến Việt Nam lần lượt vào tháng 2 và tháng 6.2017. Tuy nhiên do sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, phía Ukraine từ chối giao động cơ cho Nhà máy Gorky, và Việt Nam phải đàm phán để Ukraine giao động cơ cho Việt Nam rồi từ đó chuyển cho Nhà máy.
Sự cố này khiến tiến độ giao 2 tàu chiến Gepard bị trễ hạn. Chiếc Gepard thứ 3 phải mất 51 tháng mới giao cho Việt Nam so với 42 tháng như dự kiến, và chiếc thứ 4 là 54 tháng (ban đầu là 46 tháng).
Chiếc Gepard thứ 4 của Hải quân Việt Nam vừa hạ thuỷ - Ảnh: TASS |
Đưa tin lễ hạ thuỷ tàu chiến Gepard thứ 4 của hải quân Việt Nam ngày 26.5, tạp chí BusinessOnline (Tatarstan) cho rằng Nhà máy Gorky sẽ còn gặp nhiều cạnh tranh trong tương lai về thị trường tàu chiến. Tuy Việt Nam đặt Nga đóng nhiều tàu chiến và cả tàu ngầm, nhưng Việt Nam không muốn phụ thuộc vào một nguồn cung cấp mà còn xem xét khả năng mua tàu chiến Sigma của Hà Lan. Mới đây Mỹ cũng vừa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, càng gia tăng sức ép với vũ khí Nga xuất khẩu.
Tuy nhiên Nga vẫn hy vọng vào lợi thế cạnh tranh của các loại vũ khí đang trình diễn trên thực địa, như việc dùng hệ thống tên lửa Kalibr (bản xuất khẩu gọi là Klub) từ biển Caspi bắn vào quân IS ở Syria cách đó hơn 1.500 km. “Việt Nam muốn có tàu chiến trang bị tên lửa Kalibr, và nếu có đặt đóng cặp tàu Gepard thứ ba thì các tàu này sẽ có tên lửa Kalibr”, một nguồn tin nói với BusinessOnline.
Hiện cả 4 tàu chiến Gepard của Việt Nam trang bị hệ thống tên lửa hành trình diệt hạm Uran, tầm bắn xa 130 km.
Phó đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân tại lễ hạ thuỷ tàu chiến Gepard 3.9 thứ 4 của Hải quân Việt Nam, tại Zelenodolsk (CH Tatarstan, Nga) ngày 26.5.2016 - Ảnh: TASS |
|
Các quan chức Việt Nam và Tatarstan tại lễ hạ thuỷ tàu Gepard thứ 4 của Việt Nam, ngày 26.5.2016 - Ảnh: Nhà máy Gorky |
Hai tàu chiến Gepard thứ 3 và 4 của Việt Nam đang được khẩn trương hoàn tất các công đoạn cuối sau khi hạ thuỷ - Ảnh: Nhà máy Gorky |
Vũ khí đã lắp trên tàu Gepard - Ảnh: BusinessOnline |
Đại diện Nhà máy Gorky hồi tháng 4 cũng tiết lộ nếu đạt được hợp đồng, hai tàu Gepard thứ 5 và 6 của Việt Nam sẽ trang bị hệ thống tên lửa Klub-K phóng từ container đặt trên tàu.
Tên lửa hành trình Klub có khả năng vừa tấn công tàu mặt nước, vừa tấn công mục tiêu trên đất liền, tầm bắn xa tối đa 300 km. Hiện Việt Nam mới có loại tên lửa Klub trang bị cho các tàu ngầm lớp Kilo 636, theo truyền thông Nga.
Tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9Dài: 102,4 m; ngang rộng nhất: 14,4 m, mớn nước 5,6 m; lượng choán nước 2.200 tấn Tốc độ tối đa: 28 knot (52 km/giờ) Tầm hoạt động: 6.400 km Thời gian hoạt động liên tục trên biển: 20 ngày Thuỷ thủ đoàn: 84 người Vũ khí: 1 pháo hạm 76,2 mm, 2 pháo bắn nhanh 30 mm, 1 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm gần Palma, 2 dàn tên lửa hành trình chống hạm Uran (8 ống, bắn xa 130 km), và có sàn đáp trực thăng loại Ka-28 và Ka-31.
|
Bình luận (0)