Những điều kỳ bí - Kỳ 3: Vàng Hời đi ăn, ông hổ đi tu

26/11/2014 04:00 GMT+7

Thành Bàn Cờ trên núi Phú Thọ, thuộc xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi, được người Chăm xây dựng từ thế kỷ 9 - 10 và đến nay thành phế tích, nhưng trong thành hiện có chùa Hang thiên tạo với nhiều câu chuyện kỳ bí.

>> Những điều kỳ bí - Kỳ 2: Ly kỳ miếu xà thần
>> Những điều kỳ bí: Chiếc ngà voi hóa thạch

Những điều kỳ bí - Kỳ 3: Vàng Hời đi ăn, ông hổ đi tu
Cổng thành Bàn Cờ còn sót lại - Ảnh: Phạm Anh

Từ xóm Thanh An, thôn Phú Thọ, xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi, chúng tôi tìm đến thành cổ Bàn Cờ xây trên núi đá Phú Thọ. Trên dãy núi đá granite xám chồng chất lên nhau rất kỳ thú nên người địa phương hay gọi là núi Thạch Sơn, cao chừng 50 - 60 m so với mực nước biển.

Chuyện lạ ở Thạch Sơn

Theo người dân địa phương, tại đây có những khối đá chồng lên nhau tạo ra những đá Trống, đá Chuông, khi gõ vào phát ra âm thanh trầm bổng rất kỳ lạ. Những dãy đá lô nhô khuất sau cây lá còn được gọi là gò Đá Trận. Trong dãy đá ấy đến nay vẫn còn đó phế tích thành Bàn Cờ do người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ 9 - 10, án ngữ cửa biển quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi ngày đó. Khi khai quật, phát hiện thành này hình thang cân, diện tích 500 m2, đáy 69 m và cao đến 25 m.

Trải qua thời gian, thành Bàn Cờ bây giờ như phế tích, chỉ còn gạch vỡ và rêu phong cùng tháp Chăm nho nhỏ. Xung quanh thành có hàng trăm mồ mả. Nét đẹp và vẻ u linh thần bí nơi đây khiến ai đặt chân đến cũng thấy rờn rợn.

Bước vào hang đá, cảm giác như sắp gặp... ma cứ lành lạnh sau lưng. Trên trần hang, trong những kẽ đá từng giọt nước nhỏ xuống càng tăng thêm vẻ hoang sơ. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi thấy một hang đá rộng chừng 2 m, dài hun hút mấy chục mét và có 1 giếng sâu. Theo cụ Quế (khoảng 80 tuổi, nhà ở chân núi) thì hang đá đó là chùa Hang. Xưa nay nó là cái hang thần bí, u tịch, còn có từ bao giờ thì chưa ai biết.

 

Dinh thự Nguyễn Thân

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi), trong cuốn Trung kỳ dân biến (Toronto, Canada, 1996) của Trần Gia Phụng có ghi: Vào năm 1903, Quận công Thạch Trì Nguyễn Thân (quê Thạch Trụ, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi, là quan đại thần nhà Nguyễn, có nhiều nợ máu với các chí sĩ yêu nước) lúc trí sĩ (về hưu) đã chiếm cứ núi Thạch Sơn, xây dựng dinh cơ và đưa gia đình đến đây sống. Tháng 3.1903, dân ở nhiều vùng tại Quảng Ngãi kéo đến phá nhà Nguyễn Thân. Sau đó Nguyễn Thân được quân Pháp yểm trợ đàn áp nông dân, tấu với viên công sứ Pháp giết hại các nhà yêu nước Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết (Lê Khiết). Khởi nghĩa tháng 8.1945, người dân phẫn uất đã đập nát tan dinh thự của Nguyễn Thân trên Thạch Sơn.

Tương truyền, ngày trước người ta ném những tảng đá nhỏ xuống giếng thì không nghe âm thanh đụng đáy giếng. Sau này người ta thấy những tảng đá đó ở bãi đá ông Đày, bên bờ sông Nghĩa Phú. Cụ Quế còn kể, vào những đêm trăng tịch mịch, tại núi Phú Thọ, chùa Hang này xuất hiện những tiên nữ từ thượng giới bay xuống đứng trên các mỏm đá ca hát, vui đùa. Đến khi trời gần sáng, tiếng gà gáy nổi lên, các tiên nữ mới dời gót. Có hôm giữa thinh không trăng sáng, thấy từng vệt trắng bay lên, người ta nói đó là tiên nữ đang bay về trời. Có người thì cho rằng đó không phải tiên nữ, mà là các hồn nữ ma Hời tiếc thành quách cũ của tổ tiên và cảnh đẹp nơi này nên đêm đêm trăng thanh hiện hồn tìm về thăm lại.

Sư trụ trì chùa Từ Lâm (dưới chân núi Phú Thọ) Thích Hạnh Đắc thì cho biết tại núi Phú Thọ, thành Bàn Cờ, dân gian trong vùng còn kể rằng nhiều đêm trời tối, trên núi đá thấy có vết sáng hừng từ dưới đất bay lên. Sau đó, vết hừng này lại từ trên trời chụp xuống chỗ cũ. Dân trong vùng bảo đó là “vàng Hời” đi ăn. Nhiều người còn bảo từng thấy “vàng Hời” biến thành con ngựa vàng và con gà vàng sáng rực chạy trên núi đá này.

“Ông cọp đi tu”

TS Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi) cho hay khi anh làm nghiên cứu về di tích Chăm trên đất Quảng Ngãi, trong đó có nghiên cứu về thành Bàn Cờ, có nghe chuyện dân gian về “ông cọp đi tu” ở chùa Hang trên núi Thạch Sơn, Phú Thọ. Ấy là ngày xưa, vùng núi Thạch Sơn, Phú Thọ còn tịch mịch, cây cối to lớn rất nhiều. Cứ đến rằm tháng 7 hằng năm, trên núi đá lại xuất hiện con cọp rất lớn nhiều màu vằn vện về gầm trên núi rồi đi vào chùa Hang. Có điều con cọp này không bao giờ phá hoại, bắt người và gia súc ăn thịt nên người dân không gọi đó là “con” mà gọi trang trọng đó là “ông cọp đi tu”.

Có ý kiến cho là nếu là vùng rậm rạp hoang sơ, lại thêm hang đá mát mẻ quanh năm thì dã thú, cọp về trú ẩn cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, theo những cụ già trong vùng thì con cọp này vốn không phải ở đây mà từ phương khác đến. Nguyên ở xã Phổ An, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) có lập bia thờ con cọp trong vùng. Thế nhưng sau này bia thờ cọp bị phế đi, cọp không ai thờ cúng nên lang thang đi tìm chỗ ở. Khi đến núi Thạch Sơn nó tìm được chùa Hang là nơi thích hợp. Tuy nhiên, đây là chùa nên nó không ở được lâu nên bỏ đi. Có điều, vào mùa hạ nắng bức khó chịu hằng năm, con cọp ấy về đây trú ẩn.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, di tích và những gì người Chăm ngày xưa trên đất Quảng Ngãi vốn bí ẩn. Vì vậy thường thì với mỗi một di tích trong vùng thường có tích, giai thoại nào đó gắn vào, xem như giải thích những gì người xưa chưa lý giải được.

Phạm Anh 

>> Những điều kỳ bí: Chiếc ngà voi hóa thạch
>> Di sản văn hóa VN qua ảnh
>> Ngày Di sản văn hóa VN
>> Triển lãm di sản văn hóa dưới nước   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.