|
Di tích Đá Chồng, hồ Sơn Rái nằm ở trong hốc núi. Đến đây sẽ gặp hồ Sơn Rái rộng chừng 10 ha, trong đó diện tích hồ là 5 ha. Phía nam hồ là núi Đá Chồng, với những tảng to như ngôi nhà chồng lên nhau.
Bí ẩn trên núi Đá Chồng
Trong núi Đá Chồng có nhiều hiện tượng kỳ lạ mà đến giờ chưa ai giải thích được. Đó là nhiều khe hở bên trong được tạo ra từ 2 vách đá sâu hun hút, được gọi là đường lên trời, đường xuống địa phủ. Đặc biệt còn có giếng tiên, bàn cờ tiên, hình con rồng ẩn vào vách 2 khe đá và theo một số người lớn tuổi ở xóm An Mỹ Nam, thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà, ngày xưa còn có cả bàn chân khổng lồ in dấu nơi này.
Cụ Bùi Dũng (85 tuổi, ở xóm An Mỹ Nam) kể Đá Chồng này rất lạ. Từng tảng đá cao to là vậy, nhưng đi từ bàn cờ tiên đến giếng tiên, rồi xuống 2 con rồng ẩn mình trong khe đá rất dễ dàng, nhờ 4 cây xanh cổ thụ chia nhánh ra làm “đường”. Cũng theo cụ Dũng, vào những hôm trăng thanh gió mát, từ khu Đá Chồng có thể nhìn ra một vùng rộng lớn xung quanh mấy chục cây số. Những hôm ấy, người dân bảo rằng, tại một tảng đá bằng phẳng nằm riêng biệt trên cao có những lão tiên đang quây quần xung quanh bàn cờ tiêu dao.
Đặc biệt vào rằm tháng 7 oi nồng, xung quanh rừng xanh u tịch, các tiên nữ bay từ trên trời xuống cụm Đá Chồng để chơi đùa, ngắm cảnh, sau đó thoát xiêm y xuống giếng ở đây tắm lội vui đùa. Cái giếng ấy gọi là giếng tiên. Điều khó hiểu là không biết vì sao giữa một tảng đá lộ thiên lớn lại có hình chảo, lõm xuống như cái giếng, rộng chừng 4 m2. Mùa mưa, nước ở giếng tiên này ngập ngang bụng người, còn mùa nắng nước cao ngang đầu gối. Điều lạ là dù trời hạn hán bao nhiêu thì giếng này cũng không cạn. Đoàn (28 tuổi, một thanh niên địa phương) bảo: Hồi còn nhỏ đi chăn bò tại đây, 4 - 5 anh em thi nhau tát nước giếng cho cạn, nhưng tát mãi thì mực nước có vơi một ít mà thôi. Lạ nữa là giếng tiên có một cây si cổ thụ che mát phía trên nhưng lá lại không rụng xuống giếng này, còn nước giếng thì trong xanh leo lẻo quanh năm.
Theo chân Đoàn, tôi chui vào 2 khe vách đá dựng đứng có hình 2 con rồng ẩn mình. Do tranh tối tranh sáng lờ mờ, hình thù con rồng uốn mình trên vách hiện ra tuy không rõ lắm nhưng vẫn thấy được, nhất là bàn chân rồng to lớn cộm lên mặt đá. Truyền thuyết trong vùng kể rằng đây là nơi con rồng xanh ẩn mình. Vào những năm hạn hán khô kiệt, rồng xanh xuống hồ Sơn Rái uống nước rồi bay qua các cánh đồng trong vùng phun nước cứu lúa giúp dân làng. Cụ Dũng thì bảo: Ông bà kể lại, đây là con rồng do Cao Biền ngày xưa dùng bùa yểm ở sông Trà Khúc, nên tìm về đây ẩn thân chờ thời vùng dậy.
|
Mương “Lòn Cổ Tích”
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (Sở VH-DL-TT Quảng Ngãi) cho biết hồ Sơn Rái dưới chân núi Đá Chồng cũng rất kỳ bí. Xưa nay tên Đá Chồng thì tạm giải thích được, còn vì sao gọi hồ là “Sơn Rái” thì chưa có ai lý giải được. Diện tích mặt nước hồ Sơn Rái khoảng 5 ha, tỏa ra 5 nhánh xung quanh. Xưa, từ núi Đá Chồng có một dòng nước quanh năm chảy xuống cung cấp nước cho hồ Sơn Rái. Và không biết hồ này có mạch nước ngầm nào không nhưng người dân trong vùng chưa thấy nó cạn kiệt bao giờ.
Một bí ẩn nữa là, dưới hồ Sơn Rái có một mương ngầm gọi là “Lòn Cổ Tích”. Dù chưa ai thấy con mương này to, nhỏ, chia nhánh thế nào nhưng người dân địa phương bảo nó len lỏi vào các vùng đồi tưới cho các đồng ruộng của thôn Khánh Mỹ và các cánh đồng xung quanh thuộc xã Tịnh Trà (H.Sơn Tịnh). Tương truyền, người địa phương bảo đó chính là miệng con rồng ngậm nước rồi nhả ra tưới đều cho các cánh đồng lúa bậc thang ở đây. Nhờ vậy nên trước đây dù chưa có công trình thủy lợi chạy qua, hàng trăm ha lúa ở thôn Khánh Mỹ không bao giờ bị hạn.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, con mương bí ẩn đó rất có thể đó là của người Chăm xưa xây dựng để dẫn nước ngầm tưới cho các đồng ruộng, còn tất cả những gì ở đây đều là sự bí ẩn chưa ai vén lên được.
Bắt hổ báo thù cho cha Ở khu vực núi Đá Chồng, người dân còn kể lại chuyện tú tài Nguyễn Văn Danh từng bắt hổ báo thù cho cha. Hồi đó, nhà tú tài Danh ở gần núi Đá Chồng có nhiều hổ. Cha tú tài này đi thăm ruộng bị hổ bắt mất. Vị tú tài quên ăn quên ngủ đem người nhà đi tìm xác cha. Sau khi xem xét vết chân hổ, tú tài Danh về chế bẫy bắt hổ. Cuối cùng, con hổ 3 chân giết cha tú tài Danh bị bắt. Người làng cũng chế bẫy theo vị tú tài này nên bắt được nhiều hổ, trừ hại cho dân. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tú tài Danh được nhà vua có chiếu nêu khen về chữ hiếu. |
Phạm Anh
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 4: Cổ miếu 'con vua' và rắn thần
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 3: Vàng Hời đi ăn, ông hổ đi tu
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 2: Ly kỳ miếu xà thần
>> Những điều kỳ bí: Chiếc ngà voi hóa thạch
Bình luận (0)