|
Tất cả họ đều là những tấm gương luôn khát khao, nhiều hoài bão lớn và sống vì cộng đồng...
Những người trẻ giỏi giang
35 tuổi, lý lịch khoa học của TS.BS Vũ Tề Đăng (Bệnh viện Từ Dũ) với các công trình nghiên cứu khiến nhiều người trẻ mơ ước. Nhận bằng tiến sĩ y khoa tại Pháp, anh chọn trở về VN với công việc không dễ dàng - nghiên cứu và chăm sóc trẻ sinh non. Những đề tài của anh phần lớn liên quan đến nghiên cứu sự phát triển, các yếu tố ảnh hưởng đến não bộ của trẻ sinh non để có phương pháp chăm sóc tốt nhất, giảm thiểu nguy cơ để lại biến chứng cho não trẻ.
|
Dù còn khá nhiều vất vả, vẫn phải dạy thêm hằng đêm để đủ trang trải cuộc sống, nhưng Lê Khắc Anh Kỳ - đang là nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm MANAR (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) - quyết tâm theo đuổi đam mê nghiên cứu vật liệu mới. Anh Kỳ vừa hoàn thành khóa học thạc sĩ với kết quả xuất sắc, để tự tin hơn trên con đường nghiên cứu vật liệu khung cơ kim - một dạng vật liệu mới mà nhiều đồng nghiệp gọi vui là “người yêu” của Kỳ.
Nhiều gương mặt trẻ nổi bật khác cũng có mặt trong đại hội lần này. Phải kể đến Phạm Tuấn Vũ (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) - chàng trai từng đoạt giải thưởng Quả cầu vàng về công nghệ thông tin toàn quốc, thí sinh của nhiều cuộc thi và giải thưởng lập trình viên quốc tế trong nhiều năm liền. Là vận động viên cờ vua Lê Quang Liêm - gương mặt đã làm rạng danh thể thao nước nhà. Đó còn là chàng sinh viên người Hoa Huỳnh Khải Dũng (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) được biết đến với nhiều ý tưởng, sáng tạo mang tính khoa học nhưng lại có giá trị ứng dụng cao vào thực tế cuộc sống...
Sống là hiến dâng
Rất nhiều điển hình có mặt tại liên hoan đã dành trọn tuổi trẻ của mình cho những phận đời kém may mắn. Anh lính hải quân Nguyễn Thiên Hải sau thời gian xuất ngũ đã đến với những bạn nhỏ ở mái ấm Ánh Sáng (Q.3), trở thành một giáo dục viên từ năm 1998. “Lúc đó thấy các em nhìn thương quá nên không rời nơi này mà đi được”- anh Hải bày tỏ. Tuổi đôi mươi nhưng Hải đóng đủ vai trong gia đình có khoảng 24-27 đứa trẻ từ khắp nơi đến TP kiếm sống. Sau khi cho các em học bài, đi ngủ, Hải dành những đêm khuya lang thang khắp con phố tiếp cận trẻ sống ở vỉa hè, tìm hiểu hoàn cảnh rồi giúp đưa về các mái ấm hoặc khuyên các em trở về gia đình. 14 năm, Hải đã giúp gần 400 lượt trẻ trở về gia đình.
Hơn sáu năm qua, cô Hoàng Thị Lương (Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu) luôn tìm tòi những trò chơi mới để kích thích đa giác quan cho những đứa trẻ thiệt thòi. Dạy ở trường mầm non bình thường thu nhập cao hơn nhưng cô Lương vẫn chấp nhận vào làm ở Trường Nguyễn Đình Chiểu với mức lương hợp đồng ban đầu chỉ 700.000 đồng. Cô Lương mày mò sáng tạo những trò chơi để các cháu phát triển các giác quan khác như thính giác, vị giác, xúc giác... “Tôi muốn làm nhiều điều hơn nữa để vơi bớt những khiếm khuyết của các cháu” - cô Lương bộc bạch.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)