Nguyên nhân chính là sản phẩm đường không thể cạnh tranh giá bán mặt hàng đường từ các nước khu vực ASEAN.
Hội nhập ATIGA, Việt Nam bước tiếp đến ngưỡng cửa phải xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường, trong khi nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước than khó và muốn kéo dài bảo hộ thì một số đơn vị khác đã có được lối đi riêng, để mở rộng ngành đường với chiến lược: Đường không chỉ sản xuất từ mía mà còn từ đường thô. Quả thật, khó chồng khó nhưng mía đường vẫn có lợi thế riêng. Một số “ông lớn” chọn thời điểm này để bước vào sân chơi. Như Kido bước chân vào mảng đường thông qua việc ký kết hợp tác với Tập đoàn TTC - đơn vị sở hữu Đường Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT) và có lợi thế về thị phần ngành đường trong nước.
Được biết, TTC chủ động cân bằng cả hai nguồn nguyên liệu mía - đường thô và có kế hoạch nâng công suất đường luyện từ đường thô thông qua việc đầu tư hai nhà máy tại Tây Ninh và Biên Hòa. HĐQT SBT đã phê duyệt chủ trương đầu tư trên với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ mía sang tập trung vào đường thô để sản xuất đường nhằm thích ứng trong quá trình hội nhập và cạnh tranh. Trong đó, nhà máy tại Tây Ninh của SBT hiện có công suất 200.000 tấn/năm (đường sản xuất từ mía 100.000 - 120.000 tấn/năm, từ đường thô 80.000 - 100.000 tấn/năm). Nhà máy tại Biên Hòa có công suất 100.000 tấn/năm (đường sản xuất từ mía 60.000 tấn/năm, từ đường thô 40.000 tấn/năm). Sau khi đầu tư, công suất sản xuất đường tối thiểu tại nhà máy Tây Ninh đạt 300.000 tấn/năm và Biên Hòa là 180.000 tấn/năm, hướng đến toàn bộ đều là đường luyện từ đường thô. Lãnh đạo TTC khẳng định, hội nhập ATIGA cũng là cơ hội cho TTC mở rộng ngành đường với mục tiêu lên 1 triệu tấn đường/năm (công suất hiện nay đạt hơn 650.000 tấn đường/năm).
Song song, SBT đã nắm bắt thị hiếu tiêu dùng trong nước, nhanh chóng gia nhập sân chơi mới với mong muốn mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bằng việc cho ra đời sản phẩm đường T.SU Special Organic - đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế, mở ra xu hướng mới sử dụng đường sạch, chất lượng.
Doanh nghiệp này đã tập trung quy hoạch đầu tư nguồn mía nguyên liệu hữu cơ trong 200 ha diện tích đất của Nông trường Biên Giới (Tây Ninh) và vẫn đang tiếp tục triển khai gần 1.500 ha tại Lào để sản xuất đường organic. Đây có thể xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong sản xuất đường hữu cơ ở Việt Nam.
Còn về phía Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS), LSS cho biết đã chuẩn bị cho ATIGA từ nhiều năm nay bằng việc tạo hệ thống giống mía mới, đổi công nghệ chế biến đường… Bên cạnh, LSS sẵn sàng hội nhập với mục tiêu hàng năm nhập khẩu và mua trong nước 30 - 40% sản lượng sản xuất trở lên để tinh luyện và sản xuất sản phẩm mới có giá trị tăng cao từ mía đường.
Hiện nay, ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước thách thức nhưng cũng chính là cơ hội. Các sản phẩm nội địa tốt với giá thành hợp lý, ngang bằng hoặc rẻ hơn so với sản phẩm ngoại nhập hay sản phẩm organic vẫn luôn thu hút khách hàng. Cộng hưởng cùng đó, các sản phẩm cạnh đường và sau đường cũng đang là lợi thế nâng cao năng lực sản xuất vận hành để cạnh tranh và trụ vững trên sân nhà.
Bình luận (0)