Đại gia đình 4 thế hệ đọc Thanh Niên
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên (59 tuổi), tác giả của những ca khúc như Mẹ ơi tại sao, Vui hội trăng rằm..., cho biết ông đọc Báo Thanh Niên hơn 30 năm nay. Mỗi ngày, ông đặt 3 tờ Thanh Niên. Trong đó, 1 tờ dành cho người mẹ, vợ chồng và con cái ông Nguyên (ở P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM), 2 tờ được đại lý giao về dòng tộc của ông ở P.1, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp.
"Bốn thế hệ với hơn 40 người trong đại gia đình tôi đã, đang là độc giả của Thanh Niên. Trước đây bà ngoại tôi thường xuyên đọc Thanh Niên, nay ngoại đã hơn 100 tuổi, thỉnh thoảng vẫn coi báo. Còn mẹ tôi và các cậu dì, vợ chồng tôi cùng các anh chị em họ, lứa con cái chúng tôi hằng ngày đọc Thanh Niên", ông Nguyên bày tỏ.
Nhạc sĩ xác nhận chính ông là người đầu tiên trong dòng họ chọn Báo Thanh Niên để đọc và muốn hướng đại gia đình gắn bó với tờ báo này. Bởi theo ông, đây là một tờ báo chính thống cung cấp thông tin tổng thể của đất nước, các chủ trương và chính sách của nhà nước ta...
"Tờ Báo Thanh Niên có nhiều thông tin tích cực. Tôi nghĩ mỗi ngày mình nên đem cái gì tích cực về gia đình, nếu mình không đem được thì báo chí đem về giùm", ông Nguyên tâm tình.
Đặc biệt, bà Nguyễn Mai Hương (85 tuổi), mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên, từng định cư ở Mỹ, 15 năm nay hồi hương sống với vợ chồng ông Nguyên, cũng trở thành độc giả bền bỉ của Thanh Niên.
Chia sẻ với phóng viên, bà Hương nói: "Báo Thanh Niên mỗi ngày tui đều có theo dõi. Tui thích nhất là mục tin tức chính trị, thời sự. Tui coi để hiểu tình hình đất nước như thế nào".
"Chừng nào báo lên hẵng tin!"
Đặt Báo Thanh Niên dài hạn trên 20 năm nay, bà Huỳnh Thị Kim Dung (62 tuổi, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhiều lần khẳng định vợ chồng bà "ghiền" tờ báo, hôm nào không có báo đọc là cảm giác thiếu điều gì thân thuộc.
"Chú tên Dũng bỏ báo cho gia đình tui từ hồi còn trẻ, mà nay già rồi (cười). Lúc đầu tui đặt báo mỗi đợt 6 tháng, sau đăng ký nguyên năm. Nhà tui chỉ đặt Báo Thanh Niên, trung thành với Thanh Niên", bà Dung quả quyết.
Thời trẻ, bà Dung làm công nhân; sau khi lập gia đình, bà ở nhà nội trợ. Bà vốn rất ít đọc báo, nhưng chồng bà luôn khuyến khích vợ mở mang kiến thức. Dần dà bà đọc riết rồi quen, từ quen thành yêu thích lúc nào không hay.
Bà Dung bộc bạch, có đôi khi bà và hai cô con gái cảm thấy ngờ vực trước một số tin đồn "rần rần" trên mạng, thì chồng bà luôn bảo: "Báo Thanh Niên đưa tin chính xác nhất. Đừng nghe lời ai, chừng nào báo lên hẵng tin!".
Theo bà Dung, đã mấy lần những người chị em của bà đến nhà chơi, họ thắc mắc sao bà có điện thoại mà không coi tin tức trên mạng, đặt mua báo giấy chi cho tốn tiền? Lần nào bà Dung cũng đáp: "Thôi, nhiều khi lên đó thông tin không đầy đủ và không rõ ràng bằng coi báo giấy".
Và bà khoe thêm: "Vợ chồng tui đọc báo thấy thoải mái đầu óc. Có những cái người ta nói, mình đọc báo xong thấy cái đó không đúng. Ngoài ra, tui cũng hay lưu những bài thuốc báo đăng để phòng ngừa bệnh tật, vì mình lớn tuổi rồi".
Ông Đặng Quốc Lục (66 tuổi, chồng bà Dung, nghỉ hưu gần chục năm nay) cho hay trước đây ông phục vụ trong quân đội, hằng ngày đọc rất nhiều tờ báo, gồm cả Báo Thanh Niên. Sau đó, ông quyết định chọn Thanh Niên để đặt mua dài hạn cho gia đình.
Không chỉ vợ chồng bà Dung, cả 3 cháu ngoại của ông bà cùng tuổi 11, đang học lớp 6 cũng hay đọc Thanh Niên. "Thấy mấy đứa nhỏ sáng sớm chuẩn bị đi học giành nhau tờ báo, tui kêu: "Phải chi có tiền, tao mua luôn 3 tờ cho tụi bây ngồi đọc", bà Dung vui vẻ kể.
Kết nối, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn
Xem lại hàng loạt tin nhắn trên Facebook giữa tôi và tài khoản Sơn Vũ (anh Vũ Hoàng Trường Sơn, 51 tuổi, ở P.Lái Thiêu, TP.Thuận An, Bình Dương) từ năm 2017 đến nay, hầu hết thấy anh đề nghị được kết nối, hỗ trợ những hoàn cảnh ngặt nghèo mà Báo Thanh Niên phản ánh.
Hỏi anh Sơn đã giúp đỡ cho bao nhiêu mảnh đời, anh nói giản dị: "Mình dư dả chút thì sẻ chia cho người ta thôi, xong rồi quên chứ đâu thống kê". Tôi biết anh chung tay đùm bọc khá nhiều trường hợp đáng thương ngoài đời. Chỉ tính riêng liên lạc qua cá nhân tôi, anh Sơn đã giúp đỡ cho gần chục ca, đa phần là những học sinh, sinh viên hiếu học đứng trước nguy cơ bỏ học do nghèo khó, tai ương, bệnh tật ập đến.
Anh Sơn nhẩm tính đã đọc Thanh Niên hai mươi mấy năm nay. Anh nhớ vanh vách số trang gắn liền từng chuyên mục. Hầu như hôm nào cũng vậy, khoảng 5 - 6 giờ sáng, trên đường đến công ty (P.Lái Thiêu, TP.Thuận An, Bình Dương), anh ghé mua báo rồi tấp vào quán ven đường vừa uống cà phê vừa tranh thủ đọc báo. "Đó là thói quen của tôi từ thời thanh niên. Cho đến giờ, tôi vẫn thích đọc báo giấy hơn báo online", anh Sơn nhìn nhận.
Đánh giá Thanh Niên, anh Sơn cho biết cảm giác dễ chịu nhất khi đọc tờ báo này là ít gặp "sạn". Mặt khác, tin tức trên Thanh Niên được cập nhật kịp thời, giao diện cũng dễ đọc...
Anh khẳng định tờ Báo Thanh Niên rất có ý nghĩa vì đã kết nối anh đến với những mảnh đời khó khăn, tạo cho anh niềm vui, thấy mình sống có ích khi giúp được người này, người kia.
Gần nửa đời gắn bó với Thanh Niên
Vợ chồng ông bà Lý Khánh Tâm (79 tuổi) - Nguyễn Thị Kim Liên (78 tuổi), cư trú tại P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đã có ba mươi mấy năm đọc Báo Thanh Niên. Cựu nhà giáo này duy trì thói quen đọc sách báo với mong muốn giữ cho đầu óc được minh mẫn, hiểu biết.
Theo ông Tâm, Báo Thanh Niên đưa tin đầy đủ và đa dạng, báo cũng có nhiều thay đổi, cải tiến trong thời gian qua, nên ông thấy hài lòng về chất lượng và diện mạo tờ báo. Ông chú ý các trang về giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, kinh tế, thời sự trong nước và quốc tế, những vấn đề xã hội... Bên cạnh đó, vị độc giả U.80 này thường xuyên theo dõi chuyên mục thể thao trên Thanh Niên. Ông nêu ý kiến: "Tôi mong trang thể thao đề cập lịch đấu bóng đá và có bài viết về kết quả sau một tuần thi đấu của các giải lớn như Ngoại hạng Anh… Những thông tin này có thể xem trên mạng, nhưng tôi thích đọc trên báo giấy hơn".
Bình luận (0)