Sau đúng phân nửa chặng đường của vòng loại Euro 2016, họ đã thua tuyệt đối 5 trận, thủng lưới 27 bàn và ghi đúng 1 bàn. “Họ” ở đây là Gibraltar, đội tuyển với hàng loạt kỷ lục "ngược" trong làng cầu thế giới.
Đội tuyển Gibraltar non trẻ với nhiều “chiến tích” chẳng giống ai - Ảnh: AFP
|
Thủ môn làm nghề... cứu hỏa
"Kỷ lục" đầu tiên: Đấy là đội tuyển quốc gia non trẻ nhất trong thế giới bóng đá. LĐBĐ Gibraltar chỉ mới được UEFA công nhận vào năm 2013 và hiện vẫn chưa phải là thành viên FIFA. Gibraltar cũng là thành viên nhỏ nhất trong hàng ngũ UEFA, tính theo dân số - vỏn vẹn 30.000 người. Vòng loại Euro 2016 là giải đấu đầu tiên có sự góp mặt của đội tuyển Gibraltar. Ngoài ra, Gibraltar còn có một đại diện thi đấu ở vòng sơ loại Champions League mùa bóng 2014 - 2015. Điều bất ngờ là đội tuyển Gibraltar non trẻ như vậy, nhưng LĐBĐ Gibraltar (GFA) lại là một trong 10 LĐBĐ lâu đời nhất thế giới hiện còn tồn tại. GFA được thành lập từ năm 1895 - gần chục năm trước khi FIFA ra đời. Người ta đã chơi bóng ở Gibraltar từ rất lâu trước khi LĐBĐ Gibraltar được thành lập.
Gibraltar là một lãnh thổ thuộc Anh, có diện tích gần 7 km2, nằm ở điểm cực nam của bán đảo Iberia (nói là cực nam của Tây Ban Nha cũng được). Hẳn nhiên, đây là chi tiết có thể lý giải vì sao môn bóng đá lại xuất hiện ở Gibraltar sớm như vậy. Hiện thời, có đến 4 cầu thủ đang chia nhau kỷ lục ghi bàn nhiều nhất cho đội tuyển Gibraltar: Kyle Casciaro, Lee Casciaro, Roy Chipolina và Jake Gosling. Mỗi người đều đang có... 1 bàn thắng!
Lee Casciaro hào hùng hơn cả, vì anh là tác giả của bàn thắng duy nhất trong một trận đấu chính thức của Gibraltar (trận thua Scotland 1-6 ở vòng loại Euro). Nhưng xét ở một khía cạnh khác, Gosling mới là cầu thủ có đẳng cấp cao nhất trong số các cây làm bàn vừa nêu. Gosling chơi bóng chuyên nghiệp, đang khoác áo CLB Bristol Rovers ở giải... hạng Năm của Anh. Còn lại thì Chipolina là nhân viên hải quan, Lee Casciaro là nhân viên cảnh sát, Kyle làm chủ một công ty vận tải biển. Đội tuyển Gibraltar còn có cảnh sát cứu hỏa Perez thường ra sân trong vai thủ môn, có nhân viên kho bãi Bado đá tiền vệ công, thợ điện Perez chuyên chạy cánh... và vài cầu thủ chuyên nghiệp, khoác áo các CLB có đẳng cấp rất thấp. Cũng có vài tuyển thủ đến từ... M.U, nhưng đấy là cách gọi ngắn gọn về Manchester United 1962 - một đội bóng ở Gibraltar, được thành lập bởi các cổ động viên Manchester United!
Sân bóng chứa đủ dân số quốc gia
Sân nhà Victoria của Gibraltar không đủ tiêu chuẩn để tổ chức các trận đấu quốc tế, nên đội này phải mượn sân Algarve của Bồ Đào Nha làm "sân nhà" cho các trận đấu tại vòng loại Euro. Chỉ với sức chứa 30.000 chỗ, sân Algarve đủ khả năng phục vụ... toàn bộ dân số Gibraltar, nếu họ muốn đến đấy cổ vũ đội tuyển. Mỗi khi có trận "sân nhà", đội tuyển Gibraltar phải đi xe bus đến Algarve từ khá sớm, thi đấu, rồi lại trở về bằng xe bus. Họ thường có mặt ở nhà lúc 2 giờ sáng để kịp chuẩn bị... đi làm vào lúc 7 giờ.
Vì tuyệt đại đa số tuyển thủ Gibraltar đều là cầu thủ nghiệp dư nên rắc rối lớn nhất trước mỗi đợt trận là làm sao để xin nghỉ việc vài hôm. Cầu thủ Jeremy Lopez làm việc cho một tổ chức chuyên nghiên cứu văn hóa và thể thao Gibraltar. Anh kể: "Ở Gibraltar, các hãng xưởng thường chỉ cho nhân viên nghỉ phép không quá 3 ngày, với điều kiện phải có nguyên nhân chính đáng. Thư triệu tập tuyển thủ quốc gia thi đấu quốc tế là một nguyên nhân chính đáng. Nhưng chúng tôi thường chỉ nhận được thư triệu tập rất trễ nên chẳng phải không có rắc rối. Đã có những người phải chọn giữa công việc và niềm vui chơi bóng. Cá nhân tôi chưa gặp vấn đề gì. Nhưng nếu phải chọn, tôi thà bỏ việc!".
Chẳng biết việc sa thải HLV trưởng Allen Bula có liên quan gì đến kiểu rắc rối vừa nêu hay không. Trước loạt trận gần đây nhất ở vòng loại Euro (gặp Scotland), Gibraltar đã sa thải HLV Bula, thay bằng David Wilson. Đại diện LĐBĐ Gibraltar phát biểu: "Chúng tôi xem các trận đấu quốc tế là công việc hết sức nghiêm túc. Chúng tôi có những mục tiêu quan trọng và sẽ phải đạt được các mục tiêu ấy".
Tuy không đủ tiêu chuẩn để tổ chức trận đấu quốc tế, nhưng Sân vận động Victoria ở Gibraltar ít ra cũng có thể tổ chức các trận "nội địa". Giải vô địch quốc gia Gibraltar gồm 8 đội, diễn ra tại sân bóng duy nhất này (các sân còn lại đều có kích thước nhỏ nên chỉ dùng để tập). Do vậy, đương nhiên không có chuyện các trận đấu ở giải vô địch quốc gia Gibraltar diễn ra cùng giờ.
Trong những ngày này, khi một người hâm mộ trung lập theo dõi các trận đấu của Gibraltar với Scotland, Đức, Ba Lan, Georgia, Ireland ở vòng loại Euro 2016, thì đấy chính là theo dõi những ngày đầu lịch sử của cả một nền bóng đá!
Bình luận (0)