Những đối thủ nặng ký của ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ tại Oscar 2017

13/10/2016 18:29 GMT+7

Với con số kỷ lục 85 phim tranh tài tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, có lẽ đường đến danh sách 5 ứng cử viên cuối cùng tranh tượng vàng của đại diện Việt Nam năm nay sẽ vô cùng khốc liệt.

Viện hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ đã chốt danh sách 85 tác phẩm đủ điều kiện dự thi tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất Oscar 2017. Vượt qua con số kỷ lục 83 đề cử của năm 2014, mùa giải Oscar đang tới gần được dự báo là sẽ ẩn chứa nhiều bất ngờ bởi sự đa dạng trong nội dung, sáng tạo nghệ thuật của nhiều tác phẩm đến từ các cường quốc điện ảnh trong khu vực và trên thế giới.
Năm nay đại diện của Việt Nam là bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ. Dù “làm mưa làm gió” trên các rạp chiếu tại Việt Nam, thậm chí còn đoạt giải tại Liên hoan phim Quốc tế Thiếu nhi Toronto (Canada) nhưng mục tiêu lọt vào top 5 phim được đề cử chính thức của tác phẩm sẽ không dễ dàng bởi những ứng cử viên nặng ký sau đây:
1. Neruda (Chile)
Dù mới đạo diễn 5 phim điện ảnh nhưng Neruda đã là bộ phim thứ tư của đạo diễn Pablo Larrain được chọn làm đại diện cho Chile tranh tài tại Oscar 2017. Trước đó, tác phẩm No của nhà làm phim 40 tuổi này đã vinh dự lọt vào danh sách 5 ứng cử viên cuối cùng tại Oscar 2013.
Phim xoay quanh câu chuyện chạy trốn các thế lực độc tài trong những năm chiến tranh khốc liệt tại Chile của đại thi hào Pablo Neruda. Ông được coi là một nhà thơ hiện thực của Mỹ-Latin nổi bật nhất thế kỷ 20. Năm 1971 ông được trao giải Nobel Hòa bình cho những áng văn thơ đấu tranh cho tự do, trí tưởng tượng mãnh liệt và chất trữ tình bay bổng.
Phim từng được công chiếu tại Tuần lễ Đạo diễn (Director’s Fortnight) tại Liên hoan phim Cannes 2016 (Pháp), tại Liên hoan phim Telluride ở Colorado (Mỹ) và Liên hoan phim Quốc tế Toronto (Canada). Tác phẩm nhận được đánh giá tích cực của giới chuyên môn và nhận số điểm tuyệt đối 100% trên trang Rotten Tomatoes.
2. Toni Erdmann (Đức)
Đây là bộ phim hài của nữ đạo diễn Maren Ade sau 7 năm vắng bóng trên lĩnh vực điện ảnh. Nội dung kể về một người cha cố gắng khơi gợi lại niềm vui trong cuộc sống cho cô con gái đang bị áp lực bởi công việc bằng những trò đùa hóm hỉnh và có phần hơi “xác thịt”.
Toni Erdmann được coi là bộ phim có cảnh hài hước nhất trong lịch sử điện ảnh - Ảnh: Chụp màn hình The GuardianToni Erdmann được coi là bộ phim có cảnh hài hước nhất trong lịch sử điện ảnh - Ảnh: Chụp màn hình The Guardian
Ngay khi được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm nay, Toni Erdmann đã được các nhà bình phim dành nhiều mỹ từ để nhận xét như: “Phim có cảnh hài hước nhất mọi thời đại”, “phim đậm chất hài Đức, hài nhưng không gợi dục” hay “liều thuốc bổ cho tâm hồn của những ai đang cần thư giãn”.
Toni Erdmann đoạt giải FIPRESCI Award (Giải của Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh quốc tế) trong khuôn khổ Cannes 2016 và được coi là ứng cử viên số một để lọt vào danh sách đề cử Oscar sẽ được thông báo vào ngày 24.1 năm sau.
3. Julieta (Tây Ban Nha)
Đại diện Tây Ban Nha năm nay là một tác phẩm nữa của đạo diễn lừng danh Pedro Almodóvar. Năm nay, ông lại mang tới cho khán giả một bộ phim về đề tài phụ nữ với tên gọi Julieta. Đây là chủ đề ưa thích của Pedro và cũng làm nên tên tuổi ông với nhiều bộ phim như All About My Mother Women on the Verge of a Nervous Breakdown.
Emma Suárez (phải) và Adriana Ugarte trong vai Julieta lúc trẻ và khi về già - Ảnh: AFP/Getty ImagesEmma Suárez (phải) và Adriana Ugarte trong vai Julieta lúc trẻ và khi về già - Ảnh: AFP/Getty Images
Julieta là bộ phim dựa trên truyện ngắn trong cuốn sách Runaway được xuất bản năm 2004 của Alice Munro. Phim kể về Julieta, một góa phụ sống ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha cùng cô con gái Antia. Mối quan hệ của cô và con gái nhỏ vốn đã không hề êm đẹp. Cho đến một ngày khi Antia tròn 18 tuổi, cô rời bỏ người mẹ Julieta tội nghiệp mà không có một lời giải thích. Julieta bước vào hành trình tìm lại con gái trong quá khứ lẫn hiện tại trong nỗi niềm giằng xé giữa trách nhiệm xã hội và dục vọng cá nhân.
Phim cũng từng là ứng cử viên của giải Cành cọ vàng trong Liên hoan phim Cannes năm 2016.
4. Elle (Pháp)
Elle là bộ phim tiếng Pháp đầu tiên trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn người Hà Lan Paul Verhoeven. Vượt qua Frantz, The Innocents Cezanne and I để giành tấm vé đại diện cho nước nhà dự Oscar năm nay, Elle xoay quanh nhân vật chính là nữ giám đốc của một công ty trò chơi, luôn là người quyết đoán đến lạnh lùng trong công việc và tình cảm. Một biến cố xảy ra khi cô bị cưỡng hiếp tại nhà riêng, cuộc đời cô trở nên đảo lộn và đi vào ngõ cụt.
Vai diễn chính trong Elle được đánh giá là đặc sắc nhất trong nghiệp diễn xuất của Isabelle Huppert - Ảnh: Chụp màn hình trailerVai diễn chính trong Elle được đánh giá là đặc sắc nhất trong nghiệp diễn xuất của Isabelle Huppert - Ảnh: Chụp màn hình trailer
Bộ phim được tờ The Wrap đánh giá là tác phẩm xuất thần nhất của minh tinh nước Pháp Isabelle Huppert trong số hàng trăm phim mà cô đóng từ trước tới nay. Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của dàn diễn viên sáng giá người Pháp như Laurent Lafitte, Anne Consigny và Charles Berling. Theo kế hoạch, Elle sẽ được hãng Sony Pictures phát hành trên trên rộng trong thời gian sắp tới.
5. Fire at sea (Ý)
Là quốc gia đang sở hữu kỷ lục số lượng phim đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar, năm nay Ý cử một ứng cử viên được đánh giá là rất mạnh đến tranh tài tại ngày hội điện ảnh lớn nhất hành tinh. Đó là bộ phim lấy đề tài về dân tị nạn Fire at sea.
Fire at sea là một bộ phim mang đầy tính nhân văn và thời sự - Ảnh: Chụp màn hình trailerFire at sea là một bộ phim mang đầy tính nhân văn và thời sự - Ảnh: Chụp màn hình trailer
Đối với những người yêu phim ảnh nghệ thuật, Fire at sea có lẽ không còn là cái tên xa lạ bởi đây chính là chủ nhân của tượng Gấu vàng, giải thưởng cao quý nhất tại Liên hoan phim Berlin (Đức) được tổ chức vào tháng 2 vừa qua.
Fire at sea là bộ phim đề cập đến những vấn đề nhức nhối mà người tị nan đang phải gánh chịu thời gian vừa qua. Lấy bối cảnh là đảo Lampedusa của nước Ý - một điểm cửa ngõ của người di cư Trung Đông, Bắc Phi đổ vào châu Âu, đạo diễn Gianfranco Rosi đã khéo léo xây dựng lên câu chuyện của những con người sống ở hòn đảo này với hàng loạt số phận từ châu Phi vượt Địa Trung Hải để tới “miền đất hứa” châu Âu bằng những chuyến tàu buôn lậu. Nhiều người đã bỏ xác trên biển, số còn lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ về một tương lai mịt mù và không biết phải bỏ mạng vào lúc nào.
Phim được Chủ tịch Ban giám khảo, nữ diễn viên, đạo diễn kỳ cựu từng 3 lần đoạt giải Oscar Meryl Streep hết lời khen ngợi: “Fire at sea đã chạm vào trái tim chúng ta với những khung hình đắt giá và câu chuyện cảm động”.
6. The Salesman (Iran)
Được đánh giá là đại diện có tiềm năng nhất của các nền điện ảnh châu Á trước thềm giải Oscar đang tới gần, bộ phim The Salesman của Iran hội đủ những tố chất của một sản phẩm nghệ thuật có thể làm hài lòng hội đồng thẩm định của Viện Hàn lâm Mỹ. Phim được dự đoán không những sẽ lọt vào top 5 ứng cử viên xứng đáng nhất mà còn có thể đoạt luôn tượng Oscar ở hạng mục này.
Ê-kíp phim gồm (từ trái qua): nam diễn viên Shahab Hosseini, đạo diễn Asghar Farhari và nữ diễn viên Taraneh Alidoosti - Ảnh: AFP/Getty ImagesÊ-kíp phim gồm (từ trái qua): nam diễn viên Shahab Hosseini, đạo diễn Asghar Farhari và nữ diễn viên Taraneh Alidoosti - Ảnh: AFP/Getty Images
Trước đó, The Salesman đã giành được hai giải thưởng cao quý tại Liên hoan phim Cannes là giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho tài tử Shahab Hosseini và giải Kịch bản xuất sắc nhất cho chính đạo diễn Asghar Farhari. Liệu Asghar Farhari có thể lập lại lịch sử khi năm 2012, nhà làm phim tài ba này cũng đã từng giành tượng vàng Oscar cho giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất với tác phẩm A Separation?
The Salesman có nội dung xoay quanh một cặp vợ chồng nghệ sĩ chuyển đến căn hộ mới thuê ở thủ đô Tehran để tập luyện cho một vở kịch. Cuộc sống bình yên của họ bỗng chốc bị đảo lộn khi người vợ bị kẻ lạ mặt tấn công khi đang tắm. Người chồng quyết tìm hung thủ báo thù và đòi tiền bồi thường.
7. From Afar (Venezuela)
From Afar, tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lorenzo Vigas dù đã ra mắt vào tháng 9.2015 nhưng vẫn đủ điều kiện để tham dự tranh tài tại kỳ Oscar sắp tới.
From Afar là câu chuyện tình yêu dồng tính của hai người đàn ông ở hai địa vị xã hội khác nhau - Ảnh: Chụp màn hình trailerFrom Afar là câu chuyện tình yêu đồng tính của hai người đàn ông ở hai địa vị xã hội khác nhau - Ảnh: Chụp màn hình trailer
Phim lấy đề tài đồng tính nam, xoay quanh một người đàn ông trung niên giàu có thích lang thang trên đường phố của thủ đô Caracas. Anh ta đưa tiền dụ các chàng trai khỏa thân tại nhà nhưng không bao giờ làm tình. Đến một ngày ông gặp một gã lang thang đầu đường xó chợ, ngổ ngáo ngoài phố và bắt đầu bị cuốn hút thật sự.
Phim được hội đồng chuyên môn của Liên hoan phim Venice năm 2015 đánh giá là sự pha trộn độc đáo giữa tình yêu và bạo lực để xây dựng nên một mối tình giữa hai con người ở hai đẳng cấp khác nhau trong xã hội. From Afar vinh dự nhận giải Sư tử vàng cho Phim xuất sắc nhất Liên hoan phim Venice lần thứ 72 và là một điểm sáng cho những nền điện ảnh đến từ Mỹ-Latin.
8. Chevalier (Hy Lạp)
Bộ phim hài về bản ngã đàn ông Chevalier của nữ đạo diễn Athina Rachel Tsangari là đại diện của Hy Lạp tham gia vào đường đua đến tượng Oscar năm nay.
Sáu người đàn ông thể hiện bản lĩnh trong phim Chevalier - Ảnh: Chụp màn hình VarietySáu người đàn ông thể hiện bản lĩnh trong phim Chevalier - Ảnh: Chụp màn hình Variety
Phim là một câu chuyện trào phúng sâu sắc khi kể về cuộc thi dành cho phái mạnh, nơi 6 người con trai phải cùng nhau lên một chiếc thuyền, đối mặt nhiều thử thách để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông. Người chiến thắng sẽ được trao nhẫn và phong tước hiệu “Hiệp sĩ” (Chevalier). Tác phẩm được đánh giá là vô cùng hài hước, nhưng cũng sâu cay khiến khán giả nghiền ngẫm nhiều về những chuẩn mực thế giới đặt ra cho đàn ông, đặc biệt là phái mạnh châu Âu hiện nay
Bộ phim từng đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim London năm 2015. Có một điều thú vị là chủ đề của sự kiện này lại là “Tôn vinh những người phụ nữ mạnh mẽ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.