Những dòng kênh rạch 'chết' mòn mỏi chờ hồi sinh

17/11/2021 07:00 GMT+7

Lộ trình di dời nhà ven kênh rạch chậm trễ, đồng nghĩa với hình ảnh những dòng sông, kênh, rạch bị rác “bức tử” vẫn tồn tại suốt nhiều năm tại TP.HCM.

Càng chậm trễ, vốn càng đội

Trong số những dự án mà TP.HCM đề ra trong chương trình chỉnh trang đô thị giai đoạn 2021 - 2025, 3 dự án ưu tiên là cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng và rạch Văn Thánh. Trong đó, dự án rạch Xuyên Tâm có thể nói là quán quân về độ chậm trễ.

Những căn nhà lụp xụp hai bên rạch Xuyên Tâm, Q.Bình Thạnh, TP.HCM sắp được di dời để chỉnh trang đô thị

NGỌC DƯƠNG

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được UBND TP phê duyệt từ năm 2002. Sau nhiều năm loay hoay, dự án được UBND TP giao về cho Q.Bình Thạnh từ tháng 8.2016, yêu cầu phải hoàn thành chậm nhất vào 12.2018. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai do mức đầu tư quá lớn, khó kêu gọi nhà đầu tư. Cụ thể, dự án ban đầu ước tính khoảng 4.000 tỉ đồng bao gồm hơn 1.000 tỉ đồng cho bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hơn 2.000 tỉ đồng là chi phí xây lắp. Tuy nhiên do chậm trễ, đến nay chi phí GPMB ước “đội” lên 3.750 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư của dự án từ 123 tỉ đồng dự toán năm 2002, nay vọt lên 9.353 tỉ đồng, gấp hơn 76 lần.

Trong văn bản mới nhất vừa gửi Bộ KH-ĐT đề xuất bố trí vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP đã phải “cầu cứu” ngân sách Trung ương hỗ trợ toàn bộ 9.353 tỉ đồng để đầu tư, hoàn thiện dự án này.

Tương tự, dự án cải tạo kênh Hy Vọng dài gần 1,2 km kết hợp làm đường giao thông hai bên tạo điều kiện tiêu thoát nước chống ngập cho lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã được TP chấp thuận phương án từ năm 2013, nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TP phê duyệt. Theo hồ sơ dự án cải tạo kênh Hy Vọng, tổng kinh phí đầu tư cho công trình này là 513,7 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 136 tỉ đồng, còn lại là đền bù, GPMB, tư vấn... Thế nhưng báo cáo với Bộ KH-ĐT, UBND TP.HCM kiến nghị được hỗ trợ toàn bộ tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này là 1.980 tỉ đồng, tức đã tăng gần 4 lần.

Ngoài ra, đã có thêm hàng chục con kênh được thêm vào danh sách những dòng kênh ô nhiễm nghiêm trọng. Cuối năm 2020, UBND TP.HCM đã phải gửi văn bản tới Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN đề xuất nạo vét đảm bảo giao thông đoạn cạn kênh Tẻ từ cầu Tân Thuận đến cầu Nguyễn Văn Cừ. Thuộc tuyến hành lang đường thủy số 2, kênh Tẻ đóng vai trò quan trọng trong việc vận tải hàng hóa, hành khách, kết nối giao thông bằng đường thủy từ TP đến các tỉnh ĐBSCL và ngược lại. Tuy nhiên, dòng kênh này hiện ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc lưu thông của phương tiện thủy.

Mở rộng hành lang giải tỏa lấy quỹ đất thương mại

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), nhận xét chương trình giải tỏa nhà ven sông, kênh, rạch đều là những dự án lớn, cần vốn “khủng”. Trong khi đó, trần nợ công cao, TP.HCM không thể vay thêm theo hình thức ODA. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà ở xã hội thì càng làm càng lỗ, chưa kể cũng không đủ tiềm lực để đảm đương các dự án quá lớn như vậy.

“Chỉ còn cách mở rộng hành lang giải tỏa ven sông, kênh, rạch để có quỹ đất thương mại. Số đất này đem đấu giá lấy tiền xây chung cư tái định cư cho người dân và thực hiện chỉnh trang kênh rạch. Muốn như vậy, TP phải có vốn mồi từ ngân sách để thực hiện GPMB. Chính phủ cần hỗ trợ bằng cách tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách về cho TP, tránh để TP tiếp tục vì thiếu tiền mà phải giật gấu vá vai, làm kiểu manh mún càng thêm tốn kém”, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.