Tri ân người hiến máu thế giới:

Những dòng máu hiến tặng hơn chục năm, cứu nhiều người sống đến nay

Phan Diệp
Phan Diệp
14/06/2024 13:33 GMT+7

'Có bé mổ tim cần hiến máu gấp. Có bệnh nhân ung thư đang thiếu tiểu cầu cần hỗ trợ'… sau tin nhắn của trưởng nhóm, thành viên nhóm Hiến tiểu cầu thấy bản thân có thể giúp được đều vội vàng đăng ký.

Ngày 14.6.2024 kỷ niệm dấu mốc 20 năm Ngày Quốc tế người hiến máu ra đời, nhằm tri ân những người hiến máu tình nguyện, đặc biệt là người hiến máu nhiều lần. Năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu Quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu Thế giới quyết định lấy ngày 14.6 để tôn vinh những người hiến máu.

Những tin nhắn "điều động" bất ngờ như thế này đã quen thuộc với nhóm "Hiến tiểu cầu" trên Facebook - hoạt động đã hơn 10 năm. 

"Trước khi các thành viên biết đến hoạt động hiến tiểu cầu cho bệnh nhân, họ hầu hết là những sinh viên từng tham gia hiến máu tình nguyện nhiều lần", người đại diện nhóm chia sẻ.

"Xem người cần máu chính là người thân của mình"

Chị Ngọc Hân (33 tuổi, ở Q.Tân Bình) còn nhớ như in lần đầu hiến máu khi đang là sinh viên trường cao đẳng. Giờ đây, khi đã lập gia đình, chị vẫn giữ thói quen hiến máu cứu người. Chỉ khác một điều, là ngày xưa, chị Hân thường hiến máu trong những đợt phát động của các đơn vị như Hội chữ thập đỏ, bệnh viện… Hiến máu xong thì được giấy chứng nhận, sau này nếu bản thân cần máu thì sẽ được nhận lại số đơn vị máu đã cho đi. Còn gần 10 năm qua, khi tham gia nhóm, chị chọn cách hiến máu trực tiếp cho người cần.

"Những người cần" là các trường hợp bệnh nhân cấp cứu hoặc trẻ em nghèo mổ tim. Khi có tin cần máu từ trưởng nhóm, chị Hân đến bệnh viện, gặp trực tiếp bệnh nhân và hiến máu theo diện người nhà.

"Hầu hết trẻ mổ tim tôi cho máu đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình phải đi xin chi phí từ các nhà tài trợ. Vì thế, để không tốn thêm tiền mua máu nên tôi quyết định giúp đỡ các em theo cách này", chị Hân nói.

Những dòng máu hiến tặng hơn chục năm, cứu nhiều người sống đến nay- Ảnh 1.

Thành viên trong nhóm Hiến tiểu cầu tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu trực tiếp cho người cần tại bệnh viện.

Luca Dien

Nguyễn Xuân Hiếu (26 tuổi, ở đảo Bình Ba, Khánh Hoà) là một trong số hàng chục người đang mang trong mình dòng máu của chị Hân. Hiếu mắc bệnh tim bẩm sinh, được phẫu thuật lần thứ nhất năm 2006. Đến năm 2016, Hiếu được nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí phẫu thuật lần 2.

Phẫu thuật xong, 2 chị em vẫn giữ liên lạc cho đến nay. 8 năm sau ca mổ, sức khoẻ của Hiếu ổn định, mỗi năm đều vào TP.HCM 1 - 2 lần tái khám.

Ngoài hiến máu, chị Hân cũng nhiều lần hiến tiểu cầu và cả hiến bạch cầu. Hiến bạch cầu đòi hỏi nhiều điều kiện về sức khoẻ, phải làm nhiều xét nghiệm và thời gian hiến cũng lâu hơn.

Đợt tết năm 2021, khi đang chuẩn bị về quê, chị thấy trên nhóm thông báo có ca hỗ trợ hiến bạch cầu cho bệnh nhân ung thư. Thấy nhóm máu của mình phù hợp, chị đăng ký đến bệnh viện ngay. 

Chị Hân phải nhập viện trước một hôm để làm các xét nghiệm, khi được tiêm thuốc kích tuỷ, chị xây xẩm mặt mày. "Nhưng nghĩ rằng người bệnh đang nằm chờ máu chính là người thân của mình nên tôi không sợ nữa", chị nói.

Những dòng máu hiến tặng hơn chục năm, cứu nhiều người sống đến nay- Ảnh 2.

Chị Hân trong một lần đi hiến tiểu cầu.

NVCC

Chị Nguyễn Thị Hoài Thanh (33 tuổi, ở Q.Gò Vấp) cũng bắt đầu hiến máu từ khi còn là sinh viên. Năm 2012, chị tình cờ thấy thông báo cần hiến tiểu cầu tại Bệnh viện Truyền máu huyết học, vì tò mò nên đến thử. Những lần hiến tiểu cầu mất khoảng hơn 2 tiếng. Máu được lấy ra và đưa trực tiếp vào máy chiết tách tế bào để tách và giữ lại tiểu cầu, sau đó trả lại các thành phần khác như bạch cầu, hồng cầu, huyết tương cho người hiến.

"Theo quy định, người hiến tiểu cầu sau 3 tuần có thể tái hiến. Để có thể giúp được nhiều người, tôi luôn ý thức phải giữ gìn sức khoẻ thật tốt, sống lành mạnh và ăn uống đủ chất để có thể giúp thêm nhiều người", chị Thanh nói.

Một phần dòng máu - một phần sự sống

Còn anh Nguyễn Văn Long (33 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) vẫn xúc động khi nhắc lại câu chuyện hỗ trợ một em nhỏ mổ tim cần máu ở bệnh viện Trung ương Huế năm 2012. Mùa hè năm đó, bệnh nhi mới 2 tuổi, còn Long là sinh viên tham gia tiếp sức mùa thi. Sau khi hoàn cảnh của bé được chia sẻ lên nhóm kêu gọi sự giúp đỡ, Long không quen ai ở Huế nên chỉ biết đăng lại tin lên mạng xã hội để tìm may mắn.

14.6 cũng là ngày sinh của giáo sư người Áo, Karl Lendsteiner - người đầu tiên phát hiện ra hệ nhóm máu ABO vào năm 1900. Phát hiện này của ông đã giúp mang tới bước tiến quan trọng trong lịch sử truyền máu của nhân loại.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, từ 171 quốc gia vào năm 2018, có 118,5 triệu đơn vị máu được hiến tặng trên toàn cầu. 

Tại Việt Nam, theo Viện truyền máu huyết học trung ương, sau 30 năm chính thức phát động phong trào hiến máu (24.1.1994 – 24.1.2024), toàn quốc vận động và tiếp nhận trên 21,3 triệu đơn vị máu.

"Có 4 người đã đồng ý hiến máu cho bé. 2 người làm ở ĐH Sư phạm Huế, 1 người làm công an và thêm 1 sinh viên", Long nhớ rõ mồn một.

Tuy nhiên, vì yêu cầu của bệnh viện là người hiến phải có mặt, túc trực trong thời gian ca mổ diễn ra để lấy máu ngay khi cần khiến Long lo sợ mọi người sẽ thay đổi ý định vào phút chót. Chàng sinh viên bồn chồn, lo lắng suốt mấy ngày trước ca mổ. Rất xúc động, đến hẹn, cả 4 người đã có mặt trực bên ngoài phòng mổ, chờ để được hiến máu cho bé.

"Dù là người xa lạ nhưng vì mong muốn cứu bé mà tất cả mọi người đã đến", Long bồi hồi.

Một điều hạnh phúc hơn là ca mổ thành công. Em bé còn gọi Long bằng ba khiến chàng sinh viên khi ấy ngại ngùng. Sau khi con khoẻ mạnh, bố mẹ bé cũng có thời gian lo cho kinh tế gia đình, cuộc sống ổn định hơn trước khiến Long càng thấy vui.

Cứ mỗi lần đi hiến máu, câu chuyện ngày ấy lại ùa về, nhiệt huyết thời sinh viên trong anh vẫn vẹn nguyên.

Những dòng máu hiến tặng hơn chục năm, cứu nhiều người sống đến nay- Ảnh 3.

Cậu bé Xuân Hiếu mắc tim bẩm sinh ngày nào giờ đã khoẻ mạnh sau 2 ca phẫu thuật với sự hỗ trợ của cộng đồng, trong đó có những người hiến máu như chị Hân.

NVCC

Những thành viên trong nhóm "Hiến tiểu cầu" đều có một điểm chung đó là cho đi khi có thể mà chẳng cần nhận lại bất cứ điều gì. Có chăng là số điện thoại để có thể hỏi thăm nhau về sau. Như Hiếu, cứ mỗi lần chàng trai vào TP.HCM tái khám, chị Hân đều mời về nhà nghỉ lại, lo ăn ở, chăm sóc như người thân.

"2 chị em gắn bó thân thiết, có chuyện vui buồn gì cũng hay kể nhau nghe. Em biết ơn chị Hân nhiều lắm", chàng trai nói.

Còn anh Long, giờ anh đã trở thành một luật sư, đã làm ba của một cô con gái nhỏ nhưng vẫn song hành, chứng kiến hành trình lớn lên của một đứa con 14 tuổi ở Bình Định - cũng đang mang trong người một phần dòng máu của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.