Đây là cảnh báo của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo, tại phiên thảo luận sáng nay 24.3 về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Cổ phần hóa mới mang tính đối phó
Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá là 1 trong 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, tuy nhiên, vấn đề này đã được thực hiện chưa đáng kể, dẫn đến nhiều nguy cơ khác nhau.
Trích dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 cả nước đã cổ phần hoá được 93% kế hoạch, đã sắp xếp được 558 doanh nghiệp nhà nước trong đó cổ phần hoá 478 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, xét về giá trị, cả nước thoái vốn chỉ được hơn 9.924 tỉ đồng, là con số rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 1% so với con số vốn điều lệ 1,2 triệu tỉ đồng. Trong đó số vốn điều lệ tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã là hơn 1,1 triệu tỉ đồng chưa bao gồm các tài sản, lợi thế khác như đất đai, tài nguyên khoáng sản, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Theo đại biểu này, ngay với lượng nhỏ nhoi được cổ phần hoá này thì số lượng cổ phần được bán ra xã hội rất ít. Nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá vốn nhà nước vẫn chiếm trên 90%, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước.
“Điều này không đảm bảo đúng mục tiêu của cổ phần hoá là xã hội hoá đầu tư, thay đổi mô hình quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Bảo nêu thực tế: "Các tổng công ty lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietNam)... mới chỉ cổ phần hoá một vài phần trăm mang tính chất đối phó, còn bản chất mô hình quản trị doanh nghiệp, xã hội hoá không đạt được”.
Theo ông Bảo, việc cổ phần hóa nhỏ giọt, đối phó này dẫn đến nhiều nguy cơ khác nhau trong đó có việc gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. “Nếu cổ phần hóa từ 5 - 10% thì mức giá sẽ khác mức trên 30%. Và nếu cổ phần hóa trên 51% thì mức giá càng nữa. Cổ phần hóa với tỉ trọng thấp thì mức giá cũng thấp, gây thất thoát cho ngân sách”, ông Bảo phân tích.
Nhiều dự án để lại những khoản nợ lớn cho đất nước
Theo ông Bảo, luật quản lý vốn và tài sản nhà nước mặc dù đã có, nhưng luật này và văn bản liên quan chưa đảm bảo làm làm rõ trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước trong quản lý doanh nghiệp hiệu quả.
“Rất nhiều dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp thất bại để lại những khoản nợ rất lớn cho Nhà nước. Điển hình như dự án cảng Đình Vũ đầu tư 7.000 tỉ đồng với các thiết bị Trung Quốc kém hiệu quả, đến nay thua lỗ 1.700 tỉ đồng có nguy cơ đóng cửa. Nhà máy gang thép Thái Nguyên theo dự án đầu tư 3.800 tỉ, nay đã lên đến 8.000 tỉ nhưng vẫn là đống sắt vụn không ra được sản phẩm”, ông Bảo dẫn chứng.
Thời gian qua có hiện tượng nhiều doanh nghiệp lớn trong giai đoạn 2005 - 2010 như Vinashin, Vinalines và sau đó là những dự án đầu tư lớn hàng chục nghìn tỉ đồng, chưa kể hệ thống kết nối hạ tầng như dự án bauxite ở Tây Nguyên, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn nhưng liên tục thua lỗ, có dự án chưa hoạt động đã liên tục xin điều chỉnh cơ chế, chính sách.
"Phát biểu về dự án bauxite Tây Nguyên mới đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh đâu là dự án có nguồn đầu tư khổng lồ của Nhà nước nhưng Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đề nghị giảm thuế đến mức không còn gì nữa. Đáng ra áp thuế 40% nhưng 20% cũng kêu lỗ đòi xuống 10% rồi 5% thì ngân sách nhà nước lấy đâu ra nguồn thu”, ông Bảo cho biết.
Theo ông Bảo, những dự án này khi ra đời đều được hy vọng là những đầu tầu thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực phát triển. “Nhưng đến nay nếu không giám sát chặt thì các dự án này không những không đạt mục tiêu đó mà còn trở thành gánh nặng cho nền kinh tế trong tương lai”, ông Bảo nhấn mạnh.
Bình luận (0)