Chiều ngày 5.5, tại chương trình triển lãm dự án UPSHIFT tìm kiếm và ươm tạo các dự án khởi nghiệp xã hội của bạn trẻ từ 14 - 24 tuổi, những mô hình khởi nghiệp của học sinh đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Chương trình do Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE) tổ chức.
Vòng tay theo dõi và cảnh báo sớm cơn co giật động kinh
Bắt đầu phần thuyết trình của mình, Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, bày tỏ: “Đã bao giờ bạn phải sống trong lo sợ rằng mình sẽ chết bất cứ lúc nào? Có rất nhiều người đã phải sống như thế. Họ là những người mắc chứng co giật động kinh. Họ chỉ kém may mắn hơn nhưng cũng giống như chúng ta, khao khát được sống một cuộc đời trọn vẹn. Một khao khát rất bình thường mà có lẽ những bệnh nhân động kinh sẽ khó có thể chạm tới”.
Từ những đồng cảm trên, nhóm của Ngân muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ cho những người kém may mắn hơn mình.
Nhóm gồm 3 thành viên, ngoài Ngân thì còn có Trần Thị Mỹ Phương và Dương Anh Thức (học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên).
|
“Sau hơn nửa tháng đi khảo sát thực tế tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM thì cho ra số liệu, những bệnh nhân động kinh phần lớn là từ 18 - 35 tuổi, mất khả năng học tập và khả năng tư duy nên không thể làm được những việc trí óc. Từ đó nhóm đã suy nghĩ đến giải pháp làm thiết bị vòng tay có thể theo dõi, lưu trữ, phát hiện chính xác đồng thời có khả năng gửi được cảnh báo đi đến người thân khi không ở bên cạnh”, Phương chia sẻ.
Hệ thống bao gồm một vòng tay và có những cảm biến theo dõi số liệu. Ngay khi nhận được giá trị độ đáp ứng điện da, nhịp mạch và thân nhiệt từ thiết bị qua kết nối bluetooth, phần mềm tính toán sự chênh lệch của các giá trị thu thập được so với những số liệu của từng bệnh nhân… Khi kết quả đo bằng 1 tức là cơ thể có nguy cơ xảy ra co giật, điện thoại của bệnh nhân sẽ tự động gửi tin nhắn SMS đến cho điện thoại của người thân dựa vào danh sách số điện thoại ưu tiên…
Máy đọc sách dành cho người khiếm thị
Sau một quá trình tìm hiểu, Kiều Ngọc Huân, Phạm Hoàng Phúc, Lê Quốc Dũng, Phạm Hoàng Minh (học sinh Trường THPT Năng khiếu TP.HCM) nhận thấy mức thu nhập của người khiếm thị rất thấp. Từ đó, nhóm học sinh này trăn trở, suy nghĩ có thể cải thiện được điều này nếu người khiếm thị tiếp cận được nhiều kiến thức và kỹ năng hơn. Mà sách là nguồn kiến thức vô tận nên nhóm muốn giúp việc đọc sách của người khiếm thị trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
|
Huân nói: “Hiện nay nguồn sách chữ nổi thì không nhiều. Mà nếu mỗi ngày người khiếm thị đều muốn đọc báo thì phải làm sao. Trên thị trường hiện nay cũng đã có những dòng sản phẩm về máy đọc sách cho người khiếm thị, tuy nhiên giá thành để sử hữu một chiếc máy đó không hề thấp. Mà người khiếm thị vốn dĩ thu nhập đã thấp nên họ không có khả năng sở hữu những chiếc máy đó. Nhóm chúng em tạo ra được chiếc máy vừa giúp họ đọc sách nhưng giá thành cũng thấp nhất có thể”.
Hiện nay, chiếc máy đọc sách sau 6 lần cải tiến thì đã đọc và dịch được chữ tiếng Việt, tiếng Anh, thao tác dễ sử dụng và giá thành rẻ. Người sử dụng chỉ cần đưa cuốn sách vào và bấm nút là camera có thể chụp lại trang sách và chuyển dữ liệu đến ứng dụng để xử lý. Sau đó người dùng chỉ cần đeo tai nghe và máy sẽ đọc sách cho người dùng.
Tuy nhiên, đều là học sinh, các kiến thức chuyên ngành còn hạn chế, đa phần các bạn chỉ tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, nên đến thời điểm hiện tại chiếc máy vẫn chưa được hoàn chỉnh.
Mang sản phẩm đến buổi thuyết trình, nhóm mong muốn sẽ được các chuyên gia có thể góp ý đóng góp và hỗ trợ những kiến thức cần thiết để nhóm có thể hoàn thiện được sản phẩm.
Hộp đen hỗ trợ cứu nạn
Đây là dự án của nhóm 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là Nguyễn Lâm Gia Nghi và Vũ Phương Thảo.
Nghi cho biết khi học lớp 11, Nghi liên tục đọc được những thông tin về bạo lực tình dục và bắt cóc trẻ em. Trăn trở với thực trạng này, Nghi và Thảo xây dựng thiết bị, công cụ hỗ trợ con người có thể bảo vệ chính mình.
|
“Như chúng ta biết, hộp đen là thiết bị lưu trữ thông tin và đinh vị vị trí của một phương tiện giao thông nhằm nâng cao và giữ an toàn cho phương tiện đó. Tụi em mới đặt ra câu hỏi là: Tại sao không có một hộp đen dành cho con người? Từ câu hỏi này nên nhóm đã tiến hành nghiên cứu và chế tạo hộp đen dành cho người”, Nghi lý giải về lý do sáng chế hộp đen.
Nghi cho biết hộp đen của nhóm là thiết bị có sự tương tác hai chiều giữa người sử dụng và người thân. Thiết bị có thể định vị vị trí, giám sát hành trình, quay video trực tiếp và cảnh báo. Như thế người thân sẽ biết mình đang đi đâu, làm gì và có gặp nguy hiểm hay không? Ngoài ra trong trường hợp nguy cấp thiết bị có thể cảnh báo đến số điện thoại của người thân.
“Video trực tiếp giúp cho người thân của mình biết rõ được hiện trường lúc đó đang như thế nào và mức độ nguy hiểm của mình ra sao để có được những ứng cứu kịp thời. Nhóm tin tưởng thiết bị sẽ đem lại những chức năng thực sự hữu ích cho con người. Không những thế, đây chắc chắn là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ điều tra tai nạn và tội phạm”, Nghi tự hào.
Bình luận (0)