Con đường đã đưa vào sử dụng một phần nhưng vẫn chưa giải quyết xong khâu giải phóng mặt bằng… cũng dừng trước vạch đích. Rất nhiều công trình trọng điểm trên cả nước đang phải ngậm ngùi treo cẩu dừng trước vạch đích. Không chỉ gây lãng phí khổng lồ, các dự án dở dang này còn ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển kinh tế của địa phương, của cả nước.
Từ "vô cùng cấp bách" tới nguy cơ "treo" vĩnh viễn
Tại TP.HCM, dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đoạn cặp bên đại lộ Võ Văn Kiệt và đường Bến Vân Đồn (Q.1, Q.4), nước thải quyện cùng bèo, rác nổi lềnh bềnh trên dòng kênh bốc mùi hôi thối. Thường xuyên đi bộ dọc hành lang kênh từ dưới cầu Nguyễn Văn Cừ tới cầu Mống để qua bến Bạch Đằng, chị Lê Thủy (ngụ Q.4) luôn phải chứng kiến cảnh rác và bèo bị chặn lại giữa khu vực cống ngăn triều Bến Nghé thuộc Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
"Tôi không biết dự án có chặn dòng chảy bên dưới không, nhưng rõ ràng những cống này đang ngăn con kênh làm đôi, bên phía Q.4 thì toàn rác, bên phía Q.1 thì bèo vây kín. Nếu không bị chặn lại thì có thể rác và lục bình sẽ xuôi dòng chảy bớt đi, không tụ lại lâu như vậy", chị Thủy nghi hoặc.
Tương tự, một số vị trí cống ngăn triều thuộc dự án này tại khu vực Q.7, Q.8 cũng đã không ít lần bị phản ánh tình trạng công trường, lô cốt án ngữ quá lâu ảnh hưởng tới giao thông và đời sống của người dân xung quanh; chưa kể mỗi khi triều lên thì ngập vẫn hoàn ngập.
Không ai có thể tưởng tượng đó chính là một trong những dự án trọng điểm, đã từng được kỳ vọng sẽ đưa TP.HCM thoát cảnh ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa. Thế nhưng số phận dự án này lại hết sức trắc trở và là một trong những dự án bị "điểm mặt" nhiều nhất ở tình trạng dừng trước vạch đích.
Cụ thể, tháng 6.2016, dự án chính thức khởi công, đặt mục tiêu kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Thời điểm đó, công trình có vốn đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng, trở thành kỳ vọng lớn của người dân TP bởi nỗi ám ảnh hễ mưa là ngập đã dai dẳng đeo bám gần 20 năm.
Bởi vậy, dù khối lượng công trình rất lớn với quy mô 6 cống ngăn triều cùng các nhà điều hành trên phạm vi sông Sài Gòn thuộc Q.1, Q.7, Q.8 và H.Nhà Bè, nhưng phía chủ đầu tư (Tập đoàn Trung Nam) được giao thời gian thi công chưa đầy 2 năm, dự kiến khánh thành vào tháng 4.2018. Vậy mà đã gần 7 năm trôi qua, sau 4 lần ngừng thi công, lời hứa về đích của công trình cấp bách này vẫn chưa được thực hiện.
Mỗi mùa mưa tới, triều cường lên, hàng vạn phương tiện bì bõm lội nước thì công trình chống ngập 10.000 tỉ đồng lại được "réo tên". Từ trông chờ chuyển qua bức xúc, đến nay người dân TP chỉ còn biết ngao ngán thở dài, đặc biệt là khi dự án thông tin đã hoàn thành tới 93% khối lượng thi công từ 3 năm trước.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường: TP tiếp tục tìm phương án tháo gỡ
Nghị quyết 98 mà Quốc hội vừa ban hành sẽ giúp TP.HCM tháo gỡ được các khó khăn liên quan đến phần cơ chế thanh toán bằng quỹ đất đã được xác định trong hợp đồng BT. Tuy nhiên, do các dự án còn nhiều vướng mắc khác liên quan đến cấp vốn và tái cấp vốn tín dụng cho nhà đầu tư; còn vướng GPMB; các thủ tục giám sát đầu tư; duyệt điều chỉnh dự án đầu tư… nên TP sẽ tiếp tục tìm phương án tháo gỡ.
Năm 2020, lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam thậm chí đã xin "trả lại" dự án cho UBND TP.HCM do không gánh nổi chi phí phát sinh lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Chủ đầu tư cũng cảnh báo công trình đứng trước nguy cơ trở thành dự án "treo" vĩnh viễn bởi với nguồn lực của TP.HCM, việc mua lại toàn bộ dự án chống ngập do triều là rất khó khả thi. Tới năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40 về việc tiếp tục triển khai dự án chống ngập 10.000 tỉ tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp yêu cầu giải quyết "dứt điểm" các khó khăn của công trình cấp bách này. Thế nhưng đến nay công trình vẫn im lìm.
Mới nhất, theo thông tin từ Thành ủy TP.HCM, nhu cầu vốn để hoàn thành dự án hiện còn lại khoảng 1.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) cấp vốn để tiếp tục triển khai do vướng mắc liên quan việc thanh toán của TP cho BIDV. Cụ thể, về phần thanh toán bằng quỹ đất, TP đã chuẩn bị sẵn các quỹ đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán bằng đất cho nhà đầu tư do đang phải phối hợp với các bộ, ngành trung ương thực hiện rà soát cơ sở pháp lý.
Đối với việc thanh toán bằng tiền, mặc dù đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với giá trị là hơn 5.771 tỉ đồng để bố trí vốn thanh toán nhưng do vấp Nghị định số 69/2019 quy định việc thanh toán tiền chỉ thực hiện sau khi đã thanh toán đất mà vẫn chưa đủ để cân đối cho giá trị dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Do đó, TP cũng chưa thể thực hiện việc thanh toán bằng tiền mặt.
Tóm lại, công trình chống ngập lớn nhất, cấp bách nhất của TP.HCM vẫn có nguy cơ "treo cẩu" tới hết năm nay dù chỉ còn cách vạch đích tổng cộng có 7% khối lượng công việc.
Đường vành đai thành... "vành khuyên"
Dự án chống ngập 10.000 tỉ không phải công trình duy nhất tại TP.HCM vật vã chờ bước cú chót tới vạch đích. 14 km đường Vành đai 2 sau 1 thập kỷ chưa thể khép kín đã trở thành nỗi nhức nhối của ngành giao thông TP.
Vành đai 2 với tổng chiều dài 64 km được quy hoạch 16 năm trước, đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành. Công trình thi công đến khi còn 14 km chưa được khép kín thì chính thức "đứng bánh", dự kiến các đoạn còn lại sẽ được xây dựng năm 2017, hoàn thành nối 1 vòng TP.HCM vào cuối năm 2019 nhưng đến giờ vẫn còn loay hoay chưa làm được. Phần chờ khép kín chia làm 4 đoạn, trong đó đoạn 3 dài hơn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP.Thủ Đức) có thời gian thực hiện từ 2015 - 2023 nhưng từ tháng 3.2020 đến nay phải ngưng thi công khi khối lượng đã đạt gần 44%, do vướng GPMB, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư… Sau hơn 3 năm ngưng trệ, công trường dự án hiện biến thành nơi sinh sôi của cỏ dại; máy móc, vật liệu xây dựng ngổn ngang, hoen gỉ; các cây cầu nằm trơ khung sắt, phía dưới trở thành nơi chăn bò của người dân.
TS Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM): Những dự án chậm trễ đều là nhiệm vụ cấp bách
Những dự án đang chậm trễ nêu trên đều là nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện. Một công trình chậm trễ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy tiêu cực: giao thông ùn tắc, đô thị nhếch nhác, càng để lâu càng đội vốn. Đặc biệt, đối với các dự án lớn, doanh nghiệp (DN) phải "đổ" rất nhiều vốn, vay ngân hàng, chậm ngày nào DN khốn đốn ngày đó. Tình trạng công trường ngổn ngang, dở dang khắp các TP sẽ khiến các DN dần e ngại, đánh mất cơ hội kêu gọi vốn đầu tư cho hạ tầng của địa phương trong tương lai. Cần lần từ nguyên nhân, nút thắt để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Quy định, thủ tục bất cập ở đâu thì giải quyết ở đó, cấp này không được thì nhanh chóng chuyển lên cấp cao hơn. Người lãnh đạo hứa mốc thời gian thì phải có cơ sở, đề ra kế hoạch rõ ràng để thực hiện lời hứa, nếu không làm được thì phải có chế tài quy trách nhiệm rõ ràng. Không thể để chậm tiến độ, đội vốn trở thành thương hiệu của các dự án giao thông như hiện nay được.
Từ năm 2020, khi tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, TP.HCM liên tục ra nghị quyết yêu cầu phải hoàn thành dự án đặc biệt quan trọng này trong nhiệm kỳ. Đến năm 2021 lại "quyết tâm khép kín Vành đai 2", rồi đưa công trình vào mục tiêu trọng tâm trọng điểm năm 2022… Nhưng nay đã bước sang nửa cuối 2023, Vành đai 2 vẫn chưa thể tái thi công.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch từng nói thẳng: "Không thể chấp nhận một TP như TP.HCM mà không có đường vành đai nào kết nối được, toàn đường vành khuyên như thế này". Đó là thời điểm năm 2021, cả TP đang dồn lực chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 TP.HCM. Tuyến đường trọng điểm này cũng vừa mới chính thức khởi công tháng 6 vừa qua đúng như kỳ vọng của lãnh đạo TP. Song ngày khởi công Vành đai 3, TS Trần Du Lịch vẫn khẳng định với Thanh Niên: "Chừng nào TP.HCM chưa khép kín được Vành đai 2 thì đường vành đai vẫn là đường vành khuyên" .
Luôn được đem ra so sánh với TP.HCM về tốc độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống vành đai khá hoàn chỉnh khi đã lên kế hoạch triển khai đường vành đai số 5 có chiều dài 320 km, song thủ đô Hà Nội cũng không thoát khỏi nỗi khổ đường vành đai. Tuyến Vành đai 2,5 dài 19,41 km đã 13 năm ì ạch chưa hoàn thành. Tuyến được chia thành 13 đoạn gồm 4 đoạn đã đầu tư hình thành theo quy hoạch dài 9,59 km; 5 đoạn tuyến đang triển khai đầu tư dài 5,97 km và 4 đoạn chưa được xây dựng dài 3,85 km.
Trong đó, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A thi công từ 9.3.2014 được yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Hiện dự án đã triển khai trên tất cả vị trí đủ điều kiện thi công với chiều dài khoảng 1.381,7 m, tương đương hơn 87%, còn lại khoảng 200 m chưa thể thực hiện do vướng 14 hộ chưa GPMB. Kể từ tháng 1.2022 đến nay, dự án gần như không triển khai thi công.
Tiền có sẵn, vẫn vướng
Tại TP.HCM, hầu hết các công trình gặp phải tình trạng khó khăn không thể tháo gỡ để về đích sớm đều là các dự án thực hiện theo hình thức BT, vướng hành lang pháp lý, phương thức thanh toán. Song trên cả nước, rất nhiều dự án được thực hiện bằng vốn đầu tư công, tiền có sẵn chỉ chờ giải ngân, cũng ì ạch trước vạch đích.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hiện có 30 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 20.300 tỉ đồng được giao cho các sở GTVT/ban quản lý dự án tại địa phương làm chủ đầu tư. Trong số 18 dự án đang thi công, có 10 dự án tiến độ triển khai thi công chậm so với kế hoạch, nhiều dự án không hoàn thành theo đúng kế hoạch trong năm 2022. Cụ thể, dự án QL279B do Sở GTVT Điện Biên làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn khoảng 550 m chưa được địa phương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng, Dự án QL32C đoạn Hiền Lương - TP.Yên Bái do Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư bị lỡ kế hoạch do vướng mặt bằng. Tính đến hết năm 2022, sản lượng thi công dự án này đạt 81% nhưng GPMB mới đạt khoảng 74%, phần mặt bằng còn lại chưa được triển khai do chi phí GPMB vượt khoảng 100 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.
Thông xe đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong tháng 8
Lãnh đạo UBND TP.HCM thông tin trong tháng 8 này sẽ hoàn thiện và đưa vào thông xe đoạn 2,7 km đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kéo dài từ đường Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức). Tuyến đường thông xe sẽ giúp giảm tải ùn tắc trong quá trình thi công nút giao An Phú. Đoạn còn lại hơn 600 m, nối tuyến D11 qua Vành đai 2 chưa thể hoàn thiện do vướng mặt bằng. Tổng tuyến đường dài hơn 3,3 km được khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT với kinh phí 869 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng nhưng bị vướng mặt bằng cũng như thủ tục thanh toán theo hợp đồng BT nên chậm tiến độ.
Lý do vướng mặt bằng cũng khiến dự án QL37 do Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư không thể về đích năm 2022 dù sản lượng thi công dự án đạt khoảng 95%. Theo báo cáo, công tác GPMB mới đạt 93%, phần mặt bằng còn lại chưa được triển khai do chi phí GPMB vượt khoảng 30 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.
Đáng chú ý, dự án QL15A do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, hiện tuyến chính dài hơn 31 km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 15,1 km, đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, đưa vào sử dụng 16,6 km còn lại nhưng vẫn nằm trong nhóm dự án không thể về đích đúng hẹn năm 2022. Nguyên nhân, hạng mục bổ sung tuyến tránh khu di tích lịch sử Truông Bồn (3,16 km) vướng mặt bằng, dẫn đến chậm hoàn thành toàn bộ dự án gần 6 tháng. Tiểu dự án 3 - Dự án QL15 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư cũng trong tình trạng tương tự vì chưa chi trả tiền đền bù GPMB các điểm sạt trượt phát sinh do mưa lũ (khoảng 14 tỉ đồng).
Hàng trăm dự án bất động sản ở TP.HCM vẫn bế tắc
Bình luận (0)