Những dự án vũ khí 'ném tiền' của Mỹ

28/10/2016 10:00 GMT+7

Bộ Quốc phòng Mỹ trong gần 20 năm qua đã chi ít nhất 58 tỉ USD cho các hệ thống vũ khí không tồn tại.

Đó là nội dung trong bản báo cáo nội bộ về hoạt động mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc được Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall công bố hồi đầu tuần này. Ông Kendall là người đảm trách việc mua sắm vũ khí tại Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo tờ tạp chí The Washington Examiner, bản báo cáo đề cập đến 23 dự án phát triển vũ khí tốn kém được thực hiện từ năm 1997 đến nay. Các chương trình đều đã nhận được khoản đầu tư lên đến hàng tỉ USD ngân sách phát triển, song cuối cùng bị hủy bỏ và không có loại vũ khí nào được trình làng.
Trong số 23 chương trình “ném tiền qua cửa sổ” trên, có 8 dự án xài hết khoản tiền được chính phủ Mỹ rót vào nhưng cuối cùng vẫn trở thành con số 0 tròn trĩnh. Tuy vậy, giới chức Lầu Năm Góc khẳng định không phải toàn bộ số tiền trên bị đổ sông đổ biển vì ngay cả khi chương trình bị hủy, các công nghệ đã phát triển đều có thể được áp dụng cho các hệ thống vũ khí khác.
Trong danh sách “yểu mệnh” trên có 2 dự án tốn kém nhất, chiếm tới một nửa khoản ngân sách lãng phí là: hệ thống tác chiến tương lai (FCS) của quân đội Mỹ (tiêu tốn trên 20 tỉ USD), và chương trình phát triển trực thăng tấn công kết hợp trinh sát tàng hình RAH-66 Comanche (ngốn 9,8 tỉ USD), theo tờ The Washington Examiner dẫn nội dung báo cáo.
Trực thăng yểu mệnh RAH-66 Comanche YouTube
Phát triển rồi xếp xó
Được Tham mưu trưởng lục quân Mỹ lúc bấy giờ là ông Eric Shinseki giới thiệu vào năm 1999, FCS được coi là một mạng lưới các phương tiện chiến đấu mặt đất và trên không có người lái lẫn không người lái cho chiến trường thế kỷ 21. Đây là một phần trong việc phát triển các chương trình vũ khí hạng nặng cho lực lượng mặt đất của Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11.9.2001 đã gây ảnh hưởng đến dự án, khiến kế hoạch này phải tạm dừng suốt nhiều năm sau đó.
Đến khi dự án được cho tiếp tục triển khai thì môi trường tác chiến đã thay đổi, khiến chương trình FCS không còn phù hợp trong khi chi phí phát triển đã bị đội lên tới 25%. Cuối cùng vào năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Robert Gates đã ra lệnh hủy bỏ chương trình.
Mất 22 năm triển khai dự án, ngốn gần 10 tỉ USD song không có chiếc trực thăng nào ra đời là kết quả của chương trình phát triển trực thăng tấn công kết hợp trinh sát tàng hình RAH-66 Comanche. Được thai nghén vào thời kỳ Chiến tranh lạnh leo thang, RAH-66 Comanche được kỳ vọng sẽ trở thành thế hệ tiếp theo của loại máy bay trinh sát vũ trang yểm trợ cho lục quân, thay thế các máy bay trực thăng Huey, Cobra và Kiowa đang vận hành lúc bấy giờ. Ưu điểm của RAH-66 Comanche là giảm đáng kể tiếng ồn khi vận hành, song cũng như các máy bay trực thăng cùng thời, nó gặp nhiều khó khăn trong việc cất cánh nếu chở nhiều người. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho ngưng chương trình này vào năm 2004 vì nhận thấy rằng triển khai loại máy bay không người lái (UAV) cho các nhiệm vụ do thám hoặc tấn công đối phương thì hiệu quả và rẻ hơn.
Các dự án gây lãng phí lớn khác còn bao gồm chương trình phát triển vệ tinh NPOESS (tiêu tốn 3,7 tỉ USD). Khi rót tiền cho dự án NPOESS, giới chức Mỹ hy vọng đây sẽ là hệ thống vệ tinh thế hệ mới để theo dõi thời tiết và khí quyển. Không may là chương trình quá tốn kém khi vượt chi phí 25% và chậm tiến độ 5 năm so với dự kiến. Chương trình bị hủy vào năm 2011. Trong danh sách các dự án “ném tiền” còn có chương trình phát triển trực thăng dành cho tổng thống VH-71 (2,7 tỉ USD) và dự án khinh khí cầu phòng không JLENS (2,5 tỉ USD)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.