Những đứa con 'rơi' trên đường số 7

27/04/2019 11:24 GMT+7

Mùa xuân năm 1975, trước tình hình chiến sự khốc liệt, hàng vạn người dân từ TP.Pleiku (Gia Lai) theo đường số 7 (bây giờ là QL25) chạy xuống Phú Yên. Trên đường chạy loạn, có hàng trăm đứa trẻ bị lạc gia đình...

Mùa xuân năm 1975, trước tình hình chiến sự khốc liệt, hàng vạn người dân từ TP.Pleiku (Gia Lai) theo đường số 7 (bây giờ là QL25) chạy xuống Phú Yên. Trên đường chạy loạn, có hàng trăm đứa trẻ bị lạc gia đình và trở thành những đứa con rơi, được người dân địa phương cưu mang, đùm bọc.
Đến nay, 44 năm sau cái ngày khói lửa đó, có nhiều đứa trẻ năm xưa đã tìm được gia đình. Nhưng còn đó những mảnh đời vẫn khắc khoải giấc mơ đoàn tụ với những người ruột thịt. Cũng có hàng trăm gia đình đang đỏ mắt tìm kiếm con em đi lạc năm xưa.

Hành trình đi lạc

Đã nhiều đêm mình mơ thấy mẹ, hình ảnh mẹ cứ chập chờn, hư ảo. Mình đã cố chạy thật nhanh đến bên mẹ, níu lấy áo rồi gào khóc thật to nhưng mẹ không quay lại. Mình cứ đuổi mãi, đuổi mãi nhưng chẳng bao giờ được thấy mẹ dù chỉ một lần
Anh Rơ Ô Sông
Chúng tôi về thăm làng Biah (xã Ia Tul, H.Ia Pa, Gia Lai) vào một ngày tháng 3 nắng cháy. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi muốn tìm hiểu hành trình tìm lại bố mẹ của những người con lưu lạc từ những ngày tháng chiến tranh.
Theo giới thiệu của các cán bộ xã, chúng tôi ghé thăm nhà chị Rơ Ô H’Tuynh, một trong những đứa trẻ đi lạc năm xưa. Nghe tiếng người lạ, chị H’Tuynh kéo cánh cửa chắp vá bằng mấy tấm ván mỏng bước ra chào rồi kéo khách vào nhà. Chị có nước da trắng, khuôn mặt tròn trĩnh phúc hậu nhưng già hơn hẳn cái tuổi 49 của mình. Điều đặc biệt là chị H’Tuynh chẳng hề biết tiếng Kinh nên chúng tôi phải nhờ một cán bộ xã phiên dịch.
Rót chén nước mát mời khách, chị bắt đầu kể về những ngày xưa cũ. Trước năm 1975, cha chị là lái xe cho các sĩ quan quân đội Sài Gòn. Đến tháng 3.1975, cha chị bỗng dưng mất tích không có liên lạc về cho gia đình. Vậy rồi mẹ chị gồng gánh thêm 4 đứa con vừa di tản vừa tìm chồng.
Khi đang di chuyển trên đường số 7, chiếc xe lam không may tông vào một gốc cây. Sau cú va chạm, chị H’Tuynh bị rớt xuống xe. Một xe Jeep của quân đội Sài Gòn đi ngang qua đã bế chị theo. Khi chiếc xe Jeep này đến tỉnh Phú Bổn (nay là TX.Ayun Pa, Gia Lai), những người lính trên xe nhận được lệnh quay lại. Vì vậy họ đem đứa trẻ 5 tuổi gửi cho một người đàn bà Jarai. Cũng từ đây chị bắt đầu hành trình lưu lạc.

Ở lại với làng

Lúc bấy giờ trong làng Biah có gia đình bà Rơ Ô H’Kut vì không có con gái nên đã nhận nuôi đứa bé đi lạc. Bà H’Kut đặt tên đứa trẻ ấy là H’Tuynh - nghĩa là nhặt được. Dù là con nuôi nhưng mẹ H’Kut yêu H’Tuynh lắm. Thế nhưng vì nhà nghèo nên H’Tuynh chẳng được đi học, chẳng được tiếp xúc với người Kinh, suốt ngày quanh quẩn trên nương trên rẫy hoặc đi sau đuôi con bò. Bởi vậy đến nay H’Tuynh không biết chữ và cũng không hề nói được nửa câu tiếng Kinh.
Bà Rơ Ô H’Tuynh tên thật là Hồ Thị Nga Ảnh: Đức Nhật
Bỗng một ngày H’Tuynh hỏi mẹ vì sao tên mình là “nhặt được”. Mẹ H’Kut biết chẳng giấu nổi nên đã kể lại toàn bộ sự việc. Ký ức của H’Tuynh ùa về, cô chợt nhớ ra tên mình là Nga. Thế nhưng đất trời rộng lớn, biết tìm mẹ ruột ở nơi đâu. Vậy nên H’Tuynh chỉ biết chôn chặt nỗi buồn.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô bé đi lạc ngày nào giờ đã thành mẹ. H’Tuynh đem chuyện mình kể lại cho những đứa con, mong rằng chúng sẽ giúp mẹ thực hiện nguyện vọng tìm lại người thân. Năm 2010, người con út của chị H’Tuynh đã gửi hồ sơ từ những ký ức góp nhặt của mẹ mình đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.
Cũng bắt đầu từ đây có hàng chục người đến tìm, nhìn mặt H’Tuynh xong rồi lặng lẽ ra về. Mọi chuyện tưởng chừng chìm vào quên lãng cho đến một ngày tháng 3.2016, có 2 người phụ nữ đến trước bậu cửa nhà sàn chờ đợi. Họ đứng đó nhìn H’Tuynh ra mở cửa rồi vỡ òa trong nước mắt khi nhận ra em gái.
Sau khi xét nghiệm ADN và nhận được người thân của mình, H’Tuynh mới biết tên thật mà cha mẹ ruột đặt cho chị là Hồ Thị Nga. Mấy chục năm từ ngày mất con, gia đình chị vẫn không thôi hy vọng tìm lại. Nhận được gia đình, người thân, H’Tuynh theo họ về thăm nhà ở H.Đăk Đoa (Gia Lai) vài lần rồi trở về làng cũ.
Gia đình luôn thuyết phục H’Tuynh chuyển về H.Đăk Đoa cho gần chị gần em nhưng H’Tuynh không muốn đi, cái bụng nhớ làng, nhớ mẹ H’Kut lắm. Thương con, mẹ ruột chị cũng đành chấp nhận để chị toại nguyện và xem như con gái đi lấy chồng xa.
Chị H’Tuynh bảo: “Mình sống với người Jarai lâu quá rồi, quen với phong tục tập quán, giờ sống như người Kinh mình không làm được. Mỗi lần về nhà giỗ cha, mình chẳng biết làm gì, chỉ đứng nhìn các chị em nấu nướng. Mình cảm thấy lạc lõng lắm, không thoải mái, vậy nên mình quyết định ở lại với làng”.

Giấc mộng chập chờn

Chúng tôi tìm đến nhà anh Rơ Ô Sông, cách nhà chị H’Tuynh không xa, cũng là một trong những đứa trẻ đi lạc trong cuộc di tản trên đường số 7 năm ấy. Đón khách bên bậu cửa nhà sàn, người đàn ông mang họ Jarai nhưng máu thịt lại là người Kinh. Anh đứng trước mặt chúng tôi đầy vẻ khắc khổ, ánh mắt xa xăm và u uẩn.
Cuộc đời anh cũng chịu cảnh trôi nổi như nhiều đứa trẻ khác trong thời ly loạn. Tháng 3.1975, trong đoàn người di tản về Phú Yên, Rơ Ô Sông lúc đó mới chỉ là cậu bé 5 tuổi lững thững theo cha mẹ chạy loạn. Chạy đến chân một ngọn núi ở tỉnh Phú Bổn thì Rơ Ô Sông bị lạc bố mẹ. Cậu bé nằm đói lả bên một hồ nước.
Sau khi tìm được người thân, bà Rơ Ô H’Tuynh vẫn mong muốn ở lại làng
Buổi trưa hôm ấy, khi không gian đã im bặt tiếng súng, người phụ nữ Jarai ở buôn Bíh B tên là Rơ Ô Tốt đi lấy nước thì nghe thấy tiếng trẻ khóc mỗi lúc một gần. Bà lặng người khi thấy bên đụn đất cạnh mép hồ, có một đứa trẻ đầu tóc, mặt mũi bám đầy đất cát. Người phụ nữ bế đứa bé về làng và nhận làm con nuôi.
Vậy rồi thời gian cứ thế trôi đi, cậu bé đi lạc ngày ấy chẳng còn một chút ký ức nào về cha mẹ đẻ. Đến cái tên của mình cậu cũng chẳng nhớ. Cùng ăn hạt cơm từ lúa rẫy, cùng uống cái nước ở sông Ba nhưng Rơ Ô Sông không giống với người con trai Jarai. Da trắng hơn, người cao hơn và đặc biệt là đôi mắt thì không thâm trầm, trong trẻo như mắt con trai Jarai.
Một ngày nọ, những người lớn trong làng mới buông lời trêu ghẹo: “Mày là người nhặt được, không phải sinh ra trong làng này đâu. Mày không phải con mẹ Tốt đâu”. Lúc ấy Sông giận lắm, nhưng chẳng biết phải nói thế nào, chỉ chạy một mạch về hỏi mẹ.
Người mẹ khi nghe đứa con trai hỏi dồn đành thú nhận đã nhặt được Sông trong thời loạn lạc. Từ đây Rơ Ô Sông bắt đầu hành trình đi tìm mẹ ruột, người thân đằng đẵng hàng chục năm trời. “Mấy chục năm nay tôi liên tục viết thư, với chỉ một nội dung vỏn vẹn tìm cha mẹ. Những lá thư ấy được gửi đi khắp nơi, để rồi lại chờ đợi trong vô vọng”, Rơ Ô Sông kể.
Rơ Ô Sông cũng đã nhiều lần viết thư gửi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly trên VTV để tìm hy vọng gặp lại bố mẹ đẻ. Nhưng nhiều năm qua mọi tin tức vẫn bặt tăm.
Anh kể rằng đã có hàng chục người đến tìm anh để nhận người thân, nhưng khi thử ADN xong họ lại lẳng lặng ra đi. Cũng có một số người vì thương cảm cho số phận của anh nên đã kết nghĩa anh em cùng giúp nhau tìm lại gia đình.
“Đã nhiều đêm mình mơ thấy mẹ, hình ảnh mẹ cứ chập chờn, hư ảo. Mình đã cố chạy thật nhanh đến bên mẹ, níu lấy áo rồi gào khóc thật to nhưng mẹ không quay lại. Mình cứ đuổi mãi, đuổi mãi nhưng chẳng bao giờ được thấy mẹ dù chỉ một lần”, anh Sông thở dài rồi ném ánh mắt buồn rười rượi ra ngoài khoảng sân nắng cháy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.