'Những đứa trẻ Chanchu' vào giảng đường

28/08/2014 02:00 GMT+7

Tám năm trước, khi cơn ác mộng Chanchu ập xuống những làng chài nghèo miền Trung, khó mà nhìn thấy tương lai ở những đứa trẻ đen nhẻm, đầu trần chân cát. Giờ đây, cùng với nắm nhang trên tay cắm vào những ngôi mộ gió, những đứa trẻ ấy chia sẻ với cha niềm vui vào ĐH.

 Hai mẹ con tân sinh viên Nguyễn Thị Hồng Yến với nỗi lo chi phí trước thềm năm học mới - Ảnh: AN DY
Hai mẹ con tân sinh viên Nguyễn Thị Hồng Yến với nỗi lo chi phí trước thềm năm học mới
- Ảnh: An Dy

Đi qua những ngày gian khó

Giữa cơn bão Chanchu, tháng 5.2006, khi ông Vương Tấn Hưng (ngư dân xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam) và người con trai cả vĩnh viễn nằm lại giữa ngư trường Hoàng Sa, ông đã không bao giờ hình dung được những đứa con của ông đánh vật với giấc mơ chữ nghĩa và bước chân vào giảng đường ĐH như thế nào.

Ngày ấy, Vương Thị Tín (con gái út ông Hưng) vừa tròn 10 tuổi. Cô bé Tín khi đó chỉ biết đứng nhìn mẹ vật vã trước sự ra đi quá đột ngột của cha và anh. “Mẹ khóc suốt, khóc xong mẹ lại gồng dậy đi gánh cá thuê. Hồi đó, mỗi gánh cá của mẹ chỉ được 2.500 đồng, gánh hơn chục gánh mỗi ngày mới mua được thức ăn cho bầy con 4 đứa. Chị em em bảo nhau chỉ biết học, học và học”, giọng Tín nghẹn lại khi nhắc đến cha.

Ngày nghỉ cuối tuần, rồi ngày hè, lễ tết, mấy chị em Tín lầm lũi lao ra chợ từ 4 giờ sáng để tranh mua từng con cá bò. Rồi cả ngày ngồi làm thuê cho xưởng cá bò để dành dụm từng ngày công trang trải chi phí học hành, sách vở. “Làm ở xưởng cá bò rất cực, mùi tanh khủng khiếp lắm dù đã đeo đến 2 lớp khẩu trang. Nhiều khi “mắc” lắm, cũng không dám rời vị trí vì sợ mất chỗ… Nhưng đổi lại, với tiền công mỗi ngày 100.000 -150.000 đồng, đó là khoản thu nhập thực sự rất hấp dẫn đối với những đứa trẻ ở làng chài nghèo quê em”, Tín chia sẻ.

Cứ như vậy, anh và chị kề của Tín lần lượt vào ĐH. Công thức chung để có thể đi đến hết con đường ĐH của những cô cử, cậu cử tương lai ở “làng Chanchu” là học thật giỏi để kiếm học bổng. Thời gian nghỉ thì làm thêm kiếm tiền trang trải học phí, sinh hoạt, hạn chế tối đa viện trợ từ gia đình. Giờ biết mình đậu Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), Tín dặn lòng sẽ theo anh, theo chị tự tin, mạnh mẽ để mẹ bớt sốt ruột vì chuyện tiền nong, cơm áo.

Võ Thị Bin cũng là tân sinh viên Khoa Sư phạm tiếng Trung (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng). Giữa lúc làng quê tang tóc, đau thương sau cơn bão Chanchu, Bin lặng lẽ rời xa mẹ và hai em nhỏ. “Hồi ba mất, các bác bên họ nội, họ ngoại cũng không ai trở về, cả dòng họ đối diện với mất mát, chia ly. Khi làng Hy vọng Đà Nẵng đến nhận mỗi gia đình nạn nhân bão Chanchu một thành viên về làng nuôi dưỡng, em đã đi theo. Khi ấy chỉ nghĩ bớt một gánh nặng cho mẹ. Phải học thật giỏi để là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho mẹ, cho hai em”, giọng Bin buồn nhưng đầy quyết tâm.

Với Nguyễn Thị Hồng Yến (xã Bình Hải, H.Thăng Bình), ngày bố đi trên tàu câu mực với 12 ngư dân trong làng rồi gặp bão, không về, con đường đến trường của chị em Yến dài thêm ra. Mẹ Yến làm thuê đủ kiểu từ gánh tôm gánh cá, dọn hồ tôm mỗi ngày kiếm 50.000 đồng mới nuôi được 4 miệng ăn. Thương mẹ nhọc nhằn nên chị em Yến sống tằn tiện từng ngày để được đến trường. “Mấy năm qua, hai chị em nó đèo nhau đi học cách nhà cả chục cây số, ở nhờ nhà tình thương, tuần mới về một lần, mà mỗi lần về chỉ lấy đúng 100.000 đồng”, chị Phạm Thị Bích (mẹ Yến) nói trong nước mắt.

Con đường phía trước

Con vào ĐH, ở làng chài nghèo ai cũng chung vui nhưng những người mẹ thì lo đến thắt ngực.

Hồng Yến quyết định chọn học Trường CĐ Lương thực thực phẩm (Đà Nẵng) để phù hợp với học lực, với điều kiện gia đình. Biết chi phí ăn ở, học hành, đi lại tít ngoài Đà Nẵng cũng ngót nghét 1,5 triệu đồng/tháng nhưng em không dám bàn gì với mẹ. “Chưa đi học mà nó đã tính chuyện không về, kẻo tốn tiền đi lại, mà phải dành thời gian tranh thủ làm thêm bưng bê quán xá kiếm tiền. Một mình ra thành phố học mà dám nói mẹ đừng lo chuyện gửi tiền cho con. Biết nó nói lì cho mình yên tâm, nhưng không lo sao được”, chị Bích nói mà giọng rưng rưng.

Khi nghe hỏi về những tháng ngày sắp đến, Tín cúi đầu không nói lời nào rồi lẳng lặng đến trước bàn thờ thắp hương cho cha và anh hai.

Ngày mai, gánh tôm, gánh cá trên đôi vai của những người mẹ ở “làng Chanchu” sẽ nặng hơn, sẽ oằn xuống để những đứa con của họ yên tâm rời làng, bước chân vào giảng đường. Dù mới chỉ là những bước chân đầu tiên trên con đường còn nhiều gian nan, nhưng họ tin vào nghị lực được thử thách suốt 8 năm qua của những đứa trẻ Chanchu trên vùng cát trắng.

Tiếp sức đến trường

Trong cơn bão Chanchu (2006), 2 xã Bình Hải, Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam) có 99 người chết, nhiều gia đình mất 2 - 5 người thân. Nhiều đơn vị đã có mặt kịp thời hỗ trợ các gia đình nạn nhân Chanchu, tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua khó khăn, mất mát,  trong đó có Báo Thanh Niên. Suốt 5 năm liền sau đó, học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên đã đến với hàng trăm con em nạn nhân bão Chanchu, tiếp sức cho các em đến trường, ngăn dòng bỏ học, nhiều em trong số đó đã thi đậu vào các trường ĐH, CĐ.

An Dy

>> Rắc rối chứng tử nạn nhân bão Chanchu
>> Trao học bổng cho con em nạn nhân bão Chanchu
>> Học bổng Nguyễn Thái Bình cho con em nạn nhân bão Chanchu
>> Nghĩa tình sau bão Chanchu
>> Chung tay vì con em nạn nhân bão Chanchu
>> Con nạn nhân bão Chanchu tiếp tục được đến trường…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.