Những đứa trẻ đi học theo ca

29/03/2014 09:10 GMT+7

(TNO) Mới tờ mờ sáng nhưng điểm giữ trẻ của cô Thủy (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương) đã đông trẻ. Đứa gào khóc, đứa mếu máo, đứa ngồi ngủ gật... trông rất đáng thương.

Điểm giữ trẻ của dì Năm
Điểm giữ trẻ của dì Năm 

Đi nhà trẻ từ 5 giờ 30 sáng...

Bé Hằng, 1 tuổi rưỡi là người đến sớm nhất. Bé được mẹ gửi ở nhà trẻ cô Thủy từ lúc mới 6 tháng tuổi. Dù đã quen với cảnh phải đi nhà trẻ khi trời chưa sáng hẳn nhưng ngày nào Hằng cũng khóc.

Khi đang ngủ gật trên xe máy, bị mẹ nhấc xuống khỏi ghế, Hằng giật mình đánh rơi nắm xôi trong tay và òa khóc. Mẹ bé cúi nhặt xôi lên cho con và cằn nhằn cái thói hay khóc của Hằng khiến chị mấy lần suýt trễ giờ. Cô Thủy vừa mở cửa thì mẹ bé Hằng phóng xe đi ngay mà không kịp dặn dò con một tiếng. Hằng cầm nắm xôi trong tay và chạy theo gọi “mẹ, mẹ” bằng cái giọng chưa tròn chữ.

Cô Thủy vừa ẵm Hằng lên dỗ dành thì có thêm 5 bé khác được đưa đến gửi, trong đó có bé My mới 7 tháng tuổi.

Thấy My đang ngủ ngon giấc nên cô phải đặt Hằng xuống và ẵm My vào nhà. Bé Hằng khóc toáng lên khiến 4 đứa trẻ khác đang ngủ gục trên xe máy bật dậy òa khóc. Những ông bố, bà mẹ không kịp dỗ dành con mà thả xuống đất, phó mặc cho cô giáo và phóng xe đi. 

Cô Thủy bảo là các công ty dạo này khó lắm, chỉ cần trễ 1 phút thôi cũng trừ 200-300 ngàn đồng tiền chuyên cần của cả tháng. Vì thế khi đứa con đến nơi là họ phải đi ngay, mãi đến 10 giờ nghỉ ăn trưa mới gọi điện về hỏi thăm con.  

Điểm giữ trẻ nhà cô Thủy
Điểm giữ trẻ nhà cô Thủy

Nhà trẻ của cô Thủy có 12 bé, đều là con của những cặp vợ chồng công nhân đang làm việc tại các công ty trong KCN Việt Nam - Singapore và những công ty trên địa bàn TX.Thuận An, Bình Dương. So với các nhà trẻ tự phát trong khu vực này thì nhà cô Thủy rộng rãi, mát mẻ nhất và phí cũng cao nhất, từ 900.000 đồng - 1,2 triệu đồng/tháng. Những bé dưới 1 tuổi sẽ lấy phí cao hơn vì cô phải lo bữa sáng và bữa trưa, có khi cha mẹ tăng ca từ 6 giờ đến 18 giờ thì cô lo luôn bữa tối. Nhà cô đón trẻ từ 5 giờ 30 sáng và mãi đến 23 giờ mới hết giờ trả trẻ. Những bé nào phải gửi thêm giờ cha mẹ tăng ca thì cô lấy 8.000 đồng/tiếng.

 

Hiện nay, nhiều công ty tại khu công nghiệp phân giờ làm việc cho công nhân theo ca. Ca 1 làm từ 6 giờ đến 14 giờ; ca 2 làm từ 14 giờ đến 22 giờ.

Ngày thường, tăng ca chỉ 4 tiếng, còn ngày thứ 6 và thứ 7 thì những công nhân đi ca 1 thì làm từ 6 giờ sáng đến 18 giờ, công nhân đi ca 2 sẽ làm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng mai. Vì thế, cha mẹ đi làm ca nào thì con cũng phải đi gửi theo ca đó.

Chị Nguyễn Thị Linh, công nhân Công ty Fashion Line (KCN Việt Nam - Singapore) chia sẻ, trước đây ăn lương thời gian, mỗi giờ tăng ca chỉ được 4.000 đồng, không ai muốn làm thêm. Bây giờ ăn lương theo sản phẩm, có khi mỗi tiếng làm được 50.000 đồng nên phải chấp nhận gửi con để kiếm thêm tiền. Bé nhà chị Linh đã hơn 2 tuổi và cũng gửi nhà cô Thủy từ lúc 6 tháng tuổi.

... 23 giờ đón về

Nếu như từ 22-23 giờ đi qua các khu trọ công nhân tại KP.Bình Hòa (phường Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương), chúng ta sẽ thấy những em bé đứng ôm gác chắn cửa ngóng ra đường khóc. Người dân nơi đây cho biết đó là những đứa trẻ con của công nhân đi làm ca 2 (từ 14 giờ - 22 giờ), chúng đứng đợi bố mẹ tới đón.

Anh em bé Minh, Na (3 tuổi và 2 tuổi) đang gửi tại điểm giữ trẻ của dì Năm. Bố mẹ hai bé quê ở một huyện miền núi nghèo thuộc tỉnh Nghệ An. Vì ngoài quê quá cực khổ, khắc nghiệt nên vào Bình Dương lập nghiệp từ giữa tháng 2 năm nay.

Ngoài làm việc tại công ty, ngày nào không tăng ca thì chồng chạy xe ôm, vợ rửa chén tại quán lẩu còn hai đứa con gửi cho dì Năm.

Dù dì Năm quy định trễ nhất là 23 giờ phải đón trẻ nhưng bé Minh, Na ngày nào cũng được bố mẹ đón khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Vì thế, đêm nào Minh và Na cũng đứng trước cửa ngóng bố mẹ.

Phí gửi trẻ tại nhà dì Năm chỉ 500.000 đồng/tháng và không lấy thêm tiền tăng ca. Vì thế, rất nhiều công nhân muốn đem con đến gửi cho dì Năm nhưng phòng trọ quá chật, dì chỉ nhận tối đa 6 bé.

Đường Lái Thiêu trong KP.Bình Hòa được đánh số theo thứ tự LT 1, LT 2…, mỗi đoạn đường dài chưa đầy 2 km nhưng đường nào cũng có 3 - 4 điểm giữ trẻ. Đường LT 17 ngoài điểm của dì Năm còn có của dì Tám, cô Chung, bà Việt. Còn đường LT 14 thì có điểm giữ trẻ của cô Tâm, cô Phượng, dì Út, dì Vân… Hiểu được khó khăn của công nhân trong việc gửi con đi làm theo ca nên những nơi này đều mở cửa đón trẻ từ 5 giờ 30 và trả trẻ lúc 23 giờ.  

Bảo Thiên

>> Giữ trẻ mầm non ngày giáp tết
>> Nhập nhằng dạy thêm, giữ trẻ hộ
>> Nở rộ dịch vụ giữ trẻ
>> Xây nhà giữ trẻ cho công nhân
>> Giữ trẻ sau giờ tan trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.