Nhiều bậc phụ huynh chỉ phát hiện con mình có những biểu hiện bất thường khi trẻ đến tuổi đi học, gặp nhiều vấn đề, từ chuyện học hành đến những mối quan hệ với bạn bè trong lớp... Lúc đó họ mới tá hỏa cho con đi khám chữa.
Khi trẻ có “mô tơ” trong người
Chúng tôi đến phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) một sáng cuối tuần và bắt gặp không ít phụ huynh dẫn con đến đây khám. Thoạt nhìn, những đứa trẻ này cũng giống như bao đứa trẻ khác, nhưng nếu chịu khó quan sát một chút, sẽ thấy chúng thường không chịu ngồi yên, tay chân táy máy, chạy nhảy lung tung, thậm chí có đứa còn la hét um sùm. Con trai chị Tr.T.H, ở Q.10, được 5 tuổi, đang cầm điện thoại ngồi chơi bên mẹ một cách ngoan ngoãn trong lúc chờ đến lượt khám, chưa đầy 1 phút sau, đã vội vứt điện thoại sang một bên, chạy lăng xăng, hết ngó bên này đến dòm bên kia, hết leo lên ghế lại trườn xuống đất… Với vẻ mặt đầy lo âu, chị H. nói: “Lúc đầu nghĩ con hơi hiếu động so với những đứa trẻ khác, nhưng về sau thấy thằng bé quậy phá quá mức, chẳng khi nào chịu ngồi yên một chỗ, nói trước quên sau, không thể tập trung làm được việc gì, dù là việc rất nhỏ, nên tôi dắt cháu đi khám và bác sĩ kết luận cháu bị hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Đây là phiên trị liệu thứ 4 kể từ khi phát hiện cháu bị hội chứng này”.
Tương tự chị H., anh Đ.N.Nhà ở Q.Tân Phú có đứa con trai 7 tuổi cũng đang điều trị chứng rối loạn tăng động tại đây. Anh N. cho biết: “Do hay đọc các bài báo về sức khỏe nên khi nhận thấy những biểu hiện khác thường của con, tôi đã ngờ ngợ. Lại thêm, cô giáo cháu thường xuyên gọi tôi lên nói chuyện. Cháu là điển hình về nghịch ngợm trong lớp, cô giáo vừa nói xong là vi phạm nội quy của lớp ngay, nên tôi cho đi khám và không ngoài dự đoán của mình, con tôi bị rối loạn tăng động giảm chú ý”.
tin liên quan
Rối loạn tăng động ở người lớn, phải làm sao?Xưa nay, nhiều người vẫn nghĩ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) chỉ có ở trẻ nhỏ, nhưng thực tế chứng bệnh này cũng ảnh hưởng đến người lớn, nhưng ít được chú ý.
Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh - Khoa Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược, rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp nhiều nhất ở lứa tuổi tiền tiểu học và tiểu học. Tiền tiểu học tức là những lớp cuối cùng của mẫu giáo, như: chồi, lá.
Những triệu chứng đầu tiên của rối loạn tăng động giảm chú ý thường xuất hiện trước 5 tuổi. Trẻ bị chứng rối loạn tăng động thường không chú ý đến lời ai nói, chúng luôn vận động nhiều một cách bất thường, như thể có “động cơ” gắn trong người. Các bé cứ chạy nhảy liên tục, phá phách không biết mệt, không hề tập trung hay kiên nhẫn trong bất kỳ hoạt động nào như: không xếp hàng được, không chờ đợi đến lượt mình, cô chưa hỏi hết câu đã nhảy vào trả lời, bạn đang chơi nhảy vào phá... Bé cũng không chịu ngồi yên một chỗ và ghét những trò chơi đòi hỏi tập trung như vẽ tranh, nghe kể chuyện. Bé có thể rất hay giận dữ nhưng cũng sẽ quên ngay, không hờn khóc, nhõng nhẽo, nũng nịu, mách thầy cô, bố mẹ như những trẻ bình thường cùng lứa tuổi. Bé chẳng quan tâm tới ai, từ bạn bè cho đến thầy, cô. Việc giảm tập trung chú ý và tăng động bộc lộ thường xuyên trong ngày và trong mỗi ngày, chứ không phải 1 tháng xuất hiện 1 lần.
tin liên quan
Thời hiện đại nhiều thứ làm ta 'hại điện'Theo trang Webmd, có một vài yếu tố không ngờ sau chính là rào cản khiến công việc và chất lượng cuộc sống giảm sút một cách rõ rệt.
Nguyên nhân gây rối loạn tăng động
Hiện nay, nguyên nhân gây ra hội chứng tăng động giảm chú ý đang được nghiên cứu, nhưng người ta tìm thấy có yếu tố của thần kinh, tức là trong não những chất dẫn truyền thần kinh bị thay đổi nên khiến đứa bé bị tăng động. Điều này giải thích lý do vì sao có đứa bé mới 1 tuổi đã bị tăng động, mới biết đi đã lăng xăng. Bên cạnh yếu tố thần kinh, còn có yếu tố di truyền, tức nếu phả hệ trong gia đình có nhiều người bị rối loạn tăng động giảm chú ý thì nguy cơ các đời sau cũng dễ bị mắc; hơn nữa một số nghiên cứu cũng tìm thấy những đứa trẻ sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ bị rối loạn tăng động cao hơn những đứa bé sinh đôi khác trứng. Và cuối cùng là sự tham gia của yếu tố tâm lý. Những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có cha mẹ thường xuyên cãi vã, xuất hiện bạo lực gia đình hoặc những đứa trẻ bị ngược đãi và bạo hành về mặt tinh thần hay thể xác cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh này.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh cho biết người lớn vẫn bị rối loạn tăng động nhưng sự tăng động ở người lớn là do hậu quả của việc kéo dài bệnh này từ thuở thơ ấu cho đến lúc trưởng thành mà không được điều trị. Cần nhớ rằng, biểu hiện của tăng động giảm chú ý phải xuất hiện trước 7 tuổi, nếu trường hợp tự dưng đến tuổi trưởng thành được chẩn đoán là rối loạn tăng động thì coi chừng đó có thể là bị hưng cảm, rối loạn lưỡng cực hay rối loạn hành vi.
tin liên quan
Thiếu ngủ, chớ coi thường!(TNO) Chúng ta khá quen thuộc với những dấu hiệu cho thấy cơ thể cần được nghỉ ngơi nhiều như: ngáp vô tận, mắt nặng, và ngủ li bì trong những ngày cuối tuần.
Làm gì khi trẻ bị rối loạn tăng động?
Đối với một đứa trẻ tăng động, cách hiệu quả nhất hiện nay là điều trị bằng thuốc, điều trị bằng tâm lý và bằng biện pháp giáo dục, mặc dù trong nhiều trường hợp, có trẻ không cần dùng thuốc, có trẻ lại bắt buộc dùng thuốc, tùy theo mức độ nhưng dù với mức độ nào, việc điều trị bằng tâm lý và giáo dục là bắt buộc phải có, bác sĩ Minh chia sẻ.
Điều trị tâm lý phải làm sao hiểu được đứa trẻ nhằm tìm ra nguyên nhân nào ẩn chứa sự xung động, tăng động đó để giúp đứa trẻ có thể phóng chiếu ra hết cảm xúc tiêu cực, giảm bớt những hành vi tiêu cực. Trị liệu bằng giáo dục đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và những người chăm sóc, như nhân viên y tế. Tất cả phải phối hợp với nhau để có cách giáo dục nhất quán, bởi nếu không thống nhất được cách dạy, viêc trị liệu sẽ không đạt được hiệu quả.
Bình luận (0)