Những đứa trẻ không có Trung thu

12/09/2011 20:06 GMT+7

(TNO) Khi thành phố chuẩn bị lên đèn, các em lại xuất hiện, hầu hết đều còn rất nhỏ, nhưng đã phải bỏ quên tuổi thơ của mình sau lưng để lao vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền.

Bức tranh tương phản

Quốc lộ 49 (đường Phạm Văn Đồng, TP Huế), khi các nhà hàng chuẩn bị đón từng đợt khách đến ăn uống thì chúng cũng tấp nập đến. Trên tay bưng từng rổ lạc rang đã khăng bì cẩn thận, chúng nhanh nhẩu đến mời một cách nhiệt tình. Nụ cười xuất hiện khi một vị khách nào đó mua giùm một bì lạc. Rồi chúng lại tản ra và tiếp tục mời hàng. Nhiều ánh mắt xua đuổi nhưng không vì thế mà chúng nản lòng, phải cố này nì đến mức có thể.

Khi địa bàn buôn bán đã ế, chúng di chuyển sang địa bàn khác ở đường Lê Hồng Phong và Đống Đa (TP Huế). Mồ hôi nhễ nhại, vẻ thấm mệt hằn lên từng khuôn mặt đen đúa, hốc hác, nhưng khách vẫn còn ngồi đó, phải bán. Nhìn những thức ăn trên bàn, hai mắt của chúng lại bừng sáng nhưng rồi nhanh chóng vụt tắt vì sự thèm muốn ấy là điều không thể. Mọi người vẫn mãi mê với những ly bia.


Mời khách mua lạc - Ảnh: Tuyết Khoa

Phố Trịnh (đường Trịnh Công Sơn, TP Huế), phố Hàng Bè (đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế), cứ tầm 17 - 18 giờ, bên cạnh những chiếc xe tay ga đời mới, những chiếc ô tô sang trọng là những đứa trẻ lem luốc đang đứng bàn bạc "thị trường tiêu thụ lạc" những “thương gia” nào đạt quán quân hôm qua. Chợt thấy ai bước vào quán là chúng lại tạm dừng câu chuyện để tiếp cận mời chào.

Chúng là lũ trẻ chừng 6 đến 15 tuổi, hợp thành đội quân bán lạc đông đảo. Hai đội quân, địa bàn rõ ràng, nam và bắc sông Hương, hoạt động theo nguyên tắc bất thành văn “nước sông không phạm nước giếng”. Đêm đêm lại phân tán ra những tụ điểm ăn uống. Tạo nên hai thế giới, ăn chơi và lam lũ, đối nghịch nhau.

Đứng ngoài cuộc vui

Tháng tám. Khi những tiếng trống lân đã râm ran mọi ngõ phố. Hầu hết trẻ em trong thành phố đều hào hứng với những chiếc đầu lân được cha mẹ mua tặng. Trên dọc hành trình của mình, đội quân bán lạc thỉnh thoảng lại dừng chân. Chúng nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa đang nhảy múa tung tăng với những chiếc đầu lân mới tinh chúng thèm lắm, nhưng trên tay vẫn còn những rổ lạc “nặng trĩu”. Chúng đành bước tiếp.

Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện toàn tỉnh có gần 500 trẻ em bươn chải kiếm tiền ở xa và lang thang, 343 trẻ em phải lao động sớm và 17.438 trẻ em sống trong các hộ nghèo đang có nguy cơ phải bỏ học để lao động sớm.

HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh công tác chăm sóc trẻ em tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, với mục tiêu tổng quát tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp kịp thời để vượt qua khó khăn, có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển và hòa nhập. Hàng năm, bố trí từ 0,15 - 0,2% ngân sách chi thường xuyên của tỉnh để thực hiện.

B.N.L

Lần theo những bước chân nhỏ nhắn, lam lũ ấy, tôi đã đến xóm cư dân vạn đò, nơi xuất phát của đội quân bán lạc. Đội nam sông Hương là con em của khu tái định cư xóm Chồ thuộc tổ 14, khu vực 5, phường Vĩ Dạ. Đội bắc sông Hương là con em của khu tái định cư Phú Hậu.

Xóm Chồ gồm 27 hộ, nhà nào có con nhỏ đều đi bán lạc, có nhà ba đứa. Nếu ai đã từng đến đây, nhìn những túp lều tạm bợ, có lẽ sẽ hiểu được vì sao những đứa trẻ nơi đây sớm bị cuốn vào đời của nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trong đó, đa số các em đều nghỉ học, chỉ có một số em còn đến trường.

Em Võ Thị Na ngây thơ nhìn rổ lạc rang nói với tôi: “Em nghỉ học rồi, nhà nghèo, ba mẹ em đều đi phụ thợ nề. Em thích đi học như mấy bạn ở xóm trên”. Nhìn vẻ mặt buồn ưu tư ấy, tôi không nghĩ rằng em chỉ là một đứa trẻ 7 tuổi.

Chị Hà Thị Giơn (43 tuổi), nhà ở xóm Chồ, buồn bã tâm sự: “Mấy đứa trong xóm không đi bán lạc thì lấy gì mà ăn. Như nhà tôi, chồng mất 13 năm rồi, để lại 6 đứa con, 3 đứa lớn thì không bán, còn 3 đứa nhỏ chiều nào mà chẳng đi bán”.

Chị Ngô Thị Nguyệt (50 tuổi, sống ở khu tái định cư Phú Hậu) cho biết: “Lũ trẻ ở đây tội lắm, nhiều đứa phải đi bán từ trưa. Khoảng 12 giờ là chúng đến nhà tôi lấy lạc, rồi chúng đi bán tới 9 - 10 giờ tối mới về”.

Chị Nguyệt cho biết thêm, hằng ngày, mỗi đứa lấy khoảng 3kg tương đương 18 lon, giá hiện tại là 25.000 đồng/kg lạc luộc. Nhưng không phải lúc nào cũng bán được như thế. Trời mưa lạnh thì bán được hơn nhưng vất vả thì khỏi cần phải nói.

Và sau khi lấy lạc ở chị Nguyệt, những đúa trẻ lại tỏa ra mọi ngõ phố. Trương Thị Ly (14 tuổi, sống ở phòng A11, khu tái định cư Phú Hậu) và anh trai của mình chọn phố Trịnh bên bờ sông Hương để bán lạc. Ly cho biết: “Mẹ đi làm ăn xa cách đây 2 năm, bố làm thợ mộc, thường hay say xỉn. Hai em phải tự kiếm sống”. Nói rồi, cô bé quay mặt đi như muốn lảng tránh hoàn cảnh của gia đình mình.

Đêm về khuya, những con đường vắng dần, cả thành phố chìm vào giấc ngủ, chỉ còn lại những quán nhậu còn lai rai phút chót. Đội quân bán lạc lại í ới gọi nhau trở về. Khép lại đằng sau những lời xua đuổi, chua chát của người lớn, chúng trở về với nụ cười khi đã bán hết hàng. Lúc này thì tiếng trống lân xập xình cũng đã chìm sâu vào đêm vắng.

Bài và ảnh: Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.