Những đứa trẻ ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông ở TP.HCM: Cha mẹ đau đớn, kiệt quệ vì con

Phạm Hữu
Phạm Hữu
17/11/2024 14:15 GMT+7

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho biết, người đi bộ trên đường có khả năng tử vong đến 80% nếu bị va chạm giao thông ở tốc độ 50 km/giờ.

90% cơ hội sống sót nếu người đi bộ bị va chạm ở tốc độ 30 km/giờ trở xuống. Các số liệu nghiên cứu thống kê trên được rút tại các hội thảo quốc tế.

Sáng ngày 17.11, Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM được tổ chức tại Công viên Văn Lang (Q.5, TP.HCM) do Ban ATGT TP.HCM chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cùng Tổ chức Y tế Công cộng toàn cầu Vital Strategies trong khuôn khổ dự án sáng kiến "Vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu tại TP.HCM" giai đoạn 2015 - 2025.

19 trẻ chết do tai nạn giao thông ở TP.HCM

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024 về TNGT và xử lý vi phạm liên quan đến tuổi học sinh (từ 6 đến dưới 18 tuổi)

Trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 145 vụ (185 trẻ em), làm 19 trẻ chết; 78 trẻ bị thương. Đa phần các lỗi vi phạm giao thông bị phát hiện như: chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy: 9.435 trường hợp; giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển 4.899 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 649 trường hợp; điều khiển xe không có giấy phép lái xe 189 trường hợp; vi phạm tốc độ 288 trường hợp; chở quá số người quy định 129 trường hợp; nồng độ cồn 25 trường hợp; đi ngược chiều đường 1 chiều 22 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm tra 8 trường hợp.

Những đứa trẻ ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông ở TP.HCM: Cha mẹ đau đớn, kiệt quệ vì con- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Lợi (áo trắng) cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan dâng hoa tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024

Ảnh: Phạm Hữu

Ngoài ra, trong một khảo sát nhiều người tại TP.HCM, kết quả có 71,8% số người được hỏi đã trả lời do vi phạm luật giao thông là "không nhìn thấy cảnh sát giao thông"; 55% trả lời do "làm theo người khác"; 56,8% trả lời do nghĩ rằng "chạy trên đường sẽ né được cảnh sát giao thông…"

Ông Lợi dẫn chứng thêm số liệu nghiên cứu được công bố tại các hội thảo quốc tế, lái xe vượt quá 5% tốc độ quy định làm tăng 10% tỉ lệ tai nạn, và 20% tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông; người đi bộ có khả năng tử vong đến 80% nếu bị va chạm ở tốc độ 50 km/giờ; người đi bộ có đến 90% cơ hội sống sót nếu bị va chạm ở tốc độ 30 km/giờ trở xuống.

Những đứa trẻ ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông ở TP.HCM: Cha mẹ đau đớn, kiệt quệ vì con- Ảnh 2.

Thân nhân các nạn nhân khó khăn nhận hỗ trợ

"Như vậy, chúng ta thấy các lý do chính dẫn đến vi phạm đều thuộc về ý thức của người tham gia giao thông. Đó là một thực tế đáng quan tâm đặc biệt về văn hóa giao thông, nhất là đối với thói quen "không thấy cảnh sát giao thông" là cứ chạy và tâm lý "làm theo người khác". Hai yếu tố này cộng hưởng với nhau là nguyên nhân chủ yếu khiến số người vi phạm luật giao thông vẫn còn khá phổ biến và đây cũng là một trong những nguyên nhân thường dẫn đến tai nạn giao thông trong thời gian qua", ông Lợi bày tỏ.

Con gái 9 tuổi ra đi mãi mãi

Chia sẻ về trường hợp của gia đình mình, anh Lê Văn Hiếu (ngụ Q.Tân Phú) nói rằng con gái bị tai nạn giao thông khi đang đi bộ trên đường. Bởi cách đây vài tháng khi vợ đang bán hủ tiếu, còn con gái phụ đi gom tô ở các nhà gần tiệm. 

Khi đi bộ đến một ngã 3 (thuộc Q.Tân Phú) thì bị ô tô 7 chỗ (xe công nghệ) va chạm và cuốn vào gầm xe. Lập tức, bé được nhiều người hỗ trợ, kéo ra khỏi gầm xe đưa đi cấp cứu.

"Trong thời gian cấp cứu con gái tôi bị ngưng tim, may mắn một lúc sau thì phục hồi lại được. Tuy nhiên, sau đó con tôi bị chết não, không biết gì hết, như người thực vật. Tôi và vợ rất đau xót, khổ sở vì con gái mình mới 9 tuổi mà phải sống cuộc đời như vậy. Tôi thấy xót cuộc đời của con gái lắm", anh Hiếu rơi nước mắt nói.

Những đứa trẻ ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông ở TP.HCM: Cha mẹ đau đớn, kiệt quệ vì con- Ảnh 3.

Nhiều thân nhân của nạn nhân bị tai nạn giao thông không giấu được cảm xúc trong lễ tưởng niệm

Sau tai nạn, gia đình anh kiệt quệ về tinh thần lẫn vật chất. Vợ phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc con gái và nuôi mẹ già. Chỉ còn anh bươn chải làm việc kiếm tiền nuôi 4 miệng ăn. Số tiền được nhiều người quyên góp sau tai nạn chỉ đủ chi trả viện phí cho con gái. Do đó, gia đình không còn đủ khả năng để nuôi con khi sự việc xảy ra.

Anh Hiếu nghĩ rằng tình hình giao thông hiện nay rất lộn xộn, nhất là xe công nghệ, dịch vụ càng ngày càng tăng, đồng thời thường xuyên đón khách bừa bãi. Chưa kể nhiều tài xế không lo tập trung chạy xe mà nhìn vào màn hình điện thoại khiến anh rất bức xúc và lo sợ.

Còn kể lại thời điểm mất con gái vĩnh viễn vì tai nạn giao thông, chị Ngô Thị Tuyên (ngụ Củ Chi) bật khóc nức nở. Chị chia sẻ một buổi tối cách đây 3 tháng, chị Tuyên cùng con gái lưu thông trên đường bằng xe máy. Đến một tiệm nước, chị cho xe lên lề và mua nước cho con. Bất ngờ một tài xế điều khiển mô tô trong tình trạng say xỉn tông thẳng từ phía sau khiến chị Tuyên bất tỉnh. Khi tỉnh lại, chị thấy mình nằm ở bệnh viện, chân bị gãy 2 khúc, còn con gái 9 tuổi chết ngay tại chỗ.

Những đứa trẻ ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông ở TP.HCM: Cha mẹ đau đớn, kiệt quệ vì con- Ảnh 4.

Chị Tuyên (áo hồng) có con gái bị mất trong vụ tai nạn giao thông ở H.Củ Chi (TP.HCM)

Gia đình chị Tuyên khó khăn nhưng từ vụ tai nạn lại càng khó khăn hơn. Chị đang làm công nhân may với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng và không đủ chi phí khác. Từ khi con gái mất, chị rất đau buồn, nhiều lúc kinh tế gia đình suy kiệt, phải vay tiền, cầm cố tài sản để lo đám và đời sống gia đình hiện tại.

"Nhiều lúc nhìn hình của con trên bàn thờ tôi không cầm lòng được. Đây là mất mát rất lớn với tôi mà không có gì bù đắp được. Tôi mong những người đi đường tuân thủ quy định pháp luật an toàn giao thông đừng để xảy ra tình cảnh như gia đình tôi bây giờ", chị Tuyên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.