Đến Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã Ân Nghĩa, H.Hoài Ân, Bình Định) những ngày này nắng như đổ lửa. Đại úy Nguyễn Thị Hồng Ái, Đội phó Đội Hồ sơ - Giáo dục Trại giam Kim Sơn, dẫn chúng tôi đến Phân trại 2, nơi có 4 em bé dưới 36 tháng tuổi đang được nuôi dưỡng tại đây. 3 trong 4 em bé này được sinh ra khi mẹ chúng đang là phạm nhân thụ án ở trại giam.
Tặng quà 1.6 cho các cháu - Ảnh: Tâm Ngọc
|
Những cô gái mang con vào tù
“Em không biết sao em làm vậy nữa chị. Mà trước đó, em cũng đi tù một lần rồi chứ. Vậy mà trong lúc túng bấn, mà chủ yếu là lòng tham nổi lên, em lại trộm cắp. Lần vào tù này là do em trộm 3 cái điện thoại trị giá 1,9 triệu với 300.000 đồng tiền mặt. Án của em là 18 tháng, do chưa được xóa án tích nên dù đang mang thai gần 8 tháng, em vẫn phải vào tù”, phạm nhân Nguyễn Thị Thu Thùy (19 tuổi, ở xã Đức Lợi, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) phân trần khi chúng tôi hỏi chuyện.
Thùy kể, cô bỏ học từ lâu rồi học nghề may. Khi trộm điện thoại và tiền từ nơi mình đang làm, Thùy kể có khóc lóc, xin xỏ nhưng người ta bắt tại trận nên không tha. Vậy là ôm bụng bầu sắp sinh ngồi tù trong sự tủi hổ cùng cực. Tuy nhiên, khi vào Trại giam Kim Sơn, Thùy lại được các phạm nhân nữ cùng phòng hết sức sẻ chia. Ngày cô đi đẻ, có tới 3 cán bộ trại giam hộ tống và chăm sóc. Mọi vật dụng, đồ dùng đi sinh đều được cán bộ lo chu đáo. Thùy nói vui: “Chưa chắc ở ngoài em được vậy đâu vì em chưa có chồng. Cái thai này là của bồ em. Nhưng từ đó đến giờ, ảnh cũng không lên thăm mẹ con em lần nào…”
Cùng cảnh với Thùy là Nguyễn Thị Thanh Tịnh (22 tuổi, ở P.Đập Đá, TX. An Nhơn, Bình Định). Tịnh cùng bị án 18 tháng vì tội trộm cắp tài sản. Trước đó, Tịnh đã có 3 tiền án, cũng tội trên. Ngày vào trại, Tịnh không hề biết mình đã có thai hơn 5 tháng. Cô còn ngô nghê hỏi các phạm nhân nữ khác trong phòng: “Sao bụng con có con gì cứ quậy quậy bên trong”. Khi được cho đi khám sức khỏe và biết mình có thai, Tịnh mới ngã ngửa. 22 tuổi, chưa chồng, không nghề nghiệp và vào tù khi bầu 5 tháng. Thậm chí, khi Tịnh vào tù, người yêu của Tịnh cũng không biết, càng không biết đến cái thai vì đang làm ngư dân lênh đênh trên biển đến mấy tháng mới về.
Đọc hồ sơ của Mai Trung Tiết Thảo (29 tuổi, thường trú ở xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, Bình Định) khiến người ta không khỏi rùng mình. Ba mẹ Thảo bỏ nhau, bỏ luôn con khi Thảo còn bé. Thảo sống cùng gia đình nhà nội một thời gian rồi bỏ ra ngoài tự sống. Chưa đầy 30 tuổi nhưng Thảo đã 2 lần bị xử tội trộm cắp tài sản, lần vào tù này là án 8 năm vì buôn bán ma túy. Thảo có chồng rồi ly hôn, sinh tất cả 4 đứa con với 4 người đàn ông. Ngày Thảo vào tù, đứa con nhỏ nhất là Mai Hồ Thanh Hải (sinh năm 2013, khi ấy mới 17 tháng tuổi) phải theo mẹ vào ở trong trại giam vì ở ngoài không có ai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Án tù lâu nhất là Phạm Thị Tanh (31 tuổi, người dân tộc H’rê ở H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) với mức 18 năm vì tội mua bán trẻ em, phụ nữ qua Trung Quốc. Tanh vào tù và không biết mình đã có thai được 2 tháng. Trước đó, Tanh từng bị bắt nhưng do có thai nên được hoãn thi hành án, cho về để sinh con nhưng bị sẩy thai rồi trốn luôn cho đến ngày bị bắt lại. Tanh từng là nạn nhân của nạn buôn người và rồi trở thành người của đường dây đó quay trở lại bản làng để làm việc xấu. Với mức án này, ngày Tanh ra tù thì con gái cũng đã lớn.
Trẻ con không có tội
Đại úy Hồng Ái dẫn chúng tôi đến gặp các bé, chị còn mang theo quà của đơn vị nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 cho các bé vì “ngày lễ của trẻ con, có chút quà cho các cháu mừng”. Ngày lễ, Tết, Trung thu, thậm chí là ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Ban Giám thị Trại giam cũng có quà gửi cho các bé và mẹ. Bé thì bộ quần áo, hộp sữa, hộp bánh, còn mẹ được nhận thêm phong bì 100.000 đồng để mua thêm thứ cần thiết. Đây là sự ưu tiên “vượt khung” mà đơn vị trích từ quỹ riêng để lo cho các cháu.
Vừa thoáng thấy bóng Trung tá Lê Tấn Dư, Phó giám thị Trại giam Kim Sơn, phụ trách Phân trại 2, bé Hải (2 tuổi), con trai của phạm nhân Mai Trung Tiết Thảo đã chạy lại ôm “ông ngoại” rồi sà ngay vào lòng ông nghịch điện thoại. Các bé khác thấy các cán bộ trại giam đến cũng hớn hở vui mừng. Đại úy Ái kể: “Mấy bé ở đây trộm vía trời thương, đứa nào cũng mập mạp, khỏe mạnh và rất ngoan. Cán bộ ở đây còn thường xuyên tặng quà cho các cháu, khi thì bánh, kẹo sữa, khi thì đồ chơi. Nghĩ cũng tội, sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi nên chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm lo cho các cháu”. Mọi khoảng cách theo lẽ thường dường như đang nhường chỗ cho tình người, tình thương nhân văn sâu sắc ở đây, nơi trại giam này.
Trung tá Dư kể, sau khi phạm nhân Tanh sinh con, ông cứ suy nghĩ mãi về việc có nên làm đầy tháng đặt tên cho cháu hay không. Theo phong tục, một đứa trẻ khi được sinh ra dù giàu hay nghèo cũng được người nhà làm cho một lễ cúng đầy tháng kính cáo với ông bà về một thành viên mới được gia nhập vào cộng đồng. Mẹ cháu tuy là phạm nhân nhưng bé sinh ra nào có tội tình gì. Ông về hỏi vợ các thủ tục cúng tế thế nào, chuẩn bị mâm cúng ra sao để sắp đặt. Trung tá Dư kể lại: “Trưa đó đi làm về, thấy mâm cúng bày sẵn có đầy đủ gà, xôi, chè, trái cây, các nữ phạm nhân ôm nhau khóc ròng. Tôi đứng ra đọc bài khấn cho cháu Ánh”.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, cho biết thêm, Ban Giám thị Trại giam đã quan tâm, sắp xếp cho phạm nhân nuôi con nhỏ công việc phù hợp, cho hầm xương heo lấy nước nấu cháo, nấu bột cho bé. Mỗi lần đến lịch tiêm phòng cho trẻ, trại điều xe ô tô chở các cháu xuống Trung tâm y tế huyện để tiêm; đau ốm đột xuất cũng được chở xuống dưới đó khám bệnh cho an tâm. Thượng tá Kỳ nói: “Anh em ở đây thường đùa rằng con của cán bộ chiến sĩ cũng không được hưởng tiêu chuẩn cao như thế. Nói đùa vậy thôi, chứ trẻ con không có tội, ngay cả khi mẹ chúng phạm tội thì các bé cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc, nhất là trong một môi trường vốn không dành cho trẻ như thế này”.
Bình luận (0)