Cùng trẻ rối loạn phổ tự kỷ "tìm lại ước mơ"
Với thế mạnh làm trong lĩnh vực truyền thông, từ năm 2017 chị Nguyễn Lê Thảo Nguyên ấp ủ thực hiện chương trình truyền hình về trẻ rối loạn phổ tự kỷ, lan tỏa thông điệp "trẻ mắc chứng tự kỷ không phải là dấu chấm hết". Chị mong muốn phụ huynh cho trẻ tham gia nhiều hoạt động, tìm kiếm thông tin chính thống, truyền động lực đồng hành cùng con, cho con can thiệp sớm nhưng... "duyên chưa đến".
Vậy là chị bắt đầu tập hợp một nhóm nhỏ gồm các phụ huynh có con từ 3 - 8 tuổi tham gia chương trình vận động tại công viên dịp cuối tuần. Tuyên truyền hình ảnh cha mẹ chơi cùng con. Chị mời các giảng viên, giáo viên thể dục tại các trường đại học, trường quốc tế lên bài tập. Cốt lõi để các con có thêm sức khỏe, giao tiếp, nâng cao vận động. Việc này còn giúp cha mẹ "bỏ điện thoại xuống" - chơi cùng con trong môi trường cây xanh, thiên nhiên gần gũi, trong lành. Các con rời xa điện thoại nhiều nhất có thể vì đó là một trong những nguyên nhân làm trẻ kém giao tiếp.
Đến cuối năm 2022, chị Nguyên cùng ekip thực hiện chương trình Chiến thắng cùng con với sự đồng hành của nghệ sĩ Quyền Linh, hoa hậu H'Hen Niê cùng các nghệ sĩ và chuyên gia.
"Chương trình kêu gọi được nhiều phụ huynh đưa con đến chẩn đoán sớm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 với con số tăng vọt đáng kể, cho thấy sự đóng góp của truyền thông chính thống là cần thiết", chị Nguyên nói.
Tin con làm được: Vì sao trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ngày càng nhiều?
Chương trình kết thúc giữa năm 2023, nữ biên tập viên lại trăn trở về hành trình tiếp theo của các bạn tự kỷ lớn. Sau khi hòa nhập, hết cấp 1 rồi cấp 2, các em sẽ vào đời như thế nào? Cha mẹ đâu có thể ở bên cạnh con mãi? Từ đó, chị và các phụ huynh từng tham gia chương trình nuôi dưỡng dự án Hi Future - Chào tương lai!. Với tiêu chí, các em phải cảm thụ, yêu thích, có cảm nhận, có tư duy cơ bản về việc mình làm, tự lập và làm quen với "nghề" mình chọn.
Suốt một năm hoạt động, các em được hướng nghiệp từ chính những hoạt động nhóm tổ chức. Các em được học cách hiểu mình, tổ chức sự kiện, lên kế hoạch chương trình sắp diễn ra. Với thế mạnh riêng, mỗi em sẽ được phân công vào một nhiệm vụ cụ thể, mang ý nghĩa đặc biệt.
Nhóm có các bạn giỏi làm đồ thủ công, vẽ tranh lên túi vải, lên chai thủy tinh được chị Nguyên tạo điều kiện mở gian hàng tại các buổi workshop. Vừa làm động lực cho "khách hàng phụ huynh", vừa có thu nhập để khích lệ tinh thần các em.
"Nhóm hướng đến sản phẩm làm ra có giá trị ngang với thị trường, không lấy "mác tự kỷ" để kêu gọi khách mua ủng hộ. Tại đây, phụ huynh cũng nhìn nhận được khách quan giá trị chuyên môn trong sản phẩm của con", chị Nguyên nói.
Chào tương lai bằng nghề nghiệp
Một vấn đề chị Nguyên thường gặp trong quá trình tiếp xúc với phụ huynh đó là ba mẹ chỉ nghĩ các con thích hợp với công việc đơn giản, lặp đi lặp lại. Vì thế, họ thường định hướng cho con gia công hàng hoá, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Phụ huynh hầu như chưa thấy đầu ra trong tài năng của con, chưa tin con có thể kiếm tiền. Các bạn nhỏ thành viên nhóm Hi Future chứng minh điều ngược lại với chút thành quả nhỏ.
Ngô Hoàng Minh Quân (14 tuổi) - thành viên nhóm thích nấu ăn, được chị Thảo Nguyên giới thiệu khóa học bếp Á chuyên nghiệp. Với bằng giỏi, Quân chính thức thành đầu bếp nhí. Trong các sự kiện, workshop do nhóm tổ chức, em thường làm các món nước ép, nước xốt để bán.
Chị Hoàng Yến (41 tuổi), mẹ Quân chia sẻ: "Quân được tạo điều kiện thể hiện khả năng nấu ăn của mình. Qua hoạt động bán hàng, con ghi nhớ công thức, sáng tạo món mới và biết cách tính toán tiền thối, tương tác với người lạ tốt hơn".
Tin con làm được: Vì con, mẹ chưa bao giờ bỏ cuộc (kỳ 1)
Còn với chàng trai Quốc Anh (19 tuổi), sau khi bước ra từ chương trình Chiến thắng cùng con, em được Hi Future tạo cơ hội thể hiện tài năng.
"Hiện em đang là 'nhân viên' tập sự ở mảng media. Việc của em là thiết kế poster, chỉnh sửa hình ảnh sản phẩm, quay phim và dựng phim. Mỗi tháng em được trả một khoản thù lao tùy số lượng sản phẩm làm được", Quốc Anh kể.
"Càng làm nhiều, Quốc Anh càng trau dồi thêm chuyên môn. Được làm việc trực tiếp với với người có kinh nghiệm mảng media chuyên nghiệp. Học phong cách làm việc nghiêm túc, đòi hỏi trách nhiệm cao. Quốc Anh cũng phải tự học thêm về công nghệ mới để đáp ứng công việc, học cách ghi chép yêu cầu thiết kế. Chưa đầy 6 tháng, Quốc Anh đã thể hiện được ít nhiều bản lĩnh của mình", chị Thảo Nguyên nói.
Để có được kết quả như hôm nay, phụ huynh đã có một hành trình kiên nhẫn, đầy yêu thương để giúp con hòa nhập. Nhưng càng lớn, khi chương trình học thuật trở nên quá khó, các con cần môi trường học kỹ năng để tự lập và tạo kinh tế cho bản thân.
"Ước mơ về một ngày con sẽ có nghề nghiệp ổn định, ít nhất là có thể tự lo được cho bản thân là hoàn toàn có thể", chị Hồng Liễu (mẹ Quốc Anh) tâm sự.
Trong chủ đề hướng nghiệp do nhóm Hi Future tổ chức, chị Tô Thụy Diễm Quyên - chuyên gia giáo dục toàn cầu, Founder & CEO của InnEdu chia sẻ, điều quan trọng nhất ba mẹ cần hiểu đó là: "Đừng coi trẻ phổ tự kỷ là người tàn tật".
Chị Quyên chia sẻ quan điểm, tương lai robot có thể thay thế con người làm những việc đơn giản. Thế nên, hãy chuẩn bị cho con tư duy và trí thông minh. Thay vì làm giúp con, hãy tập cho con tự làm việc. Đừng sợ trẻ làm sai mà hãy để trẻ làm theo cách của mình. Trước một tình huống, chuyên gia gợi ý cho phụ huynh cần hỏi con giải pháp là gì để khơi tư duy, cách giải quyết vấn đề.
Hãy để con tự đi trên đôi chân của mình và quán triệt điều này với những người xung quanh. Nữ chuyên gia khẳng định niềm tin rằng trẻ phổ tự kỷ nếu được trao quyền và cơ hội thì hoàn toàn có thể tạo nghề nghiệp cho bản thân.
Bình luận