|
Năm nào cũng vậy, cái hạn đến hẹn lại lên với vùng Lìa (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), phủ lên cả một vùng rừng núi rộng lớn một màu vàng úa khô khốc. Năm nay, từ cuối tháng 2 đến giờ, hầu như chẳng có một trận mưa nào đổ xuống nơi đây đủ lớn đủ lâu để làm ướt đất. Nắng hạn kéo dài, đến những loài cây có sức sống mãnh liệt nhất cũng rũ rượi, khô héo rồi chết queo chết quắt.
Chúng tôi lên vùng Lìa để ghi nhận tình hình khô hạn. Cái khát, như hiện rõ trên những khuôn mặt người. Nhưng những hình ảnh về người lớn không làm chúng tôi chạnh lòng bằng đám trẻ nhỏ... Một đồng nghiệp đi cùng tôi chép miệng: “Trẻ con ở vùng này có khi thèm nước còn hơn cả thèm quà bánh, đồ chơi”.
Suối Ca Đắp, nguồn nước duy nhất ở thôn Cu Rông, xã A Xing bây giờ chỉ còn là một dòng nhỏ. Nhưng ở đó, những đứa trẻ vẫn đang hí hửng múc từng gàu nước dội lên đầu hoặc nằm bẹp xuống lòng suối để đủ làm ướt người. “Phải tranh thủ tắm chứ vài hôm nữa mà không mưa thì nước cũng cạn. Có muốn để dành cũng không được”, nhóc Hồ A Tê, đen nhẻm, toét miệng cười để lộ hàm răng trắng nhởn.
Để có cái ăn, ngày ngày bố mẹ các em phải quăng quật trên nương rẫy và việc chuẩn bị nước non cho gia đình là phần việc mà hầu hết những đứa trẻ vùng cao phải cáng đáng. Ở thôn A Mo Rơ (xã A Xing) chúng tôi bắt gặp hai chị em Hồ Thị Cắt, Hồ Thị Cay đang hì hục đẩy cả xe rùa chở nước giữa trưa nắng. “Hồi trước, khi chưa nghỉ hè, em còn phải dậy sớm để lấy nước rồi mới đi học. Giờ mỗi ngày, chúng em đẩy 4 - 5 xe như thế này mới đủ dùng. Mệt mấy em cũng làm được, chỉ sợ hết chỗ lấy nước thôi”, Cắt thật thà nói.
|
Xót xa thay số nước mà hai đứa trẻ đang “còng lưng” đẩy về nhà ấy được lấy từ một vũng trâu đằm, dọc mương thủy lợi, hết sức bẩn. Những giọt mồ hôi mặn chát của chúng được đổi bằng thứ nước không lấy gì làm tốt lành, thậm chí có thể rước về bệnh tật.
Tôi hỏi Cay: “Sao biết nước bẩn mà vẫn mang về, ở trường không được dạy về vệ sinh à?” và rồi chợt thấy ngượng mồm về điều mình vừa nói ra. Chỉ thương Cay, cô bé vừa lên lớp 3, lúng túng như thể không học thuộc bài. Nói như ông Hồ A Dược, Chủ tịch UBND xã, thì: “Tôi cũng như người dân, xoay xở để làm sao có nước mà dùng là tốt rồi. Còn chất lượng nước như thế nào, hợp vệ sinh hay không thì phó thác cho… ông trời”.
Hôm tôi lên cũng là lúc UBND xã đi nghiệm thu 4 cái giếng khoan do UBND huyện đầu tư trị giá 25 triệu đồng/cái. Đoạn thử máy bơm là cơ hội “vàng” để lũ trẻ thỏa thích tắm táp. Khi chưa đóng điện, đã có sẵn gần chục đứa cởi áo quần và khi dòng nước mát phun ra cả nhóm cùng nhảy bổ vào, tranh nhau vị trí “đắc địa” để đón nước... Chúng vừa tắm vừa la hét sung sướng, vừa đủ để các bà mẹ đang có con nhỏ nghe để bế con ra giếng “hưởng tí lộc”. Thế mới biết, chỉ cần có một vòi nước thôi mà với đám trẻ, thậm chí cả người lớn ở vùng cao này cứ như một ngày hội.
Tiếc rằng, không phải đâu đâu ở vùng Lìa khô khốc này cũng hiện diện những giếng nước mát. Vẫn còn nhiều lắm những nỗi mong chờ, những nỗi ước ao con trẻ... dẫu đơn giản chỉ là được tắm thỏa thích giữa ngày hè.
Nguyễn Phúc
>> Giúp dân vùng hạn hán
>> Qua vùng hạn hán
>> Giúp đồng bào vùng hạn hán
Bình luận (0)