Những thí sinh (TS) theo dõi chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên với chủ đề “Bí quyết trúng tuyển đại học: Nộp hồ sơ xét tuyển, những sai lầm cần tránh”, được phát sóng trên Đài phát thanh - truyền hình Long An và phát trực tuyến tại thanhnien.vn, các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên vào chiều qua 8.4, đã được giải tỏa rất nhiều băn khoăn, lo lắng với các cách thức làm sao để chắc chắn và an toàn nhất khi nộp hồ sơ xét tuyển mà các chuyên gia lưu ý. Chương trình do Vingroup tài trợ.
Các chuyên gia khuyên thí sinh cần lưu tâm khi nộp hồ sơ xét tuyển |
Đ.N.T |
Những lời khuyên “gối đầu giường”
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có thông tin ban đầu dự kiến sẽ có thay đổi về mặt kỹ thuật trong việc xét tuyển năm nay. Thông tin về những thay đổi này, thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết năm nay TS cần lưu ý chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; còn chọn ngành, chọn trường thì khi có điểm thi tốt nghiệp rồi mới đăng ký. Các em có 6 tuần để thực hiện các thao tác và đăng ký hoàn toàn theo hình thức trực tuyến trên 2 cổng là Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các chuyên gia tư vấn khuyên thí sinh cần lưu ý và cân nhắc thật kỹ khi tham gia xét tuyển ĐH, CĐ |
Thanh Hải |
“Do đăng ký trực tuyến nên thầy cô không thể hỗ trợ giúp các bạn 100% như khi đăng ký trên giấy, nên các bạn cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký. Một điều lưu ý nữa, năm trước chỉ có chung mã ngành, nhưng năm nay các phương thức xét tuyển sẽ có một mã ngành riêng và tùy theo từng trường sẽ có sự sắp xếp phù hợp”, thạc sĩ Nam chia sẻ.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, chỉ thêm những điểm mà TS cần hết sức lưu tâm.
“Nếu TS tự thao tác ở nhà vì thời điểm đó đã thi xong tốt nghiệp THPT thì lời khuyên của tôi là các em nên tập và hỏi thầy cô từ bây giờ, vì để đến khi đó rất cập rập, 6 tuần cũng không phải quá dài, đôi khi sẽ thao tác bị nhầm làm mất đi quyền lợi của chính mình”, thạc sĩ Thái khuyên và cho rằng những thay đổi năm nay tương đối quan trọng, chính vì thế TS không nên tham khảo cách thức thao tác ở các anh chị khóa trước mà hãy nhờ thầy cô ở trường THPT hoặc các trường ĐH.
Do đăng ký trực tuyến nên thầy cô không thể hỗ trợ giúp các bạn 100% như khi đăng ký trên giấy, nên các bạn cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký. Một điều lưu ý nữa, năm trước chỉ có chung mã ngành, nhưng năm nay các phương thức xét tuyển sẽ có một mã ngành riêng và tùy theo từng trường sẽ có sự sắp xếp phù hợp.
Thạc sĩ TRẦN HẢI NAM
Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Một điều quan trọng thạc sĩ Thái muốn nhắn gửi đến TS là lựa chọn thật kỹ ngành phù hợp với năng lực bản thân để đưa thành nguyện vọng ưu tiên hàng đầu. Vì với cách thức xét tuyển năm nay, các trường sẽ ưu tiên chốt lại ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên để ngay sau đó ổn định công tác học tập.
“Theo khoảng thời gian xét tuyển năm nay thì các trường không có nhiều thời gian chờ đợi TS xét ở đợt 2, đợt 3 mà chắc chắn họ sẽ khép lại danh sách ngay sau đợt 1, vì thế nguy cơ để chúng ta không có trường học là rất cao”, thạc sĩ Thái lý giải.
Ngoài những lưu ý, thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết những thay đổi của năm nay sẽ có những lợi thế cho TS: “Đó là việc TS sẽ không bị áp lực về mặt tâm lý, không phải suy nghĩ ngành nghề trong lúc đang tập trung ôn thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các em đã quen với công nghệ nên thao tác đăng ký trực tuyến sẽ thuận tiện hơn và không phải như mỗi năm là “mất cả thanh xuân” để làm mấy chục bộ hồ sơ giấy”.
Những điểm cần lưu ý
Nhiều TS thắc mắc: Nếu chỉ chọn ngành, chọn trường khi có điểm thi tốt nghiệp rồi mới đăng ký thì các phương thức khác như xét học bạ, hay kỳ thi đánh giá năng lực… thì sao?
Về vấn đề này, thạc sĩ Trần Mạnh Thái cho biết chưa có một hướng dẫn cụ thể nào, nhưng trong kế hoạch dự kiến thì tất cả phương thức đều được đăng ký và tổ chức xét tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Hiện tại các trường đã nhận được hồ sơ xét tuyển học bạ của TS nhưng nhà trường vẫn tiếp tục hỗ trợ tư vấn để các em lựa chọn các ngành nghề, tham gia các kỳ thi và xét tuyển một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, trường sẽ đưa kết quả dữ liệu đó lên phần mềm của Bộ GD-ĐT khi mà có thông báo”, thạc sĩ Thái trấn an và cho biết hiện tại trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ, khi có thông báo của Bộ, nhà trường sẽ có trách nhiệm hỗ trợ TS thực hiện đúng theo các thao tác mà Bộ hướng dẫn.
Em Thùy Trang (học sinh ở Bến Lức, Long An) hỏi: “Có thể đăng ký nhiều tổ hợp cho một ngành hay nhiều ngành cho một tổ hợp thì được không?”.
Trả lời câu hỏi của em Trang, thạc sĩ Trần Văn Trắng cho rằng hiện nay vẫn phải chờ hướng dẫn chính thức, nhưng căn cứ theo thực tế của những năm qua thì cùng một ngành có thể đăng ký nhiều tổ hợp đều được, một tổ hợp cho nhiều ngành vẫn được.
“Như mọi năm, chi phí cho một nguyện vọng là 30.000 đồng nên TS cần cân nhắc vấn đề này. Không những thế, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT rồi, TS nên chọn tổ hợp nào cao nhất để tỷ lệ đậu vào nguyện vọng 1 sẽ cao hơn”, thạc sĩ Trắng khuyên.
Tiến sĩ Bùi Văn Thời, Phó khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tiếp lời thạc sĩ Trắng để nhắn gửi đến TS: “Các em cần lưu ý đọc kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn cho phù hợp vì còn liên quan đến chính sách học bổng của trường dành cho những hình thức khác nhau”.
Tiến sĩ Thời minh chứng như ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, điểm số mà TS đăng ký, các tổ hợp nào càng cao thì chính sách học bổng của trường dành cho các bạn càng nhiều. Chẳng hạn như năm nay, nếu trúng tuyển vào trường, TS được học bổng đầu vào là 3 triệu đồng, nhưng từ 24 điểm trở lên thì nâng lên là 4 triệu đồng…
Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, khuyên: “Có những trường hợp TS thay đổi nguyện vọng sau khi đăng ký nhưng thời điểm sau vào lại thấy vẫn như cũ. Nên để khắc phục, khi đăng ký thay đổi nguyện vọng xong, các em phải đăng nhập lại để kiểm tra. Hoặc là có thể mạng chập chờn nhưng sắp hết thời gian đăng ký thì nên chụp lại màn hình trong trường hợp không biết chắc là như thế nào hoặc là in ra để có cái còn khiếu nại, vì phần mềm cũng sẽ có lúc bị lỗi”.
Nộp hồ sơ xét tuyển vào trường cao đẳng như thế nào ?
Theo dõi chương trình, em Thanh Nguyên (học sinh ở Thủ Thừa, Long An) thắc mắc: “Nộp hồ sơ xét tuyển vào CĐ có cùng thời gian với ĐH hay không và cách thức như thế nào?”. Về băn khoăn này, thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết về cơ bản đăng ký vào tất cả trường ĐH hay CĐ đều giống nhau, tuy nhiên có một vấn đề là thời điểm sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, TS mới đăng ký vào ĐH, CĐ, nhưng hiện tại tất cả trường CĐ, trung cấp đã nhận hồ sơ của TS theo nhiều phương thức khác nhau. Và có thể các trường này cũng sẽ công bố kết quả trúng tuyển sớm hơn.
Bình luận (0)