Ông Võ Quốc Thắng (phải) - Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An khẳng định VPF sẽ làm việc hiệu quả -Ảnh: Quang Liêm |
Ngày 15.10 tới, các ông bầu và lãnh đạo VFF sẽ có cuộc làm việc chính thức về kế hoạch thành lập Công ty VPF. Những chi tiết cụ thể nhất về chức năng, nhiệm vụ của VPF sẽ được bàn bạc thật sâu.
Trong dự thảo đề án được trình bày khái quát ở hội nghị chủ tịch các CLB, ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch CLB HN ACB, mới chỉ nói kỹ nhất về đề xuất tỷ lệ góp vốn chứ chưa đề cập về các hoạt động của VPF sau khi đi vào cuộc sống.
VPF bao sân?
Qua các cuộc trao đổi với Báo Thanh Niên, cả quan chức VFF lẫn các ông bầu đều khẳng định, để VPF có thể hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính, ngoài việc phải tổ chức thành công hai giải đấu lớn nhất VN, VPF còn phải tham gia sâu vào những sự kiện bóng đá khác.
Tuy nhiên, cũng có nhiều luồng ý kiến hồ nghi về sự “bao sân” quá rộng của VPF trong tương lai. Chủ tịch một CLB nói: “Chúng tôi ủng hộ VPF, nhưng liệu việc biến VPF thành một công ty tổ chức sự kiện có quá sức với VPF hay không, bởi thực tế đã chứng minh, chỉ riêng việc tổ chức giải đã rất bộn bề và nặng nhọc. Nếu ôm nhiều việc mà năng lực lẫn nhân sự chưa đáp ứng có thể sẽ phản tác dụng. Chúng tôi cũng hơi lo ngại, nếu VPF đi xa hơn khả năng cho phép mà không quán xuyến tốt công tác tổ chức giải sẽ gây hiệu ứng ngược trong xã hội”.
Qua tìm hiểu của Báo Thanh Niên, mô hình công ty tại J-League (Nhật Bản) hay Ngoại hạng Anh cũng chỉ thuần túy tổ chức giải. Trưởng ban Thông tin truyền thông giải Ngoại hạng Anh Paul Monar cho biết: “BTC Ngoại hạng Anh không trực tiếp tham gia vào những hoạt động khác ngoài khâu tổ chức giải. Chúng tôi không bao giờ tiến hành các cuộc thương thảo trong những trường hợp mời CLB nào đó đến nước Anh hoặc một CLB nào của Anh muốn đến VN. Vấn đề này là sự thỏa thuận giữa các CLB với nhau mà BTC Ngoại hạng Anh hoàn toàn nằm ngoài cuộc”.
“Nếu muốn, VPF có thể kinh doanh cả... phim ảnh”
Hôm qua 5.10, chúng tôi đã tiếp tục đặt câu hỏi cho ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) về tất cả những ý kiến trái chiều nói trên. Ông Đức đã tuyên bố mạnh mẽ: “VPF sẽ hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp và quy định trong giấy phép đầu tư. Chúng tôi sẽ ghi rõ những hoạt động mà VPF sẽ làm và tôi xin khẳng định, VPF sẽ có đủ năng lực và nghiệp vụ để trở thành một công ty chuyên tổ chức sự kiện, bên cạnh điều hành hiệu quả giải đấu. Thậm chí, VPF, nếu muốn, cũng có thể kinh doanh cả… phim ảnh. Không có gì quá sức hay bao sân cả”.
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An, cũng quả quyết: “Những gì luật cho phép, VPF sẽ làm mà làm có hiệu quả, miễn là có lợi cho bóng đá VN”. Bầu Đức nhấn mạnh thêm: “Nhân dịp vào Pleiku dự trận chung kết giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã gặp tôi cùng Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn về mô hình VPF. Bộ trưởng cũng khẳng định với chúng tôi sẽ không có cản trở nào cho việc thành lập VPF vì điều đó chỉ đem lại cho bóng đá VN sức sống mới”.
Lăn tăn chuyện bản quyền truyền hình Cùng hội cùng thuyền về việc thành lập VPF nhưng bầu Kiên và bầu Đức lại không cùng chung ý nghĩ về bản quyền truyền hình mà VFF đã ký 20 năm với AVG. Trong khi bầu Kiên nhất quyết đòi VFF phải trả lại quyền ký hợp đồng cho VPF thì bầu Đức lại cho rằng nên mời cả AVG đóng góp cổ phần. Hiện tại, mỗi năm AVG trả cho VFF số tiền 6 tỉ đồng, sau đó lũy tiến 10%/năm và cứ sau 5 năm hai bên sẽ ngồi lại với nhau. Thời hạn hợp đồng kéo dài 20 năm có thể coi là điều vô lý mang tính “lịch sử” của làng bóng đá thế giới vì các nước chỉ ký tối đa 3 năm mà thôi. |
Lan Phương
Bình luận (0)