Nhờ đánh đều cả công và thủ, Trần Cảnh Được cùng với huyền thoại bóng bàn Mai Văn Hòa trở thành cặp đôi hay nhất châu Á trong thập niên 1950. Tiếp nối, em ruột Trần Cảnh Đến và cháu ruột Phạm Gia Anh của ông cũng trở thành tuyển thủ quốc gia trong thập niên 1960.
Trần Cảnh Được, Trần Cảnh Đến và Phạm Gia Anh (thứ 1, 2, 3 hàng đứng, từ trái sang) trong trận đấu VN - Hồng Kông năm 1964 - Ảnh: NVCC
|
Công thủ toàn diện
Cuối thập niên 1950, đội tuyển nam bóng bàn VN với bộ ba Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Lê Văn Tiết làm mưa làm gió trên đấu trường quốc tế. Nếu Mai Văn Hòa chuyên thủ, Lê Văn Tiết giỏi tấn công và phản công, thì Trần Cảnh Được công thủ toàn diện nên khi thi đấu đồng đội theo thể thức Swaythling cũ (9 trận đơn), đội VN có lợi thế lớn khi sắp xếp đội hình. Đặc biệt trong trận đối đầu với đội Tiệp Khắc (vô địch thế giới năm 1951) ở giải thế giới năm 1959 tại Tây Đức, ông Được đã xuất sắc giành 2 trận thắng giúp đội VN thắng chung cuộc 5-3 và giành quyền vào bán kết, sau đó giành HCĐ.
Trần Cảnh Được sinh năm 1934, từng vô địch toàn miền Nam các năm 1952 và 1953. Nhờ đánh đều cả hai bên, lại sở trường quả bạt trái bằng đầu vợt lúc phản công rất hiệu nghiệm nên khi ông kết hợp với Mai Văn Hòa thì cả hai trở thành một đôi xuất sắc nhất châu Á trong thập niên 1950, cùng đoạt 3 HCV đôi nam ở giải châu Á (1953 và 1957) và Asiad 1958, HCB giải châu Á 1955.
Em kế của ông Trần Cảnh Được là Trần Cảnh Đến thua anh mình 7 tuổi, từng vô địch thiếu niên VN năm 1953, từng thắng tay vợt Áo Bergmann (4 lần vô địch đơn nam thế giới). Trong lần đấu tuyển chọn VĐV đại diện quốc gia thi đấu giải vô địch thế giới năm 1965, ông là người được xếp số 1 trước cả danh thủ Lê Văn Tiết, Huỳnh Văn Ngọc, Trần Thanh Dương, Lê Văn Inh… Ông cùng với anh ruột Trần Cảnh Được và Huỳnh Văn Ngọc đã giành được HCV tại SEAP Games lần 1 - 1959. Ông Đến cũng đã hai lần cùng đội tuyển nam VN tham dự giải vô địch châu Á năm 1963 tại Philippines (hạng tư đồng đội) và năm 1965 tại Nam Tư (hạng 13 đồng đội và 28 cá nhân).
Cháu của 2 ông là Phạm Gia Anh, con của bà Trần Thị Mẫn (chị ruột của ông Được và ông Đến) cũng khoác áo tuyển miền Nam rất sớm. Anh là một tay vợt có quả cắt bóng rất hay, phòng thủ chưa thật quá tốt như Mai Văn Hòa nhưng bù lại có quả tấn công hiệu quả. Giải đấu thành công nhất của Phạm Gia Anh là giải vô địch châu Á vào tháng 2.1963 tại Manila khi cùng Lê Văn Inh vào bán kết đôi nam (thua 2-3 trước đôi Nhật Bản Ogimura - Miki) và xếp hạng 5 cá nhân. Ở nội dung đồng đội (VN xếp hạng 4), trong trận thua 2-5 của đội VN trước đội ĐKVĐ thế giới Nhật Bản thì 2 trận thắng của VN đều do công của anh.
Gây khó dễ cho đối thủ nhờ... mồ hôi
Sau 1975, ông Được định cư ở San Jose (bang California, Mỹ). Ông Đến có một thời gian khá lâu làm việc ở tỉnh Sông Bé cũ. Hiện ông vẫn tập luyện bóng bàn thường xuyên ở Cung văn hóa Lao động với người lớn tuổi. Những người con của ông Đến đều chơi bóng bàn khá tốt như Trần Cảnh Tuấn (cấp 1 quốc gia, vô địch 6 tỉnh miền Đông), Trần Thị Phượng Liên (vô địch trẻ 6 tỉnh miền Đông), Trần Thị Minh Phúc (thành viên đội tuyển nữ tỉnh Sông Bé cũ)…
Khi thi đấu, tay vợt Phạm Gia Anh còn có một “lợi thế trời cho” là toát mồ hôi. Nhờ có mồ hôi “tuôn” ra khi trận đấu đang căng thẳng, những quả phát bóng của anh đều gây khó dễ cho đối thủ. Sau này, khi thi đấu ở Hàn Quốc, việc này bị phát hiện nên kể từ đó mỗi lần có Phạm Gia Anh thi đấu là đối thủ bố trí người theo dõi; cứ khi ông đổ mồ hôi nhiều là có người báo cho trọng tài để ông lau mồ hôi, chứ không thể phạt gì cả vì đây là mồ hôi tự nhiên, luật không có cấm điều này. Do bị bệnh, Phạm Gia Anh đã qua đời năm 1975.
Bình luận (0)