Dù chỉ là giám đốc “ảo” cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh trong vụ án Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) nhưng có 12 bị cáo đang phải đối diện trước hình phạt từ 10 đến 20 năm tù về hành vi giúp sức cho Danh rút của VNCB 4.700 tỉ đồng khi ký các hợp đồng vay tín dụng của VNCB.
12 bị cáo là 12 thân phận khác nhau nhưng giờ đây, họ đang chung một số phận, phải đứng trước vành móng ngựa để chịu trách nhiệm cho sự thờ ơ, hững hờ của chính mình. Có bị cáo đã đúc kết được rằng: “Từ giờ chỉ dám làm những gì mình biết”.
Nhiệt tình giúp đồng hương
Hơn một nửa trong 12 bị cáo đều là đồng hương quê Quãng Ngãi với bị cáo Danh, khai rằng làm nhân viên bảo vệ, rửa xe trong Tập đoàn Thiên Thanh. Nghe Danh nói Tập đoàn Thiên Thanh đang khó khăn cần giúp đỡ bằng cách nhờ đứng tên làm giám đốc công ty, họ cũng “nhiệt tình” giúp đỡ mà không cần biết giám đốc phải làm gì.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, những bị cáo này cũng khai công việc chính của họ là “đứng tên dùm”, không biết công ty hoạt động gì, công ty nhưng không có một nhân sự nào, “giám đốc” cũng không giữ con dấu. Có những bị cáo cũng không hiểu vì sao từ một bảo vệ mình được chọn làm giám đốc.
Chủ tọa hỏi bị cáo Nguyễn Minh Quân (đứng tên Giám đốc Công ty An Phát): “Bị cáo nghĩ mình là bảo vệ thì giúp được gì cho công ty?”. Quân trả lời "không biết". “Theo bị cáo vì sao Tập đoàn Thiên Thanh rất nhiều bảo vệ thì sao ông Danh lại chọn bị cáo” thì Quân cũng trả lời "không biết". Tại tòa, Quân cũng khai ngoài lương bảo vệ 3,4 tiệu đồng/tháng, Quân còn được nhận lương đứng tên “giám đốc” từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Hữu Duyên cũng đứng làm “giám đốc” Công ty Quang Đại từ cuối tháng 6.2012. Trước khi làm giám đốc, Duyên là nhân viên rửa xe tại Tập Đoàn Thiên Thanh với mức lương 3,8 triệu đồng. Sau này đứng làm giám đốc, Duyên nhận thêm 10 triệu đồng/tháng.
Song, có lẽ bị cáo khiến những người dự khán chạnh lòng nhất có lẽ Nguyễn Tấn Thành (52 tuổi). Với chất giọng đặc miền trung Quảng Ngãi, ông trả lời từng câu hỏi trước sự xót xa của nhiều người có mặt tại phiên xử.
Chủ tọa hỏi: “Hành vi của bị cáo trong cáo trạng nêu có sai câu nào không?”. Thành trả lời: “Không”. Chủ tọa: “Trước khi làm giám đốc Công ty Thành Trí, bị cáo làm gì?”. Thành trả lời: “Bị cáo giữ tài sản với giữ xe”. Chủ tọa: “Địa chỉ công ty làm bảo vệ ở đâu?”. Thành trả lời: “Không biết chỗ”. Chủ tọa: “Mình là người Quảng Ngãi mình ở đâu phải biết chứ?”. Bị cáo Thành trả lời: “Cha mẹ hy sinh thời 68 (năm 1968 - PV), hồi nhỏ học ít”. Chủ tọa: “Học ít sao vẫn được làm giám đốc mà vẫn làm?”. Ông Thành trả lời: “Hồi đó ở quê khổ quá, sinh con không có tiền nuôi ăn học nên nhận làm để kiếm tiền nuôi con”. Chủ tọa: “Có khi nào ngồi tự suy nghĩ làm giám đốc dễ quá không. Mình chẳng học gì cũng được làm giám đốc?”. Bị cáo Thành thật thà khai: “Cũng không suy nghĩ gì hết. Hồi đó khổ quá rồi”.
Tan tác gia đình vì cả nhà làm “giám đốc”
Trong những phút giải lao giữa buổi xét xử, chúng tôi tìm gặp những người với vai “giám đốc” ảo.
Bị cáo Bùi Thị Hà Thu (36 tuổi, sinh tại Hà Nội, đứng tên Giám đốc Công ty THHH MTV TMDV Đại Hoàng Phương). Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, bà Thu nói giọng buồn rầu: “Tôi thuê nhà ở TP, mà giờ cũng không có tiền, xe máy thì hỏng lâu không sửa, con thì mỗi đứa một nơi, đứa lớn (10 tuổi) ở với tôi, đứa nhỏ (8 tuổi) ở với ba dưới Long An. Giờ cuộc sống rất bấp bênh, cũng không biết lấy đâu tiền mà thuê nhà nữa”.
Chồng bà, bị cáo Nguyễn An Vinh (43 tuổi, sinh tại Hà Nội, là "giám đốc" Công ty Nhất Nhất Vinh) cũng là 1 trong 12 vị “giám đốc” ảo.
Bà Thu cũng là người vướng vào vòng lao lý. Nhìn xa xăm, bà nói: “Dự án sân vận động Chi Lăng (TP.Đà Nẵng) tôi biết và đứng tên tài sản mấy trăm tỉ đồng vì tôi rất tin tưởng anh Danh. Tôi tin tưởng anh Danh vì anh là người cuồng công việc. Sau 6 tháng đầu tôi làm không lấy lương thì kế toán thông báo tôi được nhận 5 triệu đồng/tháng cho chức “giám đốc”, kiêm thư ký 4 triệu đồng, tổng thu nhập 9 triệu đồng/tháng”. “Đến giờ cũng không ai hận thù anh Danh, chỉ giận trong chốc lát vì sao anh quá tự tin để anh em khổ thế này”, bà Thu nói thêm.
"Tôi hoàn toàn không biết, thậm chí không nắm được thông tin về công ty. Lúc vợ bảo tôi ký đứng tên, tôi không chịu nhưng vợ cứ cự và nhăn nhó, cơm canh chẳng lành, tôi đành ký. Lúc đó thấy Tập đoàn Thiên Thanh lớn mạnh, báo chí đăng nhiều, tôi tin tưởng. Thời gian qua cũng vì chuyện này mà vợ chồng giận nhau, nhưng giờ tôi nhịn và lắng xuống cũng vì con. Tôi và Thu mỗi người một nơi, các con cũng xa nhau”, ông Vinh nói.
Ông Vinh làm kỹ xảo phim 3D gần 20 năm, ông có năng khiếu và được giáo dục trong gia đình có cha là giáo viên mỹ thuật. “Tôi chỉ muốn an nghiệp làm ăn. Những lúc chạy xe hơn 100 km lên tòa rồi chiều về với con, ngẫm nghĩ một ngày xám xịt lại hiện ra trước mắt. Trong sâu thẳm, tôi chỉ muốn hai con có nơi nương tựa… Chỉ cần bấy nhiêu là đủ”.
Đáng thương nhưng cũng đáng trách nhất là cặp vợ chồng “giám đốc” Nguyễn Quốc Thịnh (37 tuổi, Giám đốc Công ty Thịnh Quốc) và bà Hồ Thị Đi (32 tuổi, Giám đốc công ty Xây dựng Hương Việt), trú tại P.Trần Phú, TP.Quảng Ngãi. Họ vào TP.HCM hầu tòa, hai con thơ dại (3 tuổi và 1 tuổi) phải gửi nhà nội, ngoại.
Ông Thịnh nói, đầy cay đắng: “Tôi nhận lời của anh Danh không phải vì tiền bạc. Tôi thấy Tập đoàn Thiên Thanh lớn, đối xử tốt với nhân viên tất cả các bộ phận, lương không chậm 1 ngày. Tôi lại muốn ổn định và gắn bó lâu dài, nào có nghĩ sai trái, hệ lụy”.
Tập đoàn là môi trường bén duyên cho họ và cũng đẩy họ vào oan nghiệt hôm nay. Hai con thơ dạy phải xa ba mẹ, chia các con gửi 2 bên nội ngoại. Đứa 3 tuổi bập bẹ và đứa 1 tuổi mong manh, vợ chồng nhớ con không tả xiết.
Bình luận (0)