Ba mẹ mưu sinh xa quê nên Trần Thị Thu Thương (22 tuổi), ngụ tại 184/17 Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, sống với ông bà nội từ năm 4 tuổi tại tỉnh Quảng Nam. Tuổi thơ buồn vui của Thương đều gắn liền với ông bà. Hàng tháng, bà nội thường cho Thương ít tiền để tiêu vặt.
"Mỗi tháng nội chỉ nhận được vài trăm nghìn đồng từ trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, nhưng lại không ngại cho mình tiền để mua một số đồ dùng cá nhân. Nhận tiền của nội, mình chi tiêu tiết kiệm hơn, đồng thời biết ơn và có nhiều động lực học tập, cố gắng để sau này sẽ mua được những thứ tốt nhất cho nội", Thương chia sẻ.
Xa nhà vào TP.HCM học tập, những cuộc "giao dịch bí mật" giữa Thương và bà nội vẫn diễn ra. Thương còn nhớ mãi lần "giao dịch" khiến mắt cô cay xè là sau khi nghỉ tết Nguyên đán 2020, được bà nội cho số tiền khá lớn trước ngày quay trở lại thành phố.
"Mẹ mình cho 3 triệu đồng để chi tiêu trong dịp tết, mẹ sẽ cho thêm nếu không đủ tiền xe vào lại TP.HCM. Giá vé xe khách dịp đó là 800.000 đồng, mình còn tiền nên không xin mẹ. Lúc kiểm tra đồ đạc để chuẩn bị theo ông nội ra bến xe, bà nội lại gần, móc trong túi ra 1 triệu đồng đã được bọc cẩn thận ở túi nilon và có ghim lại rồi dúi vào tay mình, nói rằng bà cho để phụ tiền đi xe và tiêu vặt, bảo mình đừng xin tiền của bố mẹ", Thương kể lại.
Mặc dù biết bà nội thương cháu, nhưng Thương không dám nhận số tiền lớn như vậy từ bà. "Bà đã khóc khi mình từ chối. Sau một hồi lâu, mình nhận lấy số tiền và cất cẩn thận để bà vui lòng. Mình mong mỗi lần gọi điện về nhà, biết được ông bà vẫn khỏe mạnh là hạnh phúc lắm rồi", Thương nói.
Nguyễn Vũ Khánh Hiền (22 tuổi), ngụ tại đường Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng từng có nhiều lần "giao dịch bí mật" với ông bà vào dịp lễ tết, đặc biệt nhất là lần Hiền phạm lỗi nhưng không dám kể với ba mẹ. "Mình nhớ mãi vào năm lớp 5 khi làm mất tập sách của thư viện mà không dám nói với mẹ. Mình đã tiết kiệm tiền ăn sáng cả 1 tuần để mua sách đền lại cho nhà trường nhưng không đủ. Bằng một cách nào đó, ông nội biết được và cho mình số tiền đủ để mua sách. Ông dặn không được khai với ai về việc này, mẹ sẽ mắng nếu biết được", Hiền kể.
Trong trí nhớ của Hiền, 50.000 đồng ông cho tại thời điểm đó là vô cùng lớn. Nó được trích từ khoản tiền ít ỏi mà ông tiết kiệm được. "Với mình, mỗi khi được ông bà cho tiền là một niềm hạnh phúc. Điều đó chứng minh được sự thật mình vẫn còn ông bà, vẫn được sống trong tình thương, sự bảo bọc của người thân. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng không có gì sánh bằng", Hiền nói.
Còn Hồ Văn Thiên, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, bộc bạch: "Mỗi lần đi học xa về, bà nội đều gọi lại cho tiền. Trước đó, khi còn ở nhà, mỗi lúc chở bà đi chợ, bà đều dúi cho một ít tiền lẻ vào túi để thích mua gì thì mua. Số tiền cho cháu là tiền mà bà dành dụm được từ việc bán con gà, con vịt hay trái mít trong vườn. Từng đồng bạc chắt chiu nhưng chở mong ước lớn là muốn con cháu không thiếu thốn với bạn bè. Bà luôn dặn dò mình cố gắng học hành để trở thành người có ích. Bây giờ mình đã có thu nhập từ công việc làm thêm, nhưng không còn bà để chăm sóc nữa rồi".
Nhớ lại những lần về thăm quê ngoại, Nguyễn Văn Cường (29 tuổi), ngụ tại thôn Xuân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, tâm sự: "Từ nhỏ đến khi đi làm rồi, mình vẫn luôn được bà cho tiền. Bà nói dù không có nhiều nhưng hy vọng số tiền đó sẽ giúp ích và mang lại may mắn cho mình. Mình dù có lớn đến đâu thì vẫn luôn là đứa cháu nhỏ bé trong mắt bà. Bây giờ bà không còn nữa, nhưng tờ tiền bà cho mình vẫn mang theo bên người. Đó là một kỷ niệm đẹp, gợi nhớ mình về những khoảnh khắc hạnh phúc bên bà".
Bình luận (0)