Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Tự hào Tổ quốc nhìn từ biển

Vũ Thơ
Vũ Thơ
21/07/2023 06:26 GMT+7

'Tôi sẽ không phải là tôi của ngày hôm qua nữa', một đại biểu ra thăm Trường Sa năm 2023 đã thốt lên như vậy và cho biết khi trở về đất liền với tình yêu Tổ quốc, sẽ làm tốt hơn nữa công việc của mình.

"Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình"

Khát khao được ra thăm Trường Sa từ rất lâu, thượng tá Phạm Thị Thúy Vân (53 tuổi), Phó giám đốc marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, thuộc Quân chủng Hải quân, cho biết đây là ước mơ lớn nhất trong cuộc đời của mình. Công tác trong lực lượng hải quân, bà thường xuyên được tiếp xúc với những người từng đi công tác Trường Sa, được nghe kể về Trường Sa nên luôn khát khao được đến đảo một lần. Vì vậy, trong quá trình công tác, năm nào bà cũng đề xuất nguyện vọng với lãnh đạo được ra Trường Sa và năm nay thì may mắn được toại nguyện.

Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Tự hào Tổ quốc nhìn từ biển - Ảnh 1.

Thượng tá Phạm Thị Thúy Vân vui mừng khi nhìn thấy công trình của đồng đội hiện diện trên Biển Đông

V.T

"Tôi sung sướng không thể nào diễn tả được. Chuyến đi Trường Sa rất ý nghĩa. Chúng tôi đã được đặt chân lên mảnh đất giữa trùng khơi đầy thiêng liêng của Tổ quốc. Đến đây Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình, lời bát hát ấy như trào dâng trong trái tim tôi. Đặc biệt, khi được thấy những công trình do anh em Công ty xây dựng công trình Tân Cảng đã ghi dấu trên đảo Trường Sa Lớn, tim tôi muốn vỡ òa trong cảm xúc. Tôi chỉ muốn thốt lên: "Đồng đội ơi, vậy là tôi đến được đây rồi!". Yêu thương quá những người lính, cán bộ sĩ quan và những người dân kiên trung bám đảo. Tự hào quá Tổ quốc tôi, đất nước VN tôi", bà Vân trải lòng.

Lên tàu ngày đầu tiên, cũng say sóng như rất nhiều người, nhưng bà Vân vẫn lên boong tàu, giúp các chiến sĩ nấu ăn và ngắm nhìn biển trời mênh mông, rồi những cơn say sóng trôi qua. Vốn có năng khiếu thổi sáo và hát dân ca, bà biểu diễn say sưa trên boong tàu và cả khi trở về phòng ở của mình. Rồi bà hăng hái tham gia các cuộc thi do T.Ư Đoàn tổ chức như làm báo tường, biểu diễn văn nghệ. Không nề hà tuổi tác và thân hình nhỏ bé, bà xung phong làm người mẫu trình diễn áo dài mang tên các điểm đảo trong quần đảo Trường Sa... và đã lan tỏa được rất nhiều cảm xúc trong hành trình.

"Tôi sẽ không phải là tôi của ngày hôm qua nữa"

Chia sẻ về cảm xúc của mình, bà Vân cho biết khi đến thăm đảo, bà cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của người lính. Họ phải sống giữa trùng khơi, hạn chế giao tiếp và đối mặt với bao hiểm nguy. Bà đã khóc rất nhiều vì thương cảm, nhất là khi được gặp và ở cùng phòng trên con tàu KN390 với người con gái có cha hy sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988 là chị Lê Thị Minh Thủy (Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân). Chị là nhân chứng cho sự hy sinh xương máu vì Tổ quốc của 64 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống ở Gạc Ma và hóa thành vòng tròn bất tử.

Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Tự hào Tổ quốc nhìn từ biển - Ảnh 2.

TS Đinh Văn Hiến luôn tự hào về Tổ quốc khi đặt chân tới Trường Sa

Nguyễn Anh

Chứng kiến hành trình chị Thủy đến thăm nơi cha hy sinh, bà Vân đã rưng rưng viết một bài thơ tặng chị với tựa đề Thăm cha giữa Trường Sa: "Cha ơi con tới được đây rồi. Biển Trường Sa cồn cào dậy sóng. Con như thấy ánh mắt cha cười trong nắng. Nghe lời cha ru con bên tán Phong Ba. Con được 7 tháng, cha ra Gạc Ma. Giữa những ngày tháng 3 rực lửa. Khi chia xa được ba thơm, bé con của ba cười vui hớn hở. Để rồi mãi sau này, chỉ được ba ôm trong những giấc mơ. Ba ơi con đã tới Trường Sa. Đã thực hiện ước nguyện hằng ao ước. Phút giây tưởng niệm cha và đồng đội, con khóc trong thổn thức. Và con thấy cha về, nhè nhẹ vỗ về con. Cùng đồng đội mình, con đang tiếp bước cha gìn giữ đảo xanh. Giữ từng tấc đất thấm máu xương cha đổ. Trường Sa mãi trường tồn vượt qua bao gian khổ. Không kẻ thù nào có thể bủa vây. Nỗi nhớ cha vô bờ khi con tới nơi đây. Con lên đảo, nâng niu từng viên đá. Con mang đá đảo về đặt lên bàn thờ cha yêu quý. Vì trong đá này, có máu thịt của cha".

Khi bài thơ này được chia sẻ trên con tàu KN390, rất nhiều người xúc động rơi nước mắt. Là người cũng có cha từng công tác ở Trường Sa, trung tá Đỗ Thị Hoàng Oanh, nhân viên Quân cảng Sài Gòn, cho biết chị đã không thể cầm được nước mắt. "Cha tôi từng công tác ở quần đảo Trường Sa nên tôi được nghe kể rất nhiều về đảo. Nhưng ra đến đây, tôi mới cảm nhận sâu sắc hơn về sự gian khổ, hy sinh của những người lính nơi tuyến đầu. Tôi càng thấu hiểu được cảm xúc của một người con đã mất cha như chị Thủy…", chị Oanh xúc động nói và cho biết từ khi ấy, những suy nghĩ của chị đã luôn hướng về Tổ quốc. "Khi lên các chùa trên đảo, điều đầu tiên tôi cầu nguyện cho quốc thái dân an, để khi đất nước bình yên thì người lính sẽ vơi đi vất vả...", chị Oanh trải lòng.

Bà Vân cũng cho biết tình yêu đất nước trong mình đã lớn hơn rất nhiều. "Khi trở về đất liền với công việc thường ngày, tôi biết tôi sẽ không phải là tôi của những ngày hôm qua nữa. Tôi sẽ hòa quyện hơn nữa trong hàng triệu triệu chúng ta, với tình yêu Tổ quốc nồng nàn, sẽ làm tốt hơn nữa công việc của người lính hải quân trên mặt trận quốc phòng kinh tế. Cùng với các đồng nghiệp, tôi sẽ thực hiện tốt nhất sứ mệnh của Tân Cảng Sài Gòn, là kết nối và lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn", bà xúc động nói.

Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Tự hào Tổ quốc nhìn từ biển - Ảnh 3.

Thượng tá Phạm Thị Thúy Vân (áo dài) và trung tá Đỗ Thị Hoàng Oanh thăm người dân trên đảo Trường Sa Lớn

V.T

"Trường Sa ơi xin dệt một con đường"

Là một doanh nhân đến với Trường Sa, TS Đinh Văn Hiến (54 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn DKNEC, bỗng trở thành nhạc sĩ, khi sáng tác ca khúc: Trường Sa, Hoàng Sa tình biển đảo - đất liền. Bài hát được ông phổ nhạc, trình diễn trong đêm giao lưu văn nghệ trên tàu KN390, đã tạo nên nhiều cảm xúc cho mọi người.

Những ca từ thể hiện sự tự hào về đất nước và tình cảm đầy yêu thương giữa biển đảo và đất liền như: "Trường Sa ơi xin dệt một con đường. Kết nối mọi miền với biển đảo yêu thương. Tô thắm tương lai không bao giờ ngăn cách. Hình đất nước - đảo quê hương muôn đời xuân sắc. Dân tộc hùng cường châu Á rồng tiên. Tự hào thay Văn Lang bền vững diên niên. Trường Sa, Hoàng Sa chủ quyền mình em nhé. Mãi muôn đời yêu độc lập - tự do".

Chia sẻ về cảm xúc của mình, ông Hiến cho biết đây là lần đầu ông được đến Trường Sa và cảm thấy rất tuyệt vời khi được tham gia hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương". "Biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nên ai cũng mong muốn được đi Trường Sa. Khi đến đây, nhìn trời nước mênh mông với những con sóng bạc đầu dội vào mạn thuyền, cảm xúc trong tôi trào dâng. Có lẽ mỗi chúng ta ai cũng thấy tự hào về biển đảo quê hương, tự hào dòng máu Lạc Hồng và đặc biệt vô cùng tự hào cho đất nước có vùng trời, vùng biển tuyệt đẹp", ông tâm sự và cho biết đã sáng tác bài hát trong 9 phút, tự phổ nhạc để ra mắt trong đêm giao lưu với đoàn đại biểu.

Đồng thời, TS Hiến cũng chia sẻ có đi ông mới tận mắt thấy được sức chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ trên biển đảo. Câu chuyện về 64 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 và những ngư dân sẵn sàng vượt qua bão tố, sống ở đảo cùng chiến sĩ đã tạo ra một cảm xúc vô cùng ấn tượng trong ông. "Khi đi tới 7 đảo, 1 nhà giàn, mỗi nơi trong tôi đều trào dâng một cảm xúc khác nhau, nhưng tựu trung đó là niềm tự hào về con người, về đất nước VN", ông trải lòng và cất cao tiếng hát: Biển này là của ta, đảo này là của ta… Trường Sa.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.