Những gương mặt Việt kiều tỏa sáng tại SEA Games 30
06/12/2019 18:59 GMT+7
Tại kỳ SEA Games 30 ở Philippines này, đoàn thể thao Việt Nam có sự góp mặt của những VĐV với cái những cái tên rất “Tây” như Daniel, Paul hay Savana.Họ có thể không biết hay chỉ nói được lơ lớ tiếng Việt nhưng đều có điểm chung là đam mê thể thao và muốn cống hiến cho thể thao Việt Nam.
Tự động phát
Tại kỳ SEA Games 30 ở Philippines này, đoàn thể thao Việt Nam có sự góp mặt của những VĐV với cái những cái tên rất “Tây” như Daniel, Paul hay Savana. Họ là những VĐV Việt Kiều, mang trong mình một nửa hay hoàn toàn dòng máu Việt Nam nhưng sinh sống và trưởng thành ở nước ngoài. Họ có thể không biết hay chỉ nói được lơ lớ tiếng Việt nhưng đều có điểm chung là đam mê thể thao và muốn cống hiến cho thể thao Việt Nam.
Daniel Nguyễn - Quần vợt
Daniel Nguyễn sinh ngày 16.10.1990 tại California (Mỹ) trong gia đình có bố mẹ đều là người Việt Nam nhập quốc tịch Mỹ. Daniel bắt đầu chơi quần vợt từ lúc 5 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California, Daniel theo đuổi quần vợt nhà nghề với dấu ấn là 2 lần góp mặt ở giải quần vợt danh giá Mỹ và Úc mở rộng trong giai đoạn 2015 - 2016. Thứ hạng cao nhất anh từng giành được trên bảng xếp hạng Hiệp hội quần vợt nhà nghề là hạng 189 ATP.
|
Đến đầu năm 2019, Daniel trở về Việt Nam và đầu quân cho CLB quần vợt Hải Đăng Tây Ninh. Cũng trong năm này, anh nhập quốc tịch Việt Nam với mong muốn được cống hiến cho quần vợt Việt Nam tại SEA Games và Davis Cup.
Được đánh giá vượt trội về đẳng cấp so với các tay vợt khác trong khu vực, Daniel Nguyễn không mấy khó khăn để thẳng tiến đến với trận chung kết quần vợt đơn nam SEA Games 30, gặp một tay vợt Việt Nam khác là Lý Hoàng Nam. Daniel cùng với Lý Hoàng Nam làm nên lịch sử cho quần vợt Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam có đại diện góp mặt ở trận chung kết quần vợt đơn nam của một kỳ SEA Games.
|
Dù không giành chiến thắng trong trận đấu cuối cùng và chỉ giành HCB nhưng với những gì mà Daniel Nguyễn đã thể hiện thì quần vợt Việt Nam hoàn toàn có quyền hy vọng vào những kỳ tích mới của chàng trai Việt kiều trong tương lai.
Savanna Lý Nguyễn - Quần vợt
Savanna Lý Nguyễn, cô gái 19 tuổi với vóc dáng nhỏ nhắn, cao chưa tới 1 mét 60 có lẽ là bất ngờ lớn nhất ở nội dung quần vợt đơn nữ tại SEA Games 30 lần này.
|
Savanna Lý Nguyễn có bố mẹ đều là người Việt Nam, cô sinh ra và lớn lên ở Canada. Savana bắt đầu chơi quần vợt từ lúc 5 tuổi. Savanna Lý Nguyễn có sở trường ở những cú bung trái một tay mạnh mẽ, khiến các đối thủ rất khó khăn trong khi trả bóng. Dù có vóc dáng khá nhỏ nhắn nhưng cô gái trẻ đã chứng minh được rằng nghị lực và sự chăm chỉ có thể bù đắp cho những bất lợi về hình thể.
|
Tại SEA Games 30, cô đã đánh bại rất nhiều đối thủ có thứ hạng ITF (của Liên đoàn quần vợt quốc tế) cao hơn mình rất nhiều để thẳng tiến đến trận chung kết quần vợt đơn nữ SEA Games 30. Và cô chỉ chịu thua đối thủ mạnh và dày dặn kinh nghiệm người Thái Lan ở trận chung kết, qua đó giành tấm HCB đầu tiên cho quần vợt nữ Việt Nam tại một kỳ SEA Games.
Lê Nguyễn Paul - Bơi lội
Lê Nguyễn Paul không phải là cái tên xa lạ với những khán giả trung thành của bơi lội Việt Nam. Chàng trai sinh năm 1992 với nụ cười rất tươi này từng giành 4 HCĐ ở SEA Games 29 tại Malaysia. Paul sinh ra và lớn lên trong một gia đình Việt Nam định cư ở Mỹ. Anh bắt đầu bơi từ năm 8 tuổi và bắt đầu theo đuổi bơi lội chuyên nghiệp khi học Đại học Missouri ở Mỹ.
|
Anh nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2015 với ước mơ làm rạng danh bơi lội Việt Nam. Thế nhưng vì những vướng mắc giấy tờ nên phải 2 năm sau Paul mới có cơ hội tham dự SEA Games. Ở ngay lần đầu góp mặt tại Đại hội thể thao khu vực, Paul đã giành 4 tấm HCĐ. Tại SEA Games 30, anh vừa giành một HCB nội dung bơi ngửa 100 mét nam, một HCĐ nội dung 100 mét bơi bướm nam và HCĐ đồng đội nội dung 4x100 mét tiếp sức tự do nam.
|
Đặng Quý Kiệt - bóng rổ
Chris Dierker sinh năm 1994 có tên tiếng Việt là Đặng Quý Kiệt, anh có bố là kỹ sư người Mỹ và mẹ người Việt Nam. Quý Kiệt nổi bật chiều cao vượt trội 2.03 mét cùng gương mặt điển trai, nam tính. Quý Kiệt thừa hưởng năng khiếu ở môn bóng rổ từ bố, người từng chơi bóng trong đội tuyển của trường đại học và chính bố của Quý Kiệt cũng là người khuyến khích anh theo đuổi môn thể thao này.
|
Năm 2018, anh về Đà Nẵng đầu quân cho đội bóng quê hương của mẹ là Danang Dragons và sau đó được gọi lên đội tuyển Việt Nam để chuẩn bị tranh tài ở SEA Games 30. Trong những ngày Quý Kiệt thi đấu ở Philippines, bố mẹ của anh cũng đã bay từ Mỹ qua Manila để cổ vũ con trai.
|
Quý Kiệt là nhân tố quan trọng giúp đội tuyển bóng rổ nam Việt Nam giành tấm HCĐ đầy bất ngờ nội dung 3x3 tại SEA Games 30.
Anh cùng các đồng đội cũng vừa giành quyền vào chơi trận bán kết nội dung 5x5 sau 2 chiến thắng vang dội ở vòng bảng trước Myanmar và Singapore.
Người hâm mộ bóng rổ Việt Nam đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào chàng trai 25 tuổi khi anh đang thể hiện phong độ rất tốt với những tình huống ném 3 và bù rổ chuẩn xác tại SEA Games 30.
Sea games
Quần vợt
Bóng rổ
Savana Lý Nguyễn
VĐV Việt kiều
SEA Games 30
Lê Nguyễn Paul
Danang Dragons
Daniel Nguyễn
Bơi lội
Đặng Quý Kiệt
Chris Dierker
Bình luận (0)