Những hiệp sĩ khoa học

Quý Hiên
Quý Hiên
02/02/2022 06:08 GMT+7

Họ là những nhà khoa học không ngại mất thời gian, không sợ thị phi, dám 'chường mặt' ra trước công chúng để bảo vệ sự thật, hoặc đưa ra vấn đề để thảo luận đa chiều, với mục tiêu góp phần xây dựng và phát triển một cộng đồng khoa học trong sạch, minh bạch.

1. Lần đầu tiên tôi liên hệ với Dương Tú là ngày 22.8.2020, sau khi Báo Thanh Niên đăng tải bài viết Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế và báo lẫn tác giả bài báo bị réo tên chửi khắp nơi trên cõi… mạng (về sau, bài này nằm trong loạt bài được giải C giải Báo chí quốc gia 2020).

Tiến sĩ Dương Văn Tú

NVCC

Lúc đó, giữa những làn sóng phản đối bài viết của Báo Thanh Niên (cho rằng báo “bôi nhọ” thiếu căn cứ một số trường đại học khi mà họ làm việc mà pháp luật không cấm), Tú cũng như nhiều nhà khoa học ủng hộ con đường phát triển khoa học lành mạnh đã lên tiếng ủng hộ cách làm của Báo Thanh Niên. Anh còn là một gương mặt nổi bật vì tinh thần “xả thân”, nghĩa là rất tâm huyết, dành rất nhiều thời gian để đưa ra được những bằng chứng rất cụ thể bảo vệ sự thật, lẽ phải. Nhưng Tú thì “bén duyên” với Báo Thanh Niên từ 4 năm trước đó, tháng 9.2016, khi anh gửi tới báo và được đăng bài Đạo văn và liêm chính khoa học. Như vậy, từ khóa “liêm chính khoa học” (LCKH) chính là sợi dây kết nối mối quan hệ giữa nhà khoa học trẻ này với Báo Thanh Niên.

Tiến sĩ Doãn Minh Đăng

Dương Tú tên đầy đủ là Dương Văn Tú, 35 tuổi, vốn là học sinh chuyên hóa Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Tốt nghiệp Trường đại học Dược Hà Nội, anh được giữ lại làm giảng viên bộ môn bào chế. Năm 2012, anh sang Bỉ làm nghiên cứu sinh. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (tháng 1.2018), anh được nhận vào làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Purdue, Mỹ. Cũng như nhiều nhà khoa học Việt Nam ở hải ngoại, dù khi đang đi học hay đã làm việc ở nước ngoài, lúc nào Tú cũng có mối liên hệ mật thiết với cộng đồng khoa học trong nước và theo dõi sát sao thời sự khoa học nước nhà. Vì thế, câu chuyện một số trường đại học sẵn sàng chi nhiều tiền cho bất kỳ nhà nghiên cứu nào chấp nhận ghi địa chỉ làm việc là các trường đó vào công trình của họ khi xuất bản, mà lần đầu tiên được một tờ báo trong nước đăng tải đương nhiên thu hút sự quan tâm của Tú.

Với bản tính thích khám phá tìm sự thật của một nhà khoa học, lại là người khảng khái, có tố chất “hiệp sĩ”, sự quan tâm đó khiến Dương Tú sau này mất khá nhiều thời gian cũng như phải chịu không ít phiền toái khi anh mở diễn đàn LCKH, đồng hành cùng Báo Thanh Niên, kêu gọi các nhà khoa học chính trực cùng nhau vạch trần cái xấu, góp phần xây dựng cộng đồng khoa học Việt Nam trong sạch và minh bạch. Diễn đàn LCKH được Tú thành lập ngày 1.9.2020, đến nay đã có gần 21.000 thành viên tham gia. Trong hơn một năm qua, diễn đàn đăng tải rất nhiều bài không chỉ phơi bày, vạch trần việc xấu trong giới khoa học nước nhà mà còn có rất nhiều bài viết, bài dịch có tính chất giới thiệu nhận thức đúng về việc thực hiện hành vi LCKH của cộng đồng khoa học quốc tế.

Trên diễn đàn LCKH, Tú tâm sự: “Cho đến nay, nhận thức và hiểu biết về những vấn đề được nhắc đến trong loạt bài đoạt giải báo chí của Thanh Niên đã tiến được một bước dài trước khi liêm chính học thuật chính thức được thể chế hóa để trở thành một phần thiết yếu của nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Việc xây dựng và phát triển được một cộng đồng khoa học trong sạch và minh bạch vẫn còn là hành trình rất dài, và có lẽ khá cô đơn, với những ai tâm huyết với nền khoa học nước nhà. Nhưng đó chắc chắn là một quá trình không thể đảo ngược”.

2. Doãn Minh Đăng (40 tuổi) là một trong những nhà khoa học đồng hành tích cực nhất cùng Dương Tú trên con đường đấu tranh bảo vệ LCKH. Cái đáng quý của Đăng là anh sẵn sàng “ra mặt” để công bố các thông tin mà anh cùng các bạn thu thập, phân tích được và trực tiếp trả lời các chất vấn trên diễn đàn LCKH, mặc cho bị gièm pha, “ném đá”.

Động lực chính để Đăng tham gia làm những việc này là anh kỳ vọng môi trường khoa học ở Việt Nam sẽ lành mạnh hơn, lợi ích tổng thể về lâu dài sẽ tốt hơn. “Việc lên tiếng phơi bày sự thật của chúng tôi có thể gây xáo trộn một chút trong ngắn hạn nhưng khi có thảo luận trong cộng đồng để tìm giải pháp thì dẫn đến lợi ích lâu dài. Một số cá nhân có thể bị mất quyền lợi nhưng nhìn tổng thể thì môi trường khoa học công bằng hơn sẽ thúc đẩy những người khác yên tâm làm thật. Tôi dù đang sống ở nước ngoài, nhưng vì vẫn còn tình cảm gắn bó với Việt Nam nên vẫn mong muốn tình nguyện làm những việc mang lại ích lợi cho quê hương”, Đăng nói.

3 Sau khi đăng tải bài Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế, Báo Thanh Niên bị một trường đại học được nhắc tên trong bài phản ứng lên các cấp quản lý (bằng văn bản). Nhà khoa học đầu tiên nhiệt tình vào cuộc “bảo vệ” Báo Thanh Niên là Giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Trước đó, khi chia sẻ thông tin cho Báo Thanh Niên, Giáo sư Trung không muốn thể hiện danh tính trên mặt báo, vì ông không muốn mất quá nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, khi thấy báo bị “kiện ngược”, giáo sư tự thấy không thể khoanh tay đứng nhìn cái xấu trong môi trường học thuật hoành hành. Không chỉ viết bài bày tỏ quan điểm trên báo, vị “trưởng lão” của ngành toán còn tiếp tục chia sẻ trên diễn đàn LCKH những thông tin về vi phạm đạo đức khoa học trong ngành của mình mà ông phát hiện được.

Theo Giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam: “Làm khoa học mà không coi đạo đức, liêm chính là yếu tố cốt lõi thì thứ khoa học đó không thể phục vụ nhân loại được, giúp các bạn trẻ nhận thức được điều đó phải là mục đích của diễn đàn này. Môi trường xấu thì cây non không phát triển được”.

Phó giáo sư Trần Thanh Long, Đại học Warwich (Anh), cũng nhận xét ông thấy một sự chuyển biến rất tích cực về nhận thức (so với một năm trước đây) của các nhà khoa học trẻ trước các vấn đề vi phạm đạo đức trong nghiên cứu khoa học, và đây chính là thành quả không thể phủ nhận được mà diễn đàn LCKH mang lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.