Những hiểu nhầm về blockchain

18/06/2022 09:36 GMT+7

"Nếu đặt ngành blockchain Việt Nam so với bối cảnh thế giới thì rõ ràng chúng ta đã sẵn sàng cạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta cần thoát ly ra khỏi định nghĩa blockchain gắn với đồng tiền mã hóa và nhìn nhận đúng vào tiềm lực ứng dụng của công nghệ blockchain", ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Blockchain không phải là Bitcoin hay tiền điện tử, Blockchain là công nghệ

"Blockchain là lý thuyết tồn tại trước, nhưng bắt đầu tính hiện hữu và được biết đến từ ngày Bitcoin ra đời. Hơn 10 năm phát triển, blockchain đã thay đổi nhiều giá trị quan trọng", ông Trung cho biết thêm. Có thể nói cái tên blockchain - công nghệ chuỗi khối hầu như không phải ngẫu nhiên, bởi sổ cái kỹ thuật số thường được mô tả là một “chuỗi” được tạo thành từ các “khối” dữ liệu riêng lẻ. Khi dữ liệu mới được thêm vào mạng định kỳ, một “khối” mới sẽ được tạo và gắn vào “chuỗi”.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Decom Holdings, Nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain

NVCC

Trước đây, blockchain được biết đến nhiều nhất với vai trò quan trọng của chúng trong các hệ thống tiền điện tử, chẳng hạn như bitcoin để duy trì hồ sơ giao dịch an toàn và phi tập trung. Ngày nay, sự đổi mới với blockchain là đảm bảo tính trung thực và bảo mật của bản ghi dữ liệu và tạo ra sự tin cậy mà không cần đến bên thứ ba đáng tin cậy. Đối với tiền điện tử, chúng có thể liên quan đến việc đảm bảo rằng các giao dịch mới trong một khối không phải là gian lận hoặc tiền chưa được sử dụng nhiều hơn một lần. Điều này khác với cơ sở dữ liệu hoặc bảng tính độc lập, nơi một người có thể thực hiện các thay đổi mà không cần giám sát.

Giai đoạn 2020-2021, chúng ta thấy sự chuyển mình từ những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp bước vào thị trường, nắm giữ Bitcoin dài hạn, tác động đến thợ đào, khiến thị trường bị FOMO. Nếu lấy chỉ số giá Bitcoin về ảnh hưởng giá trị, chúng ta thấy chỉ trong một thời gian ngắn, giá BTC có thể đã gần chạm đỉnh 70.000 USD còn hiện nay chỉ có khoảng 20.000 USD. Giá trị này đã vượt xa giá trị khai thác của thợ đào. Nhưng nhu cầu cung cầu lại đi theo một đồ thị khác, vượt xa nhu cầu của thợ đào.

Khi thị trường đi xuống, chúng ta cố gắng tôn trọng thị trường nhưng cũng là thời gian để nhìn lại các thuật ngữ như DeFi, meme coin, metaverse.... Việc các ứng dụng này có phải là xu hướng dài hạn hay không thì vẫn phải theo dõi thị trường.

Chia sẻ về bức tranh toàn cảnh blockchain Việt Nam, ông Trung cho biết: Nếu muốn nhìn ứng dụng blockchain trong đời sống, chúng ta có thể thấy rất nhiều công ty truyền thống đã tiếp cận và ứng dụng blockchain. Covid-19 có thể là một trong những đóng góp rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ blockchain.

Việt Nam đang có rất nhiều sự kiện xoay quanh những vấn đề như GameFi, tuân thủ pháp lý, xoay quanh sự kiện có các KOL lớn như CZ đến Việt Nam. Thực sự, chúng ta đang có quá nhiều thứ cần đẩy mạnh khi chia sẻ, phổ biến kiến thức và hành lang pháp lý vẫn là thách thức lớn".

Những ứng dụng khác của blockchain ngoài crypto

Công nghệ blockchain tạo ra làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi cả thế giới và Việt Nam. Riêng trong năm 2022, thế giới đã đầu tư hơn 11 tỉ USD và công nghệ và các giải pháp blockchain và còn tăng trưởng nữa. Các thống kê cho thấy các công ty tài chính lớn trên thế giới đang tiết kiệm hàng tỉ đô nhờ ứng dụng blockchain vào khâu vận hành tổ chức và quản lý kinh doanh. Chẳng hạn như Amazon, Google là Tập đoàn vẫn đang hoạt động rất tốt qua các thời kỳ biến động của thế giới và đang tạo ra các bước đệm vô cùng mạnh mẽ trong tiến trình tiên phong ứng dụng blockchain.

Blockchain đang ứng dụng cho 50 lĩnh vực khác nhau dù vẫn đang nằm trong quá trình thử nghiệm và chưa có câu trả lời chính xác cho hiệu quả của ứng dụng blockchain tốt cho hoạt động kinh doanh. Và các lĩnh vực có thể đẩy mạnh ứng dụng blockchain với các tiềm lực phát triển đi cùng đó là: Quản lý chuỗi cung ứng với CARG (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) 53,2%, đạt 3,3 tỉ USD năm 2026; Chăm sóc sức khỏe với CARG 48,1% giai đoạn 2019 - 2026, đạt 1,7 tỉ USD năm 2026; Bất động sản với thị trường kỳ vọng tương đương REIT và đạt 3.500 tỉ USD; bên cạnh đó là Quản lý định danh Điện tử.

"Blockchain cũng dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam. Ngoài các ứng dụng mà tôi nói ở trên, ở Việt Nam đang có nhiều ứng dụng của blockchain khá hấp dẫn. Ví dụ, Bộ GDĐT dùng blockchain để làm nền tảng lưu trữ văn bằng. Những ngân hàng đã sử dụng blockchain để làm thư tín dụng, bảo lãnh cho hợp đồng. Hiện FPT là một công ty đầu tư tương đối sớm về blockchain. Chúng tôi có akachain được sử dụng bởi 55 khách hàng trên toàn thế giới, có những khách hàng ở Nhật, Việt Nam sử dụng akachain để xây dựng các nền tảng loyalty trên đó. Chúng tôi cũng đang xây dựng các ứng dụng cho ngân hàng để tạo dựng hệ thống thanh toán tín dụng trên blockchain, các dịch vụ như node service", ông Vũ Anh Tú, CTO FPT chia sẻ tại Diễn đàn Định vị Blockchain Việt.

Việt Nam đang có 6 triệu người sở hữu tiền mã hoá, chiếm 6,1% dân số và hơn số người sở hữu ví điện tử. Rõ ràng đây là cơ hội lớn và cũng là thách thức lớn cho nhà phát triển ứng dụng blockchain tại Việt Nam.

Còn theo ông Trung, Việt Nam đang là một trong những điểm sáng trên thị trường blockchain toàn cầu. Nhưng để có thể tận dụng được lợi thế dẫn đầu, chúng ta vẫn cần nhiều thứ cần đẩy mạnh như chia sẻ, phổ cập kiến thức và xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng. “Khi nhận thấy thách thức và cơ hội thì nên lượng hóa tất cả giá trị mà blockchain đem lại cho tổ chức và cộng đồng”, Ông Trung, Nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain Việt đưa ra lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.