Những hình ảnh từ hiện trường tìm kiếm Su-22 rơi

17/04/2015 08:45 GMT+7

(TNO) Sáng 17.4, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ tiếp tục triển khai tại khu vực hai chiếc tiêm kích bom Su-22 rơi xuống biển. Ngư dân trên đảo Phú Quý Dương Phùng Linh nêu ý kiến: 'Theo tui, nếu mà mấy ổng chịu huy động thêm ngư dân chuyên hành nghề lặn thì sẽ nhanh thôi. Chứ cứ tìm theo vết dầu loang thì khó và lâu lắm'.

(TNO) Sáng 17.4, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ tiếp tục triển khai tại khu vực hai chiếc tiêm kích bom Su-22 rơi xuống biển. Thời điểm 8 giờ 24, tàu CSB 2009 phát hiện vết dầu loang nhỏ cách hòn Đá Bé 3 km. Thời điểm 10 giờ 40, ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, xác nhận thông tin đã tìm thấy vị trí hai chiếc Su-22 rơi.

Tàu cá ngư dân Phú Quý tại hiện trường cùng tàu của bộ đội biên phòng 
[16 giờ] Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cho Thanh Niên Online biết:  "Bộ Quốc phòng đã lập Bộ chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác tìm kiếm máy bay mất tích. Về phía tỉnh, đã giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đưa tàu cứu hộ của Biên phòng trực tiếp tìm kiếm từ ngày hôm qua (16.4). Tỉnh cũng giao cho UBND huyện đảo Phú Quý hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị tìm kiếm. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm cập nhật, theo dõi sát tình hình để báo cáo cho Quân khu và UBND tỉnh".
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng chuẩn bị lên trực thăng rời khỏi đảo Phú Quý 
[15 giờ 50] Ông Nguyễn Hùng Tân cho biết UBND huyện đảo Phú Quý đã bố trí sẵn 10 chiếc tàu của ngư dân, khi cần hỗ trợ sẽ đưa 10 chiếc tàu cùng tham gia tìm kiếm.
Cũng theo ông Tân, sáng nay, hơn 250 phương tiện đánh bắt trong khu vực đã được thông báo về công tác tìm kiếm để khi cần có thể nhanh chóng hỗ trợ, cung cấp thông tin.
[15 giờ 20] Ghi nhận tại đảo Phú Quý, người dân trên đảo đang rất quan tâm về thông tin tìm kiếm hai chiếc Su-22 rơi.
Ngư dân Dương Phùng Linh thắc mắc: "Tại sao cho tới thời điểm này mà vẫn chưa tìm thấy hai chiếc máy bay?. Theo tui, nếu mà mấy ổng chịu huy động thêm ngư dân chuyên hành nghề lặn thì sẽ nhanh thôi. Chứ cứ tìm theo vết dầu loang thì khó và lâu lắm. Cứ cho người ta lặn xuống, dò tìm thì nhanh..."
Trên đảo Phú Quý, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trực thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. 
Ông Tạ Minh Nhựt, phó chủ tịch huyện Phú Quý, cho biết Sở chỉ huy tiền phương công tác tìm kiếm cứu nạn được đặt ở đảo Phú Quý, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án ứng cứu về y tế để phục vụ công tác tìm kiếm. 
Máy bay trực thăng Mi8 của Quân chủng Phòng không Không quân xuất hiện tại khu vực nghi là máy bay rơi, thực hiện tìm kiếm từ trên không
[15 giờ] Tàu đánh cá của ngư dân Phú Quý có mặt tại hiện trường tai nạn Su-22 rơi, tham gia tìm kiếm cùng tàu của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận
[14 giờ] Tàu chở lực lượng bộ đội đặc công ra địa điểm nghi là máy bay rơi, để làm nhiệm vụ dò tìm.
[13 giờ] Sau khi thay phiên nhau nghỉ ngơi, các tàu tham gia nhiệm vụ tìm kiếm hai chiếc Su-22 rơi tiếp tục ra soát, tìm kiếm. 
[12 giờ 30] Bắt đầu xuất hiện máy bay trực thăng Mi8 tại hiện trường làm nhiệm vụ tìm kiếm.
Các tàu tìm kiếm tập trung tại khu vực xác định máy bay rơi (từ phải qua trái: Tàu BP-11-19-01, tàu CSB-2009 và tàu KN-833) 
Việc tìm kiếm được thực hiện bằng các phương tiện chuyên dụng và mắt thường. Khi phát hiện vật khả nghi, sẽ hạ xuồng tiếp cận vật nghi vấn. Hình chụp từ KN-781, phía xa là KN-782 đang tìm kiếm 
Các tàu cá ngư dân cũng tham gia tìm kiếm

[12 giờ] Công tác tìm kiếm hai chiếc Su-22 rơi vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Ba thùng dầu phụ tìm thấy trên biển cũng đã được đoàn công tác Bộ Quốc phòng kiểm tra xong và tạm bàn giao lại cho Ban chỉ huy quân sự đảo Phú Quý để nhập kho, bảo quản.

 
Đoàn công tác của quân khu 7 cũng đã lên tàu từ đảo Phú Quý, quay trở lại TP.Phan Thiết

 

[10 giờ 40] Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, cho biết  đã xác định được vị trí hai máy bay rơi. Lực lượng chức năng đã ra thông báo cho 215 tàu cá đang hoạt động tại khu vực này cùng tìm kiếm. Tổng chỉ huy tìm kiếm trên biển hiện nay là thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân.

 
Khu vực xác định vị trí máy bay rơi
Trực thăng chở đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đáp xuống sân bay Phú Quý 
 

[10 giờ 30] Nguồn tin của Thanh Niên Online cho biết, máy bay chở đoàn công tác của Bộ Quốc phòng vừa đáp xuống đảo Phú Quý để chỉ đạo công tác tìm cứu cứu nạn hai máy bay rơi. Trước tiên, đoàn công tác đã kiểm tra ba thùng dầu của mà tàu cứu hộ của biên phòng Bình Thuận vừa vớt được hôm qua.

 

Hiện giờ đã xác định được vị trí máy bay rơi.

 

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đang tiến hành thương thảo với một tàu lặn chuyên nghiệp của ngư dân trên đảo để đưa các thợ lặn này ra vị trí máy bay rơi tìm kiếm. Tàu lặn được chọn để thuê là tàu của ông Nguyễn Đức, trú ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý.

[10 giờ] Công tác tìm kiếm, cứu hộ đang tập trung dồn về một khu vực trên biển cách Phú Quý khoảng 6,5 hải lý và cách đất liền (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) khoảng 37 hải lý. Tàu BP-11-19-01 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã có mặt tại điểm phát hiện vết dầu loang và tham gia tìm kiếm.
Tàu BP-11-19-01 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tham gia tìm kiếm
[9 giờ 30] Lực lượng tham gia tìm kiếm, ngoài 4 tàu Kiểm như (KN-781, KN-782, KN-767, KN-833), còn có tàu CSB-2009, tàu cá của ngư dân và đặc biệt là tàu pháo - tên lửa 379 của Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
[8 giờ 24] Tàu CSB-2009 phát hiện vết dầu loang nhỏ cách hòn Đá Bé 3 km. Tọa độ phát hiện vết dầu loang là 10 độ 36 phút 2 giây kinh độ bắc; 108 độ 5 phút 04 giây vĩ độ đông.
[8 giờ 30] Lực lượng tìm kiếm được tăng cường thêm tàu CSB-2009. Trước đó, 3 thùng dầu phụ được kéo từ hiện trường về đã được đưa ngay về bờ để phục vụ công tác điều tra. 
Việc tìm kiếm được thực hiện bằng các phương tiện chuyên dụng và mắt thường. Khi phát hiện vật khả nghi, sẽ hạ xuồng tiếp cận vật nghi vấn.

Tàu cảnh sát biển 2009 đã có mặt tại hiện trường tìm kiếm
[7 giờ 30] Hiện các tàu đang khẩn trương tìm kiếm tại khu vực Su-22 rơi. Ngoài các tàu ngư dân và các lực lượng khác, lực lượng chủ công tìm kiếm bao gồm các tàu Kiểm ngư KN-781, KN-782, KN-767 và KN-833.
Thời tiết trên biển cấp 3 cấp 4, gió nhẹ, dễ quan sát ở cự ly xa.
Phao đánh dấu khu vực máy bay rơi do ngư dân thả từ hôm qua
Tàu pháo - tên lửa 379 của Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân tham gia tìm kiếm

Trước đó, trưa 16.4, một biên đội gồm 2 chiếc Su-22M4 cất cánh từ Thành Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khi đang tập luyện trên biển Bình Thuận đã gặp nạn, rơi xuống biển.

Hai chiếc tiêm kích bom Su-22M4 này thuộc Trung đoàn 937, sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân, chuyên bảo vệ Trường Sa.
Được biết, trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú khi đang điều kiển Su-22 tập luyện bổ nhào ngoài biển thì gặp nạn cách khu vực đảo Phú Quý chừng 6 hải lý, gần đảo Hòn Trứng.
Bộ Quốc phòng huy động lực lượng tìm kiếm
Chiều 16.4, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có thông báo số 543/TM-TC, cho biết ngày 16.4, Trung đoàn Không quân 937, đóng quân ở sân bay Phan Rang tổ chức huấn luyện bay trong điều kiện cơ động phức tạp trên biển ở khu vực vùng biển tỉnh Bình Thuận.
Lúc 11 giờ 24 phút, Biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã bị mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút (khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10 - 20 km).
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 7 khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện đang hoạt động ở khu vực biển miền Trung và Bình Thuận phối hợp với ngư dân trên biển tìm kiếm cứu nạn 2 phi công, đồng thời xác định khu vực máy bay rơi.
Hai phi công gặp nạn gồm Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370; Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Trung tá Lê Văn Nghĩa, quê ở Huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội, hiện đang sinh sống tại quận 7, TP.HCM; còn Đại uý Nguyễn Anh Tú, quê ở Kiến Thụy, Hải Phòng, hiện gia đình đang ở Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Hiện các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tích cực hoạt động tại hiện trường nhưng mới phát hiện và vớt được 3 thùng dầu phụ; chưa tìm thấy phi công và vị trí cụ thể máy bay rơi.
Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc mất an toàn bay nghiêm trọng nêu trên và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị giải quyết hậu quả.(TTXVN)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.