“Thế là mẹ nó đi Tây”
Gặp tôi, một anh chồng họ Trịnh ở làng quê Cương Gián (Nghi Xuân-Hà Tĩnh) than thở: “Khi nghe tin vợ về, em cùng mấy người trong làng có vợ cùng về hăm hở ra sân bay Nội Bài đón. Các cô từ phía máy bay đi ra, cô nào da dẻ cũng trắng trẻo, dáng người mập mạp, ăn mặc sang trọng, đi về phía người nhà, giáp mặt nhau, chúng em mới ngỡ ngàng nhận ra vợ mình, nhưng sao lạ quá, không đứa nào dám xông lên ôm vợ. Khi lên ô tô, mình ngồi bên cạnh vợ, mùi nước hoa thoang thoảng, lòng dạ lâng lâng... Phải can đảm lắm em mới dám đưa tay quàng lên vai vợ nhưng thấy sao hờ hững. Về nhà tưởng được ngủ chung, ngờ đâu nó nại ra đủ lý do để từ chối, rồi làm giấy ly hôn để... đi tiếp”.
Sau ba năm ở Đài Loan về Nhung càng xinh đẹp và sang trọng hơn. Ai gặp nó cũng tưởng là người Tây hay người Tàu... khó nhận ra đó là con Nhung vợ thằng An ơ xóm Đá Hàn - Cồn Mụ. Nay hai đứa sống trục trặc với nhau một phần có lỗi từ con trai mình. Một người đàn ông còn trẻ xa vắng vợ, thiếu người đàn bà trong nhà không ai quản, sinh ra rượu chè bê tha. Con Nhung về, nó chán cũng có cái lí của nó... Lời của một bà mẹ |
Chị Trương Thị Trâm - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cương Gián bổ sung thêm: “Tôi cũng là phụ nữ nhưng công bằng mà nói nhiều chị em ra đi, làm được đồng tiền về coi chồng chẳng ra gì, họ còn cửa quyền hơn đàn ông”. Chị Trâm thống kê một loạt họ tên những phụ nữ đi XKLĐ, nay về thay đổi từ trong lẫn ngoài, sống bên chồng như đôi đũa lệch, nên đành chia tay nhau rồi trở lại Đài Loan. Dẫn chúng tôi đến một căn nhà xây rất sang trọng nhưng cửa khép kín từ lâu không người ở, chị Trâm cho biết chủ nhà là Nguyễn Thị Dịu (sinh năm 1978), có chồng là Nguyễn Văn Huấn, lớn hơn vợ gần 20 tuổi.
Thời Dịu đang là con gái quen biết anh Hòa đã có một đời vợ, bố mẹ không chấp nhận cho cưới nhưng Dịu vẫn quyết tâm cưới. Họ có với nhau hai con trai, Vinh (sinh năm 1996) và Hiếu (sinh năm 1999). Sang Đài Loan sau 3 năm, Dịu có được gần 300 triệu đồng gửi về cho bố mẹ xây nhà.
Nay Dịu về, người phụ nữ đang độ tuổi 30 sung sức, trong khi người chồng đã ngoại ngũ tuần... Không còn hợp nhau, họ chia tay, anh Huấn về Nghệ An, Dịu gửi hai đứa con nhỏ ông bà ngoại nuôi, tiếp tục cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc.
Vợ chồng Dương Văn An (sinh năm 1969) và Lê Thị Nhung (sinh năm 1972) quê xã Kỳ Văn - Kỳ Anh một thời gắn bó tình cảm, là mẫu hình cho tình yêu lứa đôi ở nông thôn làm ăn chăm chỉ. Nay cũng đã đổ vỡ sau ngày vợ đi XKLĐ về.
Biết được gia cảnh của An, tôi hỏi: Trước đây hai người đi đến hôn nhân bằng tình yêu hay vì một lý do nào khác? Mẹ của An đỡ lời ngay: “Gia đình tôi đã dồn sức cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Thằng An từng là một sỹ quan đặc công 8 năm ở quân đội, khi nó về, tôi định hỏi cho nó một người vợ làm nghề giáo viên. Nhưng nó thích con Nhung to cao, khỏe mạnh và xinh gái nhất xã này. Cưới nhau rồi chúng nó làm ăn phát đạt tôi rất mừng. Khi thằng An chuẩn bị tiền cho Nhung đi Đài Loan tôi không đồng ý. Bởi tôi biết, phụ nữ có nhan sắc ở xa chồng khó giữ được mình, nhất là khi có nhiều người nhòm ngó...”
An buồn rầu tiếp lời mẹ: “Trước đây chúng em sống với nhau rất tình cảm. Hồi ấy thấy nhiều phụ nữ ở đây đi XKLĐ làm ăn phát đạt, Nhung bàn với em thử đi một chuyến xem sao. Gia đình bên ngoại vay giúp 12 triệu đồng của ngân hàng, em bán thêm 3 con trâu... Tổng cộng số tiền khoảng 20 triệu lo cho Nhung đi.
Hai năm đầu Nhung gửi về cho em ba chục triệu đồng. Em đã dành 5 triệu trả nợ tiền vay, 7 triệu làm cái bếp, 10 triệu đầu tư trồng 2 ha rừng tràm, còn 8 triệu nuôi con ăn học. Nhưng từ năm thứ 3 Nhung không còn gửi cho em nữa.
Hôm Nhung từ Đài Loan về, em ra sân bay Nội Bài đón. Sau cả thời gian dài vợ chồng xa nhau, vậy mà đêm đó Nhung không đồng ý ngủ chung. Nhiều việc tế nhị, khó nói nhưng em vẫn kìm nén... Không chịu nổi kiểu sống mặt giăng, mặt giời. Em thuyết phục nhưng Nhung không chịu nghe. Nhân cái đà ấy, Nhung ra điều kiện: “Anh cứ viết đơn ly hôn, tôi ký ngay”.
Bực mình, An nổi nóng nói thẳng: “Khi cô không còn tình cảm với tôi nữa, muốn đi đâu thì đi”. Không ngờ, Nhung gói đồ đạc đưa các con lên bên ngoại ở, một tháng sau cô trở lại Đài Loan. Từ chỗ có trâu bò đàn, An bán hết lo cho vợ. Thế là nay An hai bàn tay trắng, phải vào miền Nam làm thuê kiếm sống, cơ cực...
Ngồi lặng im một lúc lâu, An đưa tay quệt ngang những giọt nước mắt trên hai gò má, kể tiếp: “Cách đây vài hôm, lúc ấy cũng đã khoảng hơn 10 giờ đêm. Em buồn nhớ về những kỷ niệm xa xưa với người con gái cùng quê yêu nhau và xây dựng gia đình, một thời hạnh phúc. Đến nay về mặt pháp lý thì Nhung vẫn là vợ của em, chưa đưa nhau ra tòa.
Em bấm vào số điện thoại của Nhung thử xem. Nghe bên kia là một giọng của người đàn ông, nói tiếng Đài. Em cũng biết được ít nhiều tiếng Đài, lịch sự xin phép cho được gặp Nhung một chút. Anh ta đưa máy cho Nhung nghe. Nhận ra giọng em, Nhung đã nói khá gay gắt: “Đến giờ này, anh còn gọi điện sang cho tôi làm gì. Từ nay anh đừng có điện sang mà tốn tiền. Ở nhà cố gắng tìm hiểu mà lấy một người vợ khác. Tôi sẽ không về với anh nữa đâu...”, rồi tắt máy.
“Tò vò mà nuôi con nhện”
Bố mẹ chia tay, hai cháu Vinh và Hiếu trước ngôi nhà bỏ trống
Câu chuyện của Trương Văn H., có vợ là Kiều Thanh(*) giáo viên Anh ngữ cũng khá bi hài.
Thấy đồng lương nghề giáo thấp, có người từ Cộng hòa Séc về bắt mối với Kiều Thanh nhờ sang giúp anh em đồng hương bên ấy làm phiên dịch, quản lý một số ốt bán hàng.
Kiều Thanh xin nghỉ dạy không hưởng lương ra đi. Chồng và đứa con trai hơn 4 tuổi ở chung với gia đình bên nội.
Ba năm sau Kiều Thanh trở về trông lộng lẫy như Tây. Cô xin chồng và gia đình bên nội đưa con sang bên ấy chơi một chuyến. Ông chồng ngỏ lời muốn đi cùng nhưng vợ không đồng ý.
Sau nhiều lần cãi vã, người vợ quyết định làm đơn ly hôn và đòi được nhận nuôi con đưa đi. Phía nhà chồng không đồng ý vì thằng bé là cháu đích tôn trong dòng họ.
Khó khăn lắm cô vợ mới đưa ra một thông tin làm phía gia đình bên nội choáng váng: Khi còn dạy ở miền Nam cô đã yêu một người con trai Nghệ An, gia đình cô không đồng ý cho con gái lấy chồng xa mà muốn con xây dựng gia đình với thầy giáo quê cùng xóm.
Không thắng nổi nguyện vọng của bố mẹ, trước lúc cưới nhau cô đã trao thân gửi phận cho người yêu của mình mà kết quả là đứa con trai kháu khỉnh ấy đã ra đời.
Kiều Thanh nói: “Có hai lý do mà em không thể để thằng bé lại vì người yêu cũ của em, bố của cháu hiện nay ở bên kia vẫn chưa lấy vợ. Sau khi chia tay nhau anh ấy đã sang Cộng hòa Séc trước, sau đó đã tổ chức cho em sang. Em cũng không muốn làm người lừa dối để sau này đứa con của em lớn lên lo đại sự thắp hương khấn vái trên bàn thờ của họ Trương mà không phải là tổ tiên của mình...”.
Những chuyện tình cay đắng làm đổ vỡ bao nhiêu gia đình sau những chuyến xuất ngoại của phụ nữ có chồng ở quê còn dài dài khó lòng sưu tầm và kể hết. (Còn tiếp)
Kỳ 1: Những gia cảnh bi thương
Theo Võ Minh Châu / Tiền phong
Kỳ 3: Dùng tiền vợ lo việc người dưng
*Các nhân vật trong bài đã được đổi tên
Bình luận (0)