Có người học ngành cơ khí ô tô ở trường đại học, có kẻ vì mê xe 4 bánh tự luyện mà thành... Dẫu nhiều tiền, ít tiền, xe hơi qua tay họ đều thay đổi, làm chủ xe quên mất hình dáng ban đầu con xe của mình.
Chỉ cần một lần đem những chiếc xe như BMW, Mercedes Benz hay Toyota... tới gặp anh Nguyễn Đình Sơn, giá trị của chiếc xe sẽ... giảm rất nhiều. Nhưng chủ xe chẳng ai tiếc rẻ bởi chiếc xe từ nay có hình ảnh mới, hầm hố hơn, dáng sang, tốc độ nhanh, đèn xe ngầu hơn...
Thách thức mọi kiểu dáng
Từ BMW E90 có thể nâng cấp lên thành dòng series 3. Nhưng có thể tin được không, từ chiếc xe Toyota Celica 209 qua bàn tay phù phép của anh Trần Đình Sơn lại trở thành Lamborghini? Nhớ lại thời điểm 2009, anh Sơn cho biết: “Đấy là chiếc xe mà tôi nâng cấp tới nóc! Tha hồ thể hiện ý tưởng, làm xong thấy thỏa mãn nhất”. Nhờ đấy là xe có 2 cửa nên chỉ cần mua thêm cặp bản lề mới là chuyển thành xe cánh dơi như phiên bản thật.
Sau một năm lăn lộn ở xưởng làm xe, anh Sơn vẫn tiếc là không thay đổi được máy xe. Một kỷ niệm vui mà suốt đời anh không thể quên, là bạn bè cứ hỏi dò sao mà máy xe Toyota giống Lamborghini thế. Ít người biết rằng đó chỉ là tiểu xảo nhỏ, anh Sơn nhờ bạn vẽ hình dáng máy của chiếc Lamborghini thật và lắp dưới nắp ca pô để ngụy trang, khi người ngoài nhìn vào máy xe không đoán được đó chỉ là hình ảnh che lại dàn máy của xe cũ.
Toàn bộ thân xe được gò lại, để tăng độ bền cho vỏ xe chống va đập, chiếc Toyota Celica được làm bằng tôn mỏng chứ không dùng chất liệu composite thông thường. Nhờ vậy, nếu lỡ có va chạm, thân xe cũng không bị vỡ toang, mà còn dễ sửa chữa khi cần.
Quá chênh lệch một trời một vực như thế nhưng khi chạy bon bon trên đường, chiếc Celica “giả” Lamborghini màu vàng vẫn thu hút bao ánh mắt của người đi đường. Nếu so với giá trị của siêu xe thì 380 triệu đồng để độ hình dáng là con số lẻ, nhưng nếu đem cái mốc 68 triệu cho giá một chiếc được xếp hạng “xe cỏ” thì số tiền chi cho việc làm xe không hề nhỏ tí nào.
Đỉnh cao của độ là bán xe
Không biết chiếc Lamborghini “nhái” hiện giờ đi đâu về đâu bởi theo anh Sơn “đỉnh cao của độ xe là bán xe”, sau một thời gian chỉnh sửa, làm mới... theo tất cả các ý tưởng nảy ra trong đầu, tạo ra một phiên bản mới thì người chơi xe lại bán nó đi để rước một chiếc mới về, tiếp tục... độ.
Dân trong nghề chia độ xe thành nhiều loại, chủ yếu có 2 nhóm chính là độ option (đã có mẫu sẵn, mua phụ tùng về thay thế), hai là độ theo yêu cầu, khó hơn. Có người thích chiếc Audi chỗ này có đường cong, chỗ kia thêm đôi mắt ở nắp ca pô cho nó hầm hố tí... Muốn làm một con xe thường chỉ mất 1 tháng nhưng để hoàn thiện một mẫu theo ý tưởng phải mất 4-5 tháng tinh chỉnh. Vì chín người mười ý, mỗi người thích một mẫu xe riêng, nên nhiều khi đã làm cùng một chiếc xe nhưng lần thứ 2 độ có thể hoàn toàn khác lần đầu, nhiều khi muốn dùng mẫu xe đã vất vả thiết kế lần trước nhưng không thể áp dụng làm đại trà.
Còn nhớ chiếc BMW 90E của anh Minh, tính đến nay đã qua 5 lần đại phẫu từ độ mâm bánh, nội thất, body kit... Theo anh Sơn, đã nâng cấp xe thì “một đi không trở lại” bởi nếu lỡ độ xe khác với phiên bản chi phí có thể lên đến 100 - 400 triệu đồng, còn để lấy lại hình dáng ban đầu của nó thì chi phí có thể đội lên gấp đôi. Chính vì thế, trước khi làm xe phải suy nghĩ cho kỹ, chỉ có thể độ - bán - mua xe mới mà thôi.
Nguyên Trang
Ảnh: NVCC
Bình luận (0)