Lưu giữ những khoảnh khắc bình dị của làng quê
Tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường ĐH Sư phạm Huế, anh Lê Văn Trường An (32 tuổi), hiện đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hóa và là giáo viên giảng dạy môn lịch sử tại Trường THPT Lê Hồng Phong (tỉnh Khánh Hòa).
Năm 2017, anh An bắt đầu thực hiện dự án "Thương nhớ làng quê" với nội dung chủ yếu là ghi lại những bức ảnh chân dung của con người làng quê, những nghề nghiệp và lễ hội văn hóa truyền thống. Tính đến thời điểm hiện tại, thầy giáo 9X đã rong ruổi và ghi lại hàng ngàn bức ảnh, chủ yếu thực hiện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và Khánh Hòa. Trong những năm qua, anh An thường về Huế 2 lần mỗi tháng để lưu lại những khoảnh khắc của người dân nơi đây.
Chia sẻ về ý tưởng, anh An cho biết bản thân gắn bó với làng quê từ thơ bé nên anh nhận thấy một số giá trị văn hóa đang dần bị mai một theo thời gian. "Mình học tập và sau này giảng dạy, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa nên mình muốn thông qua việc chụp ảnh để lưu giữ những hình ảnh về con người cũng như những giá trị truyền thống của làng quê Việt Nam", anh An bày tỏ.
Để trau dồi kỹ năng chụp ảnh, anh An thường học tập từ những người bạn và anh cũng học thêm trên các kênh, diễn đàn nhiếp ảnh ở trong và ngoài nước. "Quan trọng là thực hành những thứ mình đã được học, được hướng dẫn, từ đó rút ra những kỹ năng cần thiết cho bản thân về nhiếp ảnh", anh An cho hay.
Giúp những giờ học trở nên sinh động hơn
Để có bức ảnh đẹp và chân thật nhất, anh An thường chú trọng đến cảm xúc của nhân vật và quan trọng là bản thân anh phải tiếp cận, tìm hiểu trước khi chụp. Cụ thể, anh An thường chọn cách trò chuyện trước cùng nhân vật để hiểu thêm về họ hoặc trước khi chụp một lễ hội, anh thường tìm hiểu về nguồn gốc và đặc điểm của lễ hội đó.
Khi có được tấm ảnh ưng ý, thầy giáo 9X cho biết: "Cảm xúc lúc đó thật khó tả, nhiều lúc nhìn lại khoảnh khắc ấy, mình bất giác cười, bản thân cảm thấy vui vẻ cả ngày, năng lượng tràn đầy".
Sau khi xem qua những bức ảnh của "Thương nhớ làng quê", Đỗ Việt Phong (22 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại KP6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM, bộc bạch: "Sinh ra và gắn bó với Huế mười mấy năm, nay đi làm xa quê nên khi ngắm nhìn hình ảnh con người và làng quê bình dị do anh An chụp, mình thấy nhớ quê da diết, thấy yêu thêm nét đẹp quê hương, sự mộc mạc chân chất của người lao động quê nhà".
Trong tương lai, anh An dự định tiếp tục dùng hình ảnh để truyền tải những giá trị văn hóa và lịch sử đến với mọi người. Bằng cách thực hiện thêm nhiều bộ ảnh liên quan đến lịch sử thời trang, phong tục hay ngành nghề truyền thống, nếu có thể sẽ sử dụng rộng rãi hơn trong việc giáo dục lịch sử ở trường học, điều này anh cũng đã từng áp dụng tại các giờ dạy của mình.
Ra trường đã gần 3 năm, nhưng Huỳnh Thị Minh Thư (21 tuổi), cựu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, vẫn nhớ mãi những tiết dạy của thầy An. Trong một tiết dạy, thầy An đã sử dụng những hình ảnh tại lễ cầu ngư được chính tay thầy chụp để dạy học sinh. Minh Thư nhận xét: "Những hình ảnh được thầy giải thích rõ ràng và cụ thể. Tiết học đó rất ý nghĩa và thiết thực bởi vì giúp mình hiểu sâu hơn về lịch sử địa phương mà không bị nhàm chán. Cách dạy đó rất thú vị, như một làn gió mới giúp học sinh hứng thú và muốn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử địa phương mình".
"Mình không có kỳ vọng gì lớn khi bắt đầu, nhưng sau một thời gian, mọi người bắt đầu quan tâm và hưởng ứng hình ảnh của mình nên mình bắt đầu có những kỳ vọng nho nhỏ. Đó là thông qua những hình ảnh mình chụp sẽ giúp mọi người, nhất là giới trẻ có một cái nhìn chân thực về những giá trị truyền thống, những con người thôn quê cũng có những vẻ đẹp tiềm ẩn mà do cuộc sống thường nhật bận rộn chúng ta ít nhận ra", anh An tâm sự.
Bình luận (0)