Những khúc ca huyền bí: Giết người trong mộng

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
29/10/2021 06:30 GMT+7

30 năm sau khi thi sĩ Hàn Mặc Tử qua đời (1940 - 1970), nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy ý một đoạn thơ của Hàn để phổ thành ca khúc Giết người trong mộng.

Có lẽ nhiều người (kể cả các ca sĩ) khi hát ca khúc Giết người trong mộng thì chỉ biết đó là một bài hát do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Hàn Mặc Tử, rồi cứ ngỡ nguyên văn trong thơ Hàn toàn những “giết và... giết!” nghe đến lạnh xương sống. Thực ra ông Phạm Duy chỉ lấy 4 câu cuối của bài thơ Lang thang của Hàn thi sĩ (toàn bài thơ có 18 câu), 4 câu ấy như sau: “Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói/Gió trăng có sẵn làm sao ăn/Làm sao giết được người trong mộng/Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?”. Phần thơ chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng khi làm nhạc thì ông Phạm Duy kéo dài ra, thêm thắt rất nhiều lời, nhất là cụm từ “Giết người đi!” được nhắc đi, nhắc lại nghe đến chết khiếp: “Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phũ phàng. Giết người đi! Giết người đi! Giết người trong mộng đã bội thề. Giết người đi! Giết người đi! Giết người quên tình nghĩa phu thê... Giết người đi! Giết người đi! Giết người trong mộng đã đi về. Giết người đi! Giết người đi! Giết người như loài bướm đong đưa. Giết người đi! Giết người đi! Giết người mơ, giết tình thơ. Giết người trong mộng mơ...”.

Hàn Mặc Tử

Tư liệu

Trong câu thơ “Làm sao giết được người trong mộng” của Hàn Mặc Tử chắc chỉ có một “người trong mộng” nhưng qua nét nhạc của Phạm Duy thì có rất nhiều “đối tượng” bị... hành quyết: Đó là những người đã bội thề, người quên tình nghĩa phu thê, thậm chí người về trong giấc mộng... Tuy nhiên, đó lại là một ca khúc hay, chẳng thế mà có rất nhiều danh ca đã yêu thích và thể hiện bài hát này. Khởi đầu là Julie Quang (1970), rồi Duy Quang, Elvis Phương, Thanh Thúy... đó là các ca sĩ hát trước 1975 khi còn trong nước. Thời kỳ sau 1975 là các ca sĩ Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ngọc Lan, Ý Lan, Ngọc Anh, Hạ Vy...

Ai là “người trong mộng” ?

Bây giờ chúng ta thử đi tìm nhân vật “trong mộng” mà Hàn Mặc Tử đòi “xử trảm”. Nhiều nhà nghiên cứu về Hàn Mặc Tử cho rằng thơ tình của Hàn đồng dạng với “thơ điên”, “thơ đau thương”. Hàn bị bệnh phong, chàng chống lại cơn đau thể xác bằng tình yêu đau khổ, bằng những câu thơ “dị thường” ập tới trong não bộ. Vì bị bệnh dễ lây nhiễm nên Hàn phải sống cách ly trong một cái chòi rách nát, tới lui chỉ có một chú tiểu đồng tên Hành làm nhiệm vụ đưa cơm nước hằng ngày. Gia cảnh nhà chàng bấy giờ cũng đã sa sút vì ông bố làm thông phán đã mất trước đó, cho nên những câu trong bài thơ Lang thang vừa có nét ẩn dụ lại vừa thực tế theo đúng nghĩa đen: “Lãng tử ơi, mi là tên hành khất/May không hộc máu chết rồi còn đâu? Áo ta rách rưới trời không vá/Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng/Trời hỡi, nhờ ai cho khỏi đói/Gió trăng có sẵn làm sao ăn?”. Nhà thơ mắc bệnh hiểm nghèo đã là thương tâm, lại còn thêm ăn mặc đói khát, rách rưới thì thật là bất nhẫn! Chính từ hoàn cảnh như thế mà Hàn Mặc Tử đã có những vần thơ điên, thơ “ảo giác”, cho nên câu “giết người trong mộng” cũng chỉ là thơ ảo giác, để giải phóng những trầm uất... 28 tuổi đời (1912 - 1940) và 6 năm làm thơ, Hàn Mặc Tử được biết có đến 5 - 6 người yêu nhưng tất cả đều là những mối tình thánh thiện, phảng phất. Trước tiên là tình yêu đơn phương với Trà (con út của ông cậu họ). Cô này chờ mãi một câu tỏ tình nhưng anh chàng nhút nhát quá thành thử cô bấm bụng đi lấy chồng. Một người nữa là Hoàng Cúc, người con gái Huế đã khiến Hàn làm bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ.

Các nàng thơ Hoàng Cúc (phải) và Mộng Cầm

Tư liệu

Mối tình da diết nhất trong cuộc đời chàng gắn liền với Mộng Cầm (quê ở Phan Thiết). Từ những thư từ trao đổi chuyện thơ văn khi Hàn làm báo ở Sài Gòn, chàng đã nhiều lần bắt xe về Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Hai người từng đi chơi ở lầu Ông Hoàng (chi tiết trong ca khúc Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh) nhưng rồi chàng phát bệnh và duyên không thành. Chính lúc Hàn đang tột cùng đau khổ trong bệnh tật thì một giai nhân khác xuất hiện: Mai Đình - cô vốn là bạn văn chương và cô rất nặng lòng với Hàn. Năm 1937, khi biết Hàn mắc bệnh cô đã ra Quy Nhơn và tình nguyện ở lại chăm sóc Hàn, nhưng vì mặc cảm bệnh tật Hàn đã từ chối và chỉ gặp cô 3 lần. Sau khi Hàn mất, Mai Đình đã ra trại phong Quy Hòa để cùng với ông Trần Thanh Mại (bạn thơ của Hàn) ngược xuôi từng động cát nhặt nhạnh những tờ giấy vệ sinh mà lẫn trong đó là những bài thơ của Hàn Mặc Tử, do các bệnh nhân khác không biết đem dùng... Rồi Ngọc Sương chị ruột của nhà thơ Bích Khê (bạn của Hàn) nổi tiếng với những câu thơ toàn vần bằng: “Ô hay, buồn vương cây ngô đồng/Vàng rơi ,vàng rơi thu mênh mông...”. Nhưng “đáng ngờ” nhất là Thương Thương, người ta kể rằng, trong những ngày nằm trong túp lều bên bờ biển, Hàn Mặc Tử đã nhận được một bức thư đề tên người gửi là Thương Thương. Bức thư bày tỏ tấm lòng của một nữ sinh xứ Huế với hồn thơ và cuộc đời bất hạnh của Hàn Mặc Tử. Chàng đã đem lòng say đắm người trong mộng dù chưa gặp mặt lần nào. Tình yêu và nỗi tương tư đó đã chắp cánh cho chàng sáng tác những vở kịch thơ như Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội... Cho nên Thương Thương có lẽ đúng là người trong mộng của Hàn. Nhưng yêu còn chưa thỏa nói chi là giết!

Phạm Duy còn phổ nhạc một bài thơ của Hàn Mặc Tử có tên Hồn là ai? - nghe cũng rất rùng rợn! Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng tại Trại phong Quy Hòa ngày 11.11.1940 ở tuổi 28, để lại một số tác phẩm - tuy ít nhưng thật rực rỡ ở một cõi riêng của chàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.