Những khúc ca huyền bí: Hồn trinh nữ

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
28/10/2021 06:15 GMT+7

Một ca khúc được khá nhiều ca sĩ trong nước và hải ngoại ưa thích và trình bày, không ngờ đó là bài hát để tưởng niệm... hồn ma một trinh nữ.

Cách đây nửa thế kỷ (năm 1970), tôi rất thích đọc thơ Nguyễn Bính, dù tôi đang sống ở miền Nam còn thi sĩ ở miền Bắc và đã mất trước đó (1966). Một trong những đoạn thơ của Nguyễn Bính mà tôi rất thích là: “...Sáng nay vô số lá vàng rơi/Người gái trinh kia đã chết rồi/Có một chiếc xe màu trắng đục/Hai con ngựa trắng bước hàng đôi.... Mang theo một chiếc quan tài trắng/Và những vòng hoa trắng lạnh người/Theo bước những người khăn áo trắng/Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi...”.

Nhạc sĩ Trần Trịnh (trái) và nhạc sĩ Nhật Ngân

Dạo đó, tuy là đứa con nít mới lớn nhưng tôi cũng đã nhận biết ông Nguyễn Bính làm thơ tài tình đến thế, nhất là cách dùng điệp từ “trắng”: Cỗ xe tang màu trắng, với đôi ngựa trắng, những vòng hoa trắng và đoàn người khăn áo trắng tang chế đang khóc than một thiếu nữ còn trinh trắng... Ôi trời! Chỉ tưởng tượng thôi đã... lạnh người.

Vài năm trở lại đây, nghe Hoàng Oanh, Giao Linh hát một ca khúc có những ca từ quen quen, tôi mới vào YouTube nghe thử. Ô, đích thị “nó đây rồi!” - “nó” là ca khúc Hồn trinh nữ do Trịnh Lâm Ngân phổ từ bài thơ Viếng hồn trinh nữ của thi sĩ Nguyễn Bính (trích trong thi tập Lỡ bước sang ngang - nhà in Lê Cường, Hà Nội 1940). Từ đó, tôi tìm hiểu nguyên tác bài thơ, mới biết rằng toàn bài có đến 18 khổ (mỗi khổ 4 câu). Nội dung bài thơ là cảm xúc của tác giả khi chứng kiến cảnh đưa tiễn một người trinh nữ vào huyệt mộ trong một buổi sáng u ám. Trong cuốn Thơ & giai thoại Nguyễn Bính của tác giả Vũ Nam có kể lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ như sau: Khoảng năm 1940, một lần Nguyễn Bính cùng bạn thân là Vũ Trọng Can đang đứng ở nhà số 20 phố Hàng Ngang (Hà Nội), chợt thấy có một đám ma đi qua. Hỏi ra thì biết đó là đám tang của một cô gái mới 16 tuổi, là hoa khôi đẹp nhất phố Hàng Đào, ai cũng xuýt xoa thương tiếc cho một kiếp người ngắn ngủi, hồng nhan bạc mệnh.

Hồn trinh nữ do Trịnh Lâm Ngân phổ từ bài thơ Viếng hồn trinh nữ của thi sĩ Nguyễn Bính

Tư liệu

Thế mới biết tâm hồn nhà thơ rất nhạy cảm (và đa cảm). Chỉ đứng nhìn đám tang của một người không quen biết thôi, đã thấy thương. Rồi khi biết người chết là một cô gái còn rất trẻ, mới có 16 tuổi, thì trong suy nghĩ của thi sĩ đã nảy ra bao tình huống tưởng tượng: cô ấy mới vừa lần đầu ngượng ngùng thoa son lên đôi môi; nàng vừa ướm thử “chiếc áo màu xanh tựa nước hồ” mới may, nào ngờ “chiếc áo giờ đây ở dưới mồ”. Rồi thi sĩ nghĩ đến người mẹ và những đứa em của nàng: “Mẹ già xé vội khăn tang trắng/Quấn vội lên đầu mấy đứa em/Người mẹ già kia tuổi đã nhiều/Đã từng đau khổ biết bao nhiêu/Mà nay lại khóc thêm lần nữa/Nước mắt còn đâu buổi xế chiều...”. Thậm chí, nhà thơ còn giả định cô ấy có người yêu, người ấy đã muốn dạm hỏi toan tính chuyện vợ chồng: “Người ấy hình như có biết nàng/Có lần toan tính chuyện sang ngang/Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé/Vội cắm nghìn thu ở suối vàng”. Hai câu: “Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé/Vội cắm nghìn thu ở suối vàng” để kết bản nhạc. Tùy theo ca sĩ, đoạn này người thì ngâm (Hoàng Oanh, Thúy Hà, Mai Kiều...), có người lại hát.

Phải công nhận trình độ siêu đẳng của Trịnh Lâm Ngân khi phổ từ thơ ra nhạc, bởi vì dù đã “dịch” thoát ý nhưng vẫn giữ lại được cái “hồn cốt” của bài thơ. Tới đây, người viết xin lỗi tác giả và bạn đọc vì đã vài lần viết “Trịnh Lâm Ngân” mà không có chủ ngữ phía trước: ông (hoặc nhạc sĩ). Xin thưa, bởi vì Trịnh Lâm Ngân là bút danh của một nhóm 3 người (Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân) nên cũng khó xưng hô.

Riêng với nhà thơ Nguyễn Bính, chắc hẳn hầu như ai cũng biết “thi sĩ của đồng quê” này bởi những vần thơ tuy mộc mạc mà lại rất lãng mạn, du dương của ông. Đôi khi thơ của Nguyễn Bính bỗng “được” trở thành... ca dao, như: “Gió mưa là bệnh của trời/Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Đủ biết thơ Nguyễn Bính in đậm trong tâm tưởng công chúng thế nào (bản thân tôi từ 25 năm nay đã trở nên thân thiết với gia đình nhà thơ Nguyễn Bính).

Ai đó hãy thử nghe bản Hồn trinh nữ do Như Quỳnh hát được phối với tiếng chuông mõ cầu siêu... nghe thật rợn người!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.