Những khúc ca huyền bí: 'Đừng bỏ em một mình'

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
25/10/2021 06:15 GMT+7

Một số nhà nghiên cứu cho rằng một trong những tính chất nổi bật của nhạc Việt là êm đềm, trữ tình. Tuy nhiên, trong số những ca khúc nhạc Việt và nhạc ngoại lời Việt sống mãi với thời gian vẫn có những tác phẩm khiến người nghe… lạnh gáy.

Có thể nói ca khúc Đừng bỏ em một mình (thơ Minh Đức Hoài Trinh, Phạm Duy phổ nhạc) xứng đáng được bầu chọn là ca khúc “lạnh người” nhất cả về phần lời lẫn phần phối âm...

Khi nghe bản Đừng bỏ em một mình (Lệ Thu hát, bản phối trước 1975), rất nhiều người đã rùng mình khi chỉ mới nghe phần dạo đầu bản nhạc (intro): Thoạt đầu là tiếng piano nhấn từng nốt một: Mi Fa La Fa Mi... Mi Fa La Fa Mi... như những tiếng gõ vọng ra từ cõi u minh, rồi bỗng trỗi lên những âm thanh chát chúa “Do La Fa... La Fa Mi” như tiếng phèng la đưa tang...

Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh

Tư liệu

Và rồi lời hát nghẹn ngào, u uất vang lên: “Đừng bỏ em một mình. Đừng bỏ em một mình. Trời lạnh quá. Trời lạnh quá. Sao đành bỏ em một mình...?... Lời nào đó, lời nào đó. Tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh? Nhạc nào đó, nhạc nào đó. Nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn?... Đừng lặng thinh. Đừng lặng thinh. Với tiếng chày tiếng búa nện đinh...”.

Quả thật, xét trong những ca khúc đã được xuất bản ở Việt Nam thì chưa có bài hát nào chứa đựng những ca từ “lạnh gáy” như: Nhạc gọi hồn, tiếng chày tiếng búa nện đinh, côn trùng rúc rỉa thân mình... Xuyên suốt nội dung là lời của một cô gái trẻ vừa mới lìa đời. Từ lúc nằm trong quan tài nghe tiếng chày, tiếng búa đóng nắp hòm, tiếng cầu kinh và mùi hương khói chung quanh, rồi đường ra nghĩa trang gập ghềnh, hạ huyệt, và theo thời gian cỏ dại phủ lên nấm mồ trinh nữ... Ước mong mãnh liệt của “hồn trinh nữ” là van nài những người còn sống đừng bỏ cô lại trong nỗi cô đơn, cô không muốn xác thịt của mình bị côn trùng rúc rỉa và nhất là không muốn mình bị quên lãng trong ký ức của mọi người.

Trang bìa của bản in ca khúc Đừng bỏ em một mình

Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Diệu Trinh (1930 - 2017), vốn là một tiểu thư xứ Huế, thuộc dòng tộc quan lại (cha bà là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam). Năm 17 tuổi (1947) nàng ra Thanh Hóa để vào chiến khu kháng Pháp. Phạm Duy đã viết về nàng một đoạn trong hồi ký như sau: “Tôi bấy giờ đang là quân nhân… bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con… ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam Bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa xem mặt Hoài Trinh… Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hy hữu, tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ…” (Phạm Duy gặp cô lần đầu khi theo gánh hát lưu diễn ở Huế, lần thứ hai trong chiến khu và lần thứ ba ở Pháp. Ông phổ nhạc cho Hoài Trinh 2 bài thơ, bài kia là Kiếp nào có yêu nhau - NV).

Nhiều người cho là Minh Đức Hoài Trinh đã gặp một đám tang đi qua rồi cảm xúc làm bài thơ Đừng bỏ em một mình. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Phạm Duy thì trong thời gian làm báo ở Pháp, Minh Đức Hoài Trinh đi thăm Viện bảo tàng Musée du Louvre (Paris) và nàng đã rất xúc động khi đứng trước xác ướp của một người phụ nữ có niên đại khoảng 800 - 900 năm trước, mái tóc còn khá nguyên vẹn... Nhìn di hài người xưa, cám cảnh thân phận của một kiếp người và những ý thơ bật ra: “Đừng bỏ em một mình/Khi trăng về lạnh lẽo/Khi chuông chùa u minh/Chậm rãi tiếng cầu kinh... Đừng bỏ em một mình/Môi vệ thần không linh/Tiếng thời gian rền rĩ/Đường nghĩa trang gập ghềnh... Đừng bỏ em một mình/Bắt em nghe tiếng búa/Tiếng búa nện vào đinh/Hòa trong tiếng u minh... Đừng bỏ em một mình/Cho côn trùng rúc rỉa/Cỏ dại phủ mộ trinh/Cho bão tố bấp bênh... Đừng bỏ em một mình/Mấy ngàn năm sau nữa/Ai mái tóc còn xinh/Đừng bỏ em một mình”.

Bài thơ gốc thuộc thể ngũ ngôn, gồm 10 khổ (mỗi khổ 4 câu), nhịp thơ đi đều đều nhưng qua tay của “phù thủy” Phạm Duy thì cũng với những câu chữ đó ông đã lặp đi lặp lại khiến nỗi đau như được dàn trải. Rồi ở đoạn cao trào, cái chất “đều đều” của bài thơ biến mất: “Lời nào đó, lời nào đó, tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh. Nhạc nào đó, nhạc nào đó. Nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn?” như là tiếng thét, giằng xé nội tâm trong cơn đau rã rời... Chính 2 câu kết “Ai mái tóc còn xinh. Đừng bỏ em một mình” cho chúng ta thấy cảm xúc của nữ sĩ khi đứng trước mái tóc còn sót lại của mỹ nhân gần ngàn năm trước...

Tạo thành công cũng như hiệu ứng về mặt tâm linh của ca khúc Đừng bỏ em một mình, ngoài 2 tác giả thơ và nhạc, còn phải kể đến tiếng hát của cố danh ca Lệ Thu. Chính cách xử lý bài hát và giọng ca ma mị của Lệ Thu đã làm cho “cái hồn” của bài hát trở nên ai oán, não nùng và thê thiết hơn.

Một điều đáng lưu ý nữa là từ trước năm 1975, chính vì sự “rùng rợn” của ca khúc này qua tiếng hát Lệ Thu mà bộ phim Con ma nhà họ Hứa (đạo diễn Lê Hoàng Hoa) đã dùng bài hát này để làm tăng thêm hiệu ứng “lạnh gáy” cho khán giả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.