Những kinh nghiệm giúp phanh xe an toàn

13/01/2013 09:17 GMT+7

Những hiểu biết về phanh xe cũng là một trong những cách giúp bạn tránh được những rủi ro khi di chuyển trên đường.

Trong tình hình giao thông phức tạp như hiện nay, vấn đề an toàn giao thông luôn được đặt lên hàng đầu và bạn sẽ không khỏi đắn đo về hệ thống an toàn khi ngồi sau vô lăng. Bên cạnh những trang thiết bị an toàn giúp bảo vệ hành khách trong những trường hợp va chạm thì việc chủ động lái xe an toàn là tốt hơn cả. Những hiểu biết về phanh xe cũng là một trong những cách giúp bạn tránh được những rủi ro khi di chuyển trên đường.

Quá trình phanh

Hãy bắt đầu với những điều cơ bản sau đây:

Một chiếc xe đang chạy ở tốc độ 96 km/h thì mỗi giây sẽ di chuyển được khoảng 27 mét. Nhưng nếu để dừng chiếc xe đó lại phải mất hơn 4.5 giây và quãng đường phanh tới 82 mét. Bên cạnh thời gian thực tính từ khi xe bạn bắt đầu phanh, còn có nhiều thứ tác động lên quá trình phanh xe như thời gian nhận thức và thời gian phản ứng, do đó đã làm tăng đáng kể quãng đường phanh xe.

Những kinh nghiệm giúp phanh xe an toàn1 

Thời gian nhận thức mất khoảng là ¾ giây để bạn phát hiện sự cố và bắt đầu quá trình phanh. Thời gian phản ứng cũng khiến bạn mất thêm ¾ giây nữa để di chuyển chân đặt lên phanh xe. Cộng gộp thời gian nhận thức và thời gian phản ứng thì xe bạn đã di chuyển một quãng đường là 40,2 mét trước khi xe bạn kịp giảm tốc từ tốc độ 96 km/h. Vì thế từ lúc bạn nhận ra tình huống cần phải phanh cho đến khi dừng lại hoàn toàn, xe bạn đã di chuyển một quãng đường hơn 82 mét, trong 4.6 giây, gần bằng chiều dài của một sân bóng. Nếu bạn chạy xe càng nhanh thì quãng đường và thời gian phanh càng lớn.

Tuy nhiên còn có nhiều yếu tố khác sẽ tác động lên quá trình phanh xe, như điều kiện mặt đường. Khi thời tiết xấu, quãng đường phanh của bạn có thể tăng lên gấp nhiều lần. Nếu di chuyển trên những cung đường ẩm ướt, bạn có thể mất tới 6.1 giây để dừng chiếc xe lại với tổng quãng đường phanh tăng lên đến 101 mét. Hoặc nếu di chuyển trên mặt đường phủ tuyết, bạn sẽ mất tới 10.6 giây và di chuyển hơn 162 mét. Khoảng cách này tương đương với quãng đường phanh của một chiếc xe đang di chuyển ở tốc độ 145 km/h trong điều kiện đường sá khô ráo.

Những điều cần lưu ý

Bạn không thể làm gì với tình hình thời tiết hay điều kiện đường sá nhưng việc thay đổi phong cách lái sẽ giúp gia tăng mức độ an toàn của bạn.

Thứ nhất, nếu bạn đang lái một chiếc xe tải hoặc một chiếc SUV, hãy chú ý hơn đến tốc độ xe trong điều kiện thời tiết xấu. Những loại xe này có vị trí ngồi và trọng tâm xe cao hơn nhiều so với các dòng xe khác, do đó nguy cơ lật xe cũng cao hơn nhiều so với các loại dòng xe khác khi xe bị phanh trong những trường hợp khẩn cấp.

Thứ hai, bạn sẽ không thể tránh khỏi qui luật tác động của vật lý, đó là lực quán tính. Thực vậy, xe có trọng lượng lớn hơn có nghĩa là quãng đường phanh cũng dài hơn. Do đó trọng lượng của xe cũng là một nhân tố quan trọng trong quá trình phanh xe của bạn.

Thứ ba, hãy nhớ giữ khoảng cách với các xe khác ở phía trước, bên hông và phía sau xe của bạn. Để biết được khoảng cách nào an toàn bạn hãy làm theo nguyên tắc “3 giây”. Khi xe phía trước vượt qua một vật thể nào đó, một biển hiệu chẳng hạn, thì bạn hãy bắt đầu đếm đến 3. Nếu bạn vượt qua cột mốc đó trước khi đếm xong thì có nghĩa bạn đang di chuyển quá gần. Trong điều kiện thời tiết xấu bạn nên gia tăng khoảng cách này lên để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ xảy ra va chạm.

 Những kinh nghiệm giúp phanh xe an toàn2
Thay đổi phong cách lái sẽ giúp gia tăng mức độ an toàn của bạn

Thứ tư, bạn hãy chú ý đến loại lốp xe đang sử dụng cho phù hợp với điều kiện vận hành. Có nhiều loại lốp xe được sử dụng tương ứng với các điều kiện đường xá khác nhau. Do đó, việc sử dụng loại lốp thích hợp sẽ tăng khả năng vận hành và đảm bảo quãng đường phanh tốt hơn.

Cuối cùng, bạn nên chọn mua những xe có trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS). Hệ thống này sẽ giúp bạn giảm đáng kể quãng đường phanh trong bất kỳ điều kiện thời tiết hay đường sá nào. Bất cứ khi nào bạn nhấn chân phanh, bánh xe sẽ bị khoá cứng và mất độ bám với mặt đường, khiến bạn mất lái và do đó làm gia tăng quãng đường phanh. Nhờ hệ thống ABS, bánh xe sẽ được phanh - nhả liên tục chống tình trạng bó cứng phanh, nhờ đó rút ngắn tối đa quãng đường phanh.

Bên cạnh đó việc trang bị phanh đĩa trước sau cũng tốt hơn phanh tang trống, có thể rút ngắn quãng đường phanh và tránh được nguy cơ mất phanh do nhiệt độ. Khả năng toả nhiệt tốt do phần lớn đĩa phanh được tiếp xúc với không khí, nên nhiệt sinh ra bởi ma sát dễ dàng toả ra ngoài không khí nên sự chai lỳ bề mặt má phanh khó xảy ra (chai bề mặt là do nhiệt, sẽ làm giảm hệ số ma sát dẫn đến hiệu quả phanh giảm). Vì thế đảm bảo hiệu quả phanh tốt ở tốc độ cao.

Kỹ thuật phanh

Trước khi phanh nên quan sát gương chiếu hậu. Không nên đạp phanh gấp, gây trượt, khó kiểm soát tay lái. Nên cố gắng tránh đạp phanh ở những chỗ xóc, giảm ga và phanh trước lúc đến chỗ xóc là tốt nhất, nếu không rất có thể xảy ra hỏng hóc phanh và giảm tốc độ.

Đạp mạnh chân phanh và khi vừa cảm thấy bánh xe bắt đầu trượt thì nhẹ nhàng nhả bớt chân phanh. Khi bánh xe hết trượt, lại đạp mạnh chân phanh cho đến khi xe dừng lại hoàn toàn. Trong quá trình đạp phanh bạn có thể kết hợp giảm số xuống cho đến khi xe dừng hẳn.

Đối với những xe được trang bị hệ thống ABS, bạn nên duy trì áp lực lên chân phanh trong suốt quá trình phanh nhằm đảm bảo cho hệ thống ABS phát huy hết tính năng của mình.

Tóm lại khi di chuyển trên đường bạn nên chú ý quan sát xung quanh, giữ khoảng cách an toàn với các xe khác và tùy vào điều kiện thời tiết, đường sá mà lái xe với một tốc độ thích hợp. Điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong mọi tình huống, phán đoán được tốc độ và giảm thiểu quãng đường phanh.

Theo ThacoNews

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.