Những kỳ vọng ngoài cánh cổng trường đại học

06/07/2014 10:00 GMT+7

(TNO) Nhìn những ông bố, bà mẹ gác bỏ hết việc nhà, vượt qua khỏi rẫy cà phê, cánh đồng lúa để đưa con lên Sài Gòn thi đại học, mới thấy sự kỳ vọng và những hy sinh mà những gia đình ở quê đang dành cho con cái họ.

(TNO) Những ngày thi đại học, cao đẳng đợt 1, khi đứng trước cổng hội đồng thi nào, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những ông bố, bà mẹ, anh trai, người thân của thí sinh. Họ còn mặc nguyên bộ áo bạc màu ở quê, dựng chống chiếc xe máy cũ hoặc ngồi bệt xuống đường, chờ con họ từ trường thi bước ra.

>> Đưa con đi thi, bố nhập viện vì tai nạn
>> Cho vợ đi thi đại học để đổi đời cho con

Ánh mắt ngoài phòng thi của những ông bố, bà mẹ
Cô K’ Ngọc Hương và các phụ huynh cùng nấu cơm cho thí sinh ăn để tiết kiệm tiền - Ảnh: Khải Đơn

Những ông bố đứng đợi con

Ông Nguyễn Thành Linh (Đắk Nông) ngồi chờ con từ sáng sớm tại một hội đồng thi của Đại học Sài Gòn. Ông kể: “Hai bố con ở nhà trọ, nên đưa con đi thi rồi chờ luôn, đến trưa đi ăn cơm rồi vào thi tiếp, con đi thi cả đời mà”.

Ngồi gần ông Linh là hơn chục bố mẹ khác cũng ngồi xuống đường đọc báo, ngóng con làm bài.

Ở hội đồng thi Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tại Trường THPT Thủ Thiêm, anh Phạm Văn Nguyện chạy xe máy đưa em từ huyện Long Thành (Đồng Nai) lên thi từ 3 giờ sáng. Hai anh em định thi xong ngày đầu tiên sẽ đi tìm nhà trọ ở tạm đợi thi môn hóa hôm sau. Anh Nguyện gác xe máy ngồi đọc báo ngay trước cổng trường chờ em mình làm bài.

Anh Nguyện nói: “Cũng muốn ra quán cà phê ngồi, mà sợ đắt tiền, với lại em thi xong không tìm thấy, nên thôi mình ngồi ở đây luôn”.

 

Nhìn những ông bố bà mẹ này gác bỏ hết việc nhà, vượt qua khỏi rẫy cà phê, cánh đồng lúa để đưa con lên Sài Gòn thi đại học, mới thấy sự kỳ vọng và những hy sinh mà họ dành cho con cái. Đại học ở Việt Nam hiện vẫn là cánh cổng lớn mà biết bao nhiêu thí sinh ao ước, bao nhiêu gia đình nỗ lực, kỳ vọng vào.

Có hàng ngàn người cha, người anh như vậy đã đem theo tình thương, cả niềm hy vọng vào tương lai của con em mình. Họ khăn gói từ quê ra chốn thị thành xa lạ, để mong tương lai con em họ có thể tốt hơn, nhiều chọn lựa hơn; hay đơn giản là có được một cái nghề để khỏi cắm mặt vào cuộc sống đồng ruộng ở quê nghèo, ít cơ hội.

Theo con nấu cơm để tiết kiệm

Ở một điểm trọ thi tại quận 5, TP.HCM, gia đình chủ nhà nấu cơm sẵn cho các em có bữa ăn miễn phí. Lúc đó, những bà mẹ đưa con đi thi đại học cũng xúm xuống dưới bếp phụ nấu.

Họ nấu từ 8 giờ đến 12 giờ trưa, lại bắt tay làm lại từ 3 giờ chiều. Chị Nguyễn Thị Minh (từ Lâm Đồng) đưa con đi thi Đại học Sư phạm TP.HCM, kể: “Sáng nay có đứa đi ăn phở, vô nhằm nhà hàng hết 85.000 đồng, thôi để tụi cô dậy sớm nấu với chủ nhà cho mấy bé ăn cho lành, cô chủ lại miễn phí hết”.

Ánh mắt ngoài phòng thi của những ông bố, bà mẹ
Chị Nguyễn Thị Minh, Trần Thị Hương dọn cơm thành từng phần cho các em trong bữa tối - Ảnh: Khải Đơn

Chỉ một lát sau, khi hàng chục khay cơm đã được bày ra bàn, 30 em từ trên lầu lục đục đi xuống, đứa cầm nĩa, đứa xin thêm nước mắm, đứa đòi gấp đôi cơm, xôn xao cả căn bếp. Mỗi em đều được một phần cơm “mẹ nấu” đúng kiểu ở nhà.

Cô Trần Thị Hương đưa con từ Đắk Nông lên thi Đại học Sài Gòn nói: “Cơm mình nấu, tụi nó ăn không sợ tào tháo rượt, chứ không đang thi lại đau bụng thì chết”.

Suốt 5 ngày ở Sài Gòn, ngày nào 3 bà mẹ này cũng dậy sớm, cùng với các cô nấu bếp hàng xóm và người thân của chủ nhà ráng nấu đầy đủ 30 suất ăn cho cả con họ và những đứa trẻ khác ở cùng nhà, để chúng không tốn tiền cơm, ăn xong chỉ cần đi bộ ra hội đồng thi là được.

Chỉ thoáng một lúc, con trai cô Minh xuống ôm cổ mẹ, đòi thêm cơm ăn cho no. Cô K’Ngọc Hương (người Cơ Ho) cũng đưa con đi thi nói: “Lúc nào cũng sẵn cơm trong nồi, sẵn đồ ăn trong tủ, mì gói, có đủ hết cho tụi nó ăn, mình cố nấu dư ra. Tụi nó đang tuổi lớn”.

Ánh mắt ngoài phòng thi của những ông bố, bà mẹ
"Hàng ngũ” người thân đứng đợi con trước cổng Trường THPT Thủ Thiêm (hội đồng thi của HUTECH) - Ảnh: Khải Đơn

Có nhìn những ông bố, bà mẹ này gác bỏ hết việc nhà, vượt qua khỏi rẫy cà phê, cánh đồng lúa để đưa con lên Sài Gòn thi, mới thấy sự kỳ vọng và những hy sinh mà những gia đình ở quê đang dành cho con cái họ. Đại học ở Việt Nam hiện vẫn là cánh cổng lớn mà biết bao nhiêu đứa trẻ ao ước, bao nhiêu gia đình nỗ lực, kỳ vọng vào.

Khải Đơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.