Bánh tráng xứ dừa nhưng gạo miệt... Trà Vinh
"Ngộ cái là bánh tráng Mỹ Lồng do người dân miệt này làm ra nhưng gạo đúng chuẩn để làm ra bánh ngon phải mua gạo Sỏi ở Trà Vinh. Tụi tôi đã làm gạo tại các nơi khác nhưng lạ là làm không ra bánh hoặc bánh không ngon" - anh Nguyễn Thanh Huy, Bí thư Xã Đoàn Mỹ Thạnh bật mí như vậy. Cũng như bao thanh niên trai tráng khác ở xã này, Huy là thế hệ thứ ba làm chủ lò bánh tráng nên biết rành rọt về nghề. Huy nói hồi xưa vào Tết, ngoài trái cây, thịt kho thì hầu như dân ở Bến Tre nào cũng làm bánh tráng, bánh phồng cúng ông bà. Mấy ngày Tết hễ trời vừa hửng sáng hầu như nhà nào cũng đỏ lửa, các cụ thức sớm pha trà, nướng bánh nhâm nhi bàn chuyện đời, chuyện vườn tược, đồng áng... hưởng một cái Tết thanh nhàn sau một năm làm lụng cực nhọc. Lần hồi, dân xứ khác biết bánh tráng ngon mới... "xúi" người dân xứ này làm bán ra các tỉnh. Ban đầu chỉ một vài hộ rồi nhanh chóng lan rộng cả xã, làm quanh năm suốt tháng chỉ trừ ngày mưa. Lâu dần hình thành làng nghề sản xuất bánh tráng truyền thống nổi danh. Xã Mỹ Thạnh hầu như nhà nào cũng tất bật, chỉ tính riêng ấp Nhơn Nghĩa đã có hơn 100 hộ làm bánh tráng. Huy nói: "Làm đêm, làm ngày vậy mới kịp giao bạn hàng ngày Tết. Nếu ngày thường mỗi lò làm ra 300-400 bánh, thì mấy ngày này phải làm gấp đôi, một thợ giỏi có thể làm 20 - 30 lít gạo/ngày".
Bánh phồng Sơn Đốc ngon cỡ nào ?
Trái với làng bánh tráng Mỹ Lồng, tới làng bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng, từ xa đã nghe tiếng máy chạy rầm rầm, tiếng cối chày vang lên liên hồi. Anh Đặng Thanh Hải, giới thiệu dòng họ anh đã... 4 đời làm bánh phồng. Anh kể: "Hồi đó làm bánh ngọt không à, bánh to như cái quạt mo nướng bằng lửa rơm". Anh Hải cũng không ngờ loại bánh chỉ có mặt ngày Tết, ăn vui miệng của ông bà thì hàng chục năm sau lại giúp hơn 50 hộ dân với hàng trăm lao động xã Hưng Nhượng sống được và tạo nên làng nghề tên tuổi.
Công việc cán bánh phồng tuy đơn giản nhưng một lao động cũng kiếm được độ 400 ngàn đồng/tháng, và vào tháng Tết lên đến 1 triệu đồng/tháng (ảnh: T.Dũng) |
Cũng như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng rất kén nếp, nếp phải là nếp rặt, không lẫn gạo thì mới cán ra bánh đẹp, nếu lẫn gạo, cám khi cán bánh sẽ xấu đi. Nếp cũng phải ngâm nhiều giờ liền tới khi nào thấy nước trong mới thôi. Sau đó mới nấu nếp, một ổ bánh độ 10 lít, khi nếp chín bỏ vào cối quết. Anh kể: "Lúc trước dùng sức người cực lắm, 6 người liên tục dùng sức đạp chày quết, nửa tiếng mới xong một ổ và phải đạp liên tục không ngưng nghỉ để bánh đừng chai, bột đừng nguội, người quết cũng phải theo nhịp chày mà làm". Nay thì làng bánh đã thay thế bằng máy quết, chỉ 15 phút là xong một ổ và cứ cán một ổ ra 300 bánh. Ngày thường, cả xã cung ứng thị trường 50 thiên bánh (1 thiên là 1.000 cái) thì ngày Tết cũng phải tăng gấp đôi. Mấy ngày này nhà nào cũng tranh thủ làm, tờ mờ sáng mở máy chạy ầm ầm như pháo nổ, làm cho đến hết nắng mới ngưng. Nếu ngày trước bánh làm bằng nếp trộn dừa, bánh to bằng cái quạt mo, nướng với lửa rơm mới ngon thì ngày nay bánh phồng đã pha trộn thêm các gia vị khác như trứng gà, muối mè, hành, mít tạo thành 4 loại bánh mặn, mùi vị khác nhau và bánh chỉ to bằng bàn tay xòe người lớn, khi nướng bánh mới phình to ra và nướng bằng lửa than mới ngon. Anh Hải còn cho hay bánh phồng mà xẻ nhỏ đem chiên xào với lá cách, ăn với thịt vịt hay chuột, rắn thì ngon "tuyệt cú mèo".
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc nức tiếng cả nước, nhưng với người dân quê xứ dừa niềm hãnh diện lớn nhất là họ giữ được truyền thống lâu đời. Anh Hải cũng như cư dân nơi đây đã quen tiếng chày đến mức "không nghe thì không ngủ được" như lời anh thú nhận.
Ghi chép của Thanh Dũng
Bình luận (0)