Những lãnh đạo "về vườn" vì khủng hoảng nợ công

08/05/2012 11:50 GMT+7

(TNO) Sau khi chính thức trở thành cựu tổng thống Pháp hôm 6.5, ông Nicolas Sarkozy đã điền tên vào danh sách các lãnh đạo châu Âu bị hất văng khỏi ghế quyền lực do các chính sách siết chặt chi tiêu làm phật lòng người dân.

Thống kê của hãng tin AP cho thấy hầu hết các lãnh đạo của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cơn khủng hoảng nợ công đều bị người dân tẩy chay.


Cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi - Ảnh: Reuters

Tại Ý, thủ tướng kỳ cựu và cũng đầy tai tiếng Silvio Berlusconi, vốn có thành tích luôn thoát khỏi các cáo buộc tham nhũng chống lại ông, cuối cùng đã phải "ngậm trái đắng" vào tháng 11.2011.

Do các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng giải quyết tình trạng nợ công leo thang của thủ tướng, ông Berlusconi đã buộc phải tuyên bố từ chức trong tiếng chế giễu của người dân Ý. Người kế nhiệm ông Berlusconi là ông Mario Monti, vốn từng là ủy viên Ủy ban châu Âu.


Cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou - Ảnh: AFP

Còn tại Hy Lạp, sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vào tháng 10.2009, thủ lĩnh đảng Xã hội George Papandreou lên làm thủ tướng với cam kết sẽ vực dậy nền kinh tế, vốn đang gặp khủng hoảng vì nợ công.

Hai năm sau, Hy Lạp lâm vào cơn khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai và có nguy cơ bị vỡ nợ. Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, cuối cùng lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu cũng đồng ý bơm tiền giải cứu cho quốc gia Địa Trung Hải này.

Tuy nhiên, ông Papandreou khiến Hy Lạp suýt hụt mất khoản viện trợ sinh tử này khi quyết định cho trưng cầu dân ý về gói giải cứu của Liên minh châu Âu. Hậu quả là ông bị chính các thành viên trong đảng của mình bỏ phiếu bãi nhiệm và Thủ tướng tạm quyền Lucas Papademos lên thay.


Cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero - Ảnh: Reuters

Tại Tây Ban Nha, bong bóng thị trường nhà đất vỡ do cơn khủng hoảng nợ công quét sạch lòng tin của người dân đối với đảng Xã hội cầm quyền lúc bấy giờ, vốn luôn khăng khăng không chịu thừa nhận rằng đất nước đang gặp khó khăn.

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ tiến hành sau đó khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt. Và thế là sau cuộc bầu cử vào tháng 11.2011, Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero phải nhường ghế cho ông Mariano Rajoy thuộc đảng Bảo thủ lên thay.


Cựu Thủ tướng Ireland Brian Cowen - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ireland Brian Cowen buộc phải rời bỏ cương vị lãnh đạo đảng cầm quyền Fianna Fail vài tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 2.2011 do người dân bất mãn với việc chính phủ ban hành các chính sách siết chặt chi tiêu ngân sách hà khắc nhằm đánh đổi lấy các gói viện trợ từ Liên minh châu Âu.

Đảng Fianna Fail sau đó thất bại nặng nề khi chỉ giành được hơn 17% số phiếu ủng hộ, tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử đảng này.


Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates - Ảnh: AFP

Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Jose Socrates bị loại trong cuộc bầu cử tháng 6.2011, chỉ một tuần sau khi chính phủ lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu viện trợ tài chính. Người dân nước này thất vọng khi chính phủ không có kế hoạch cải thiện kinh tế trong nước, khiến nó ngày càng lún sâu trong nợ nần.

Hoàng Uy

>> Francois Hollande đắc cử tổng thống Pháp
>> Cánh tả Pháp tràn trề lạc quan
>> Ông Hollande lên, đồng euro tuột
>> Liệu ông Francois Hollande có thể cứu châu Âu?
>> Đảng cực hữu trỗi dậy ở Hy Lạp
>> Eurozone đạt thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.