Những lò chế tạo súng ám sát

02/10/2012 03:35 GMT+7

Hoạt động băng nhóm diễn biến phức tạp khiến "hàng nóng" ngày càng được ưa chuộng, từ đó các “lái súng”, “lò” chế tạo súng cũng xuất hiện ngày càng nhiều...

Hoạt động băng nhóm diễn biến phức tạp khiến "hàng nóng" ngày càng được ưa chuộng, từ đó các “lái súng”, “lò” chế tạo súng cũng xuất hiện ngày càng nhiều...

>> “Hàng nóng” trong giới giang hồ

Ngay từ đầu năm 2010, dân xã hội đen Hải Phòng chẳng lạ gì Nguyễn Văn Tiến (43 tuổi, Giám đốc Công ty CP xây dựng - thương mại Minh Cường, trụ sở ở H.An Dương, TP.Hải Phòng). Tiến nổi tiếng bởi núp dưới chiêu bài chủ một doanh nghiệp chuyên xây dựng, sửa chữa nhà cửa và nuôi trồng thủy sản, nhưng thực chất âm thầm lập băng nhóm thu mua súng về cung cấp cho các ổ nhóm giang hồ.

Súng bút tự chế 
Súng bút tự chế - Ảnh: P.H.S

Dưới trướng Tiến lúc nào cũng có hàng chục “ong ve” ăn ở luôn tại trụ sở công ty, được phân công nhiệm vụ cụ thể: nhóm đi mua vũ khí ở khu vực biên giới hoặc mua loanh quanh trong giới “lái súng” ở Hải Phòng, Quảng Ninh; nhóm thì lân la đến các ổ nhóm có nhu cầu thanh toán đối phương để chào hàng và cung cấp “hàng nóng” kịp thời.

Tuy nhiên, hoạt động của Tiến cùng đám đàn em không qua mắt được cơ quan công an, sau một thời gian trinh sát, ngày 12.12.2011, Công an H.An Dương, TP.Hải Phòng đã ập vào kiểm tra trụ sở công ty của Tiến, phát hiện, thu giữ 3 khẩu súng các loại, nhiều đạn và tang vật.

Trước thời của Tiến, những năm 2006, 2007, cái tên Sơn “súng” (tức Phạm Cao Sơn, 46 tuổi, ngụ Quang Trung, Hồng Bàng, Hải Phòng) đã trở nên nổi tiếng trong giới lái súng, bởi Sơn luôn đáp ứng mọi yêu cầu của khách, từ súng Colt đến hoa cải, từ súng ám sát đến AK cưa nòng.

Sơn “súng” trước kia từng là thợ quân khí, sau đó giải ngũ. Năm 2000, mãn hạn tù 6 năm về tội gây rối trật tự công cộng, Sơn vào làm thợ sửa chữa tại cửa hàng kinh doanh súng thể thao của người em gái. Và từ đây Sơn trở thành “lái súng” và trùm chế súng.

Làm ăn phất lên, Sơn thu nạp thêm một số đệ tử, trong đó nổi cộm là Nguyễn Minh Chí (54 tuổi, ngụ Q.Lê Chân, Hải Phòng). Chí là nhân viên của một công ty bảo vệ, rất giỏi võ. Do chỉ cung cấp “hàng nóng” cho những đối tượng trong giới giang hồ, làm ăn khá chặt chẽ nên đường dây buôn súng của Sơn tồn tại nhiều năm mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, đầu năm 2008, Công an Hải Phòng thông qua vụ bắt giữ trùm ma túy Dư Kim Dũng (tức Dũng "tình", 45 tuổi, trú Q.Hải An), cùng một số chứng cứ, tài liệu từ một số vụ án trước đó đã phát hiện chân tướng và đường dây “lái súng” của Sơn “súng”.

Một điều tra viên kỳ cựu của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47), Công an Hải Phòng cho biết: “Khi bắt Dũng "tình", ngoài số lượng ma túy “khủng”, công an còn thu giữ trong nhà Dũng 4 khẩu súng bút”.

Qua đấu tranh khai thác, Dũng khai nhận nhiều lần mua súng của Nguyễn Minh Chí, đàn em của Sơn “súng”. Ngày 29.3.2008, Công an Hải Phòng đã bắt được Chí tại một quán cà phê trên đường Lạch Tray, Ngô Quyền, thu giữ một khẩu súng ám sát và 12 viên đạn. Cùng ngày, Công an Hải Phòng đã bắt Sơn, thu trên người đối tượng này 3 khẩu súng bút cùng 30 viên đạn thể thao 6 ly. Tiến hành khám xét nơi ở của cả Sơn và Chí, công an thu giữ tổng cộng 37 khẩu súng, trong đó có 14 khẩu súng bắn đạn ghém, 7 khẩu súng ám sát loại bắn đạn thể thao quốc phòng, 9 khẩu súng hơi bắn đạn chì, 5 khẩu súng thể thao quốc phòng cùng hàng chục hộp đạn 6 ly, 20 nòng súng, 17 báng súng, 3 máy dập để tái chế đạn ghém...

“Tại cơ quan công an, Sơn cũng khai số súng đạn mua của một đối tượng ở TP.Móng Cái và Sơn cũng không nhớ nổi đã mua bao nhiêu súng đạn của đối tượng này”, một lãnh đạo PC47, Công an Hải Phòng cho biết.

Rẻ hơn hàng "nhập khẩu" từ 20-30%

Không chỉ mua đi bán lại, nhận thấy súng, nhất là súng bút, loại súng ám sát có hình chiếc bút, ngày càng được tiêu thụ mạnh trên thị trường, một số kẻ buôn súng đã mày mò tìm cách chế tạo.

Ngày 16.4.2012, Công an Quảng Ninh kiểm tra, phát hiện Nguyễn Văn Dương (23 tuổi, ngụ Kinh Môn, Hải Dương) mở xưởng chế tạo súng ngay tại nơi trọ (thuộc khu 7, P.Hà Khánh, TP.Hạ Long, Quảng Ninh). Khám xét khẩn cấp tại xưởng cơ khí, các trinh sát phát hiện Dương cùng đồng bọn đang chế tạo ổ chứa đạn của súng Colt quay, thu giữ 2 khẩu súng bút kèm theo đạn, 3 ổ chứa đạn của súng Colt quay đã chế tạo xong.

Dương khai nhận, đầu tiên thấy cấu tạo của súng bút đơn giản nên mua một khẩu, sau đó tháo rời nghiên cứu và tìm cách chế tạo. Sau này, ngoài súng bút, Dương còn chuyển sang chế tạo, sản xuất cả ổ đạn của súng Colt quay cung cấp ra thị trường cho giới giang hồ với giá rẻ hơn giá hàng “nhập khẩu” từ 20-30%.

Trước đó tại Hải Phòng, vào tháng 3.2010, Công an Q.Lê Chân bắt giữ và khởi tố Võ Tiến Đạt (ngụ Đông Khê, Q.Ngô Quyền) khi y đang chế tạo súng bút. Khám người Đạt, cơ quan công an thu giữ 6 khẩu súng ám sát dạng bút, trong đó có 2 khẩu đạn đã lên nòng, cùng 3 viên đạn. Tại cơ quan công an, Đạt khai nhận đến thời điểm bị bắt đã tự chế được 10 khẩu súng bút. Trong quá trình chế tạo, để tránh bị phát hiện, Đạt thuê nhiều xưởng cơ khí, mỗi xưởng sản xuất một vài chi tiết, mỗi chi tiết Đạt trả từ 20.000 đến 250.000 đồng. Thiếu bộ phận nào, Đạt sẽ tìm mua ở khu vực chợ Sắt, sau đó về lắp ráp hoàn chỉnh đem bán. Đạt khai, khẩu súng tự chế chi phí chỉ mất gần 500.000 đồng/khẩu, nhưng khi bán có thể được tới hơn 2 triệu đồng/khẩu. Ngày 28.9.2010, TAND Q.Lê Chân đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt Võ Tiến Đạt 13 năm tù về hai tội: tàng trữ trái phép chất ma túy và sản xuất, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Trước đó, ngày 19.12.2008, TAND TP.Hải Phòng đã xét xử và chỉ tuyên phạt Phạm Cao Sơn 24 tháng tù giam, Nguyễn Minh Chí 18 tháng tù giam.

Súng bút như súng quân dụng

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hưng, Phó trưởng phòng PC47, Công an TP.Hải Phòng cho biết, trong quá trình trấn áp tội phạm tàng trữ, sử dụng súng đã có những vụ án cơ quan công an gặp khó khăn khi khởi tố bắt giam hoặc truy tố các đối tượng phạm tội. Điển hình là vụ bắt “trùm” ma túy Dư Kim Dũng, thu 4 khẩu súng bút; cũng từ vụ án này, công an phát hiện "lò" chế tạo hàng chục khẩu súng bút của Võ Tiến Đạt. Tang vật đã rõ ràng, nhưng súng bút không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng đã quy định. Sau đó, Viện Nghiên cứu tên lửa, Bộ Quốc phòng và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã giám định và kết luận, súng bút tuy là súng tự tạo nhưng có kiểu dáng giống như súng quân dụng nước ngoài vẫn trang bị cho các nhân viên tình báo khi hoạt động ám sát.

Phạm Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.