Cơ hội thỏa mãn đam mê
Đang “nổi đình nổi đám” là Mr Cần Trô Xuân Nghị với vai diễn trong phim truyền hình Ngày ấy mình đã yêu. Anh là diễn viên khóa 1 của Sân khấu kịch Hồng Vân. Từ chàng trai gầy gò, xấu xí chuyên đóng vai “xì ke” ở các hội diễn quần chúng, thi rớt Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Xuân Nghị lột xác thành “thiên nga” khi đến với “bà bầu” mát tay Hồng Vân.
Mr Cần Trô cho biết: “Lúc ấy tôi đang bị khủng hoảng tinh thần vì giấc mơ làm diễn viên... đổ bể. Nhớ lời hứa qua điện thoại của NSND Hồng Vân với cha tôi khi ông làm công nhân ở Thủ Đức: “Nếu Xuân Nghị học xong cấp ba mà muốn làm diễn viên kịch thì vào TP.HCM đến học lớp đào tạo biểu diễn của sân khấu”, tôi đã gõ cửa Sân khấu kịch Hồng Vân. Qua sự rèn giũa, kèm cặp, thậm chí nổi nóng của các thầy cô Minh Nhí, Hữu Châu, NSND Hồng Vân... tôi mới có được như ngày nay”.
Ở Sân khấu kịch Minh Nhí, mọi người hay nhắc đến trường hợp diễn viên Bảo Bảo. Từ cậu bé nhút nhát buôn bán quần áo ở chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), anh được nghệ sĩ Nguyên Lộc đưa về trông coi đền thờ tổ cho danh hài Hoài Linh. Khi biết Minh Nhí tuyển sinh lớp đào tạo diễn viên, Bảo Bảo đăng ký và chỉ sau 6 tháng học tập, nhờ có năng khiếu đã lọt vào mắt xanh của nhiều đạo diễn, hiện tham gia nhiều vở cải lương, phim, kịch: Gánh hàng rong, Gái ngoại bang, Nội giám, Thâm cung kế... Bảo Bảo tâm sự: “Thật sự nếu không có những lò theo mô hình xã hội hóa như thế này thì những người trẻ như chúng tôi dù đam mê sân khấu cũng khó có điều kiện tiếp cận để thực hiện mong ước của mình”.
|
Tận dụng mọi điều kiện
Tại TP.HCM, việc tổ chức đào tạo diễn viên bổ sung cho lực lượng “hậu duệ” theo mô hình xã hội hóa đầu tiên là Sân khấu kịch Hồng Vân, sau đó đến Sân khấu kịch Minh Nhí, Trịnh Kim Chi và Quốc Thảo. Theo danh hài Minh Nhí: “Khi tôi không còn giảng dạy ở trường nhà nước, bà bầu Hồng Vân có đề nghị tôi làm chủ xị cho vụ đào tạo này và rất thành công. Năm 2016, tôi thành lập sân khấu mới nên tách ra riêng. Hiện giờ, tại Sân khấu kịch Hồng Vân, anh Hoàng Sơn thay tôi lo mảng đào tạo. Anh Quốc Thảo ngoài tham gia giảng dạy ở sân khấu của tôi cũng mở lớp này tại sân khấu của anh”.
Minh Nhí khẳng định: “Chúng tôi dạy, học viên bỏ tiền học nên phải giống như đi chợ, luôn xác định cần mua những món gì cho tương xứng nhất. Ngược lại, trung tâm thu học phí thì phải đầu tư, hỗ trợ cho học trò điều kiện tốt nhất để đáng “đồng tiền bát gạo”. Nhiều em tranh thủ làm thêm, tăng ca đêm ca ngày để được đến lớp hàng năm trời như vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm”.
Nghệ sĩ Hoàng Sơn, Quản lý đào tạo Sân khấu kịch Hồng Vân, cho rằng: “So với trường chính quy, có thể cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng “lửa” nghề ở các “lò” này luôn tràn đầy. Chúng tôi tận dụng mọi điều kiện có thể để giảng dạy một cách tốt nhất. Sân khấu ngoài những bữa sáng đèn, còn lại dành cho học viên tập luyện, thậm chí có vai diễn nào phù hợp là cho xuất hiện trước khán giả luôn. Một số diễn viên thành danh sớm tạo động lực cho các em còn lại phấn đấu”.
Bình luận (0)